Hình ảnh con dê xuất hiện khá nhiều trong các công trình kiến trúc từ Đông sang Tây và từ cổ chí kim. Bởi dê không chỉ là loài gia súc gần gũi với con người từ thời cổ đại mà còn là con vật gắn liền với tín ngưỡng, tâm linh, thần thoại, văn hóa của nhiều dân tộc từ Âu sang Á.
Những hình tượng dê đi cùng với kiến trúc từ thời xa xưa nhất hiện còn tồn tại được tìm thấy trên “Hành lang Nhân sư” (Sphinx Alley – từ dùng để chỉ một cung đường nối hai khu đền Karnak và Luxor trong đô thị cổ Thebes bên bờ sông Nile của Ai Cập), nơi các cuộc khai quật khảo cổ đã tìm thấy các tượng nhân sư đầu dê thay vì đầu phụ nữ như thường thấy ở các kim tự tháp và các di tích kiến trúc thời các pharaon. Theo các nhà khảo cổ học, “Hành lang Nhân sư” là nơi đã diễn ra các cuộc diễu hành của người Ai Cập cổ đại; họ mang theo tượng của các vị thần Amun và Mut: Amun là vương thần tối cao còn Mut là nữ thần được tôn thờ như người mẹ của dân Ai Cập thời đó. Nhà khảo cổ học danh tiếng Zahi Hawass cho rằng nữ hoàng Cleopatra đã đưa một trong hai người tình của bà là tướng Anthony hoặc hoàng đế Caesar trong hành trình đi ngược dòng sông Nile để đến với “Hành lang Nhân sư”.
Trong thần thoại Hy Lạp có một vị thần rất đặc biệt và cũng rất thú vị với phần trên thân thể là người nhưng nửa thân dưới là dê; đó là Pan – thần của thiên nhiên, núi non hoang dã và những thung lũng, cánh đồng tươi tốt, thần của những người chăn cừu và các đàn gia súc, của săn bắn và âm nhạc đồng quê và đặc biệt hình ảnh thần Pan luôn gắn liền với các nữ thần xinh tươi, luôn phô bày thân hình quyến rũ không y phục! Chính vì thế mà thần Pan còn là biểu tượng của mùa xuân và sự sinh sôi. Tượng điêu khắc thần Pan có ở nhiều công trình kiến trúc cổ ở Hy Lạp cũng như các không gian công cộng như vườn hoa, công viên… nhiều nước phương Tây.
Trong thần thoại Bắc Âu, có hai con dê Tanngrisnir và Tanngnjóstr kéo xe cho thần sấm sét Thor (tựa như ông Thiên lôi trong cổ tích phương Đông). Trường ca cổ Edda của Na Uy kể rằng khi thần Thor làm thịt hai con dê kéo xe của ông để đãi các thần linh khác, thịt dê đem đến sức mạnh cho họ, sau đó Thor đã hồi sinh Tanngrisnir và Tanngnjóstr bằng chiếc búa tầm sét của mình để chúng tiếp tục kéo xe cho ông trong các trận chiến chống những ác thần hay quái vật… Bức tượng thần Thor trên chiếc xe do Tanngrisnir và Tanngnjóstr kéo lớn nhất và đẹp nhất là trên nóc công trình kiến trúc cổ Ny Carlsberg Bryghus, nguyên là xưởng sản xuất bia Carlsberg ở quận Carlsberg của thủ đô Đan Mạch Copenhagen. Là tác phẩm thiết kế của kiến trúc sư Vilhelm Klein, lấy cảm hứng từ kiến trúc Ý thời Phục hưng, tòa nhà Ny Carlsberg Bryghus được xây dựng từ thập niên 1890 và hoàn thành năm 1901.
Trong vô vàn tác phẩm điêu khắc ở các kiến trúc cổ của nước Ý cũng không khó để tìm hình ảnh con dê. Dễ thấy nhất là một tượng dê trên trụ cao ngất ở cổng dẫn vào đảo Isolotto của Florence. Thật ra đó là hình tượng con dê biển Capricorn, nửa dê nửa cá, cũng là biểu tượng của chòm sao Bạch Dương – một trong 12 cung hoàng đạo theo tử vi phương Tây.
Không chỉ ở các kiến trúc phương Tây, ngay trên nóc tu viện Mật tông Darchen đầy màu sắc ở Tây Tạng cũng có hình ảnh đôi dê chầu bánh xe luân hồi. Và tượng dê lớn nhất ở châu Á hẳn là tại công viên Việt Tú của thành phố Quảng Châu (Trung Quốc): hầu như du khách nước ngoài đến với Quảng Châu luôn được đưa tới nơi đặt biểu tượng Ngũ dương của thành phố. Truyền thuyết kể rằng, xưa kia có năm vị tiên cưỡi trên năm con dê từ Thiên đình xuống hạ giới, mỗi vị tiên đều cho người dân Quảng Châu giống các loại cây trái, ngũ cốc và dạy cách trồng trọt, thu hoạch, từ đó người dân Quảng Châu có được cuộc sống ấm no, sung túc…
Rất khó tìm hình ảnh con dê trong các kiến trúc cổ – kim ở Việt Nam, song món lẩu dê thì nơi nào cũng có!
- Diên Vỹ tổng hợp