Đất nước Indonesia có tới 17.000 hòn đảo, nơi nào cũng giáp với biển. Lại có 300 dân tộc sống rải rác khắp 33 tỉnh thành, nên nhà cửa – kiến trúc ở nước này vô cùng đa dạng, phong phú.
Mỗi nơi mỗi khác, mỗi dân tộc đều có những lối xây dựng riêng. Thế nhưng, nói chung, nhà truyền thống ở đây được gọi là Rumah Adat.
Tức là những ngôi nhà dài bằng gỗ, nằm trên cọc (nhà sàn), có mái dốc, trang trí thanh nhã, lợp rơm lá hay gỗ.
Một số mang hình chữ nhật, số khác hình tròn, với bộ mái hình tam giác hoặc thuyền và sừng trâu… Tất cả đều “hữu cơ”, gần gũi với thiên nhiên và nương theo môi trường.
- Xem thêm: Những mái nhà đẹp nhất thế giới
Phần lớn Rumah Adat đều xây cao, trên các cây cọc lêu đêu kê trên đá để tránh mưa lũ, thủy triều cũng như dành phần gầm nhà cất trữ đồ đạc, chăn nuôi.
Nhờ nằm cao, kết hợp với vách gỗ, mái lá, mỗi công trình cũng có một máy điều hòa nhiệt độ vô hình, mùa hè giúp những làn gió mát chống trả khí hậu nóng nực, xua đuổi ruồi muỗi, còn mùa đông lại giữ nhiệt cực lâu cho nhà cửa ấm áp.
Tại các vùng duyên hải thấp trũng, nhiều nhà còn có cả chục cửa sổ, trong khi miền sơn cước có những mái dày và quây kín bưng. Dù ở đâu, vẫn thấy những mái nhà xuôi xuống, cho thoát nước mưa và dẫn nước đổ vào hũ vại, lấy nước sinh hoạt.
Như đã nói, có khá nhiều ngôi nhà đặc trưng vùng miền, tạo ra những điểm nhận dạng và cho biết về văn hóa, tính cách người ở. Với 33 tỉnh thành của Indonesia, sẽ có ít nhất 33 kiểu nhà thú vị, song dưới đây chỉ xin kể một số cái lạ mắt.
Tại tỉnh Aceh, nơi phần đông người Aceh sinh sống, nhà dân gian là Rumoh Aceh, một ngôi nhà có ba gian, một bếp.
Gồm gian trước seuramoe keue (nằm ở phía bắc hoặc nam), gian giữa seuramoe teungoh, gian sau seuramoe likot và phần bếp rumoh dapu. Gian trước luôn dành cho nam giới, thường đặt cầu thang, lối vào để gia chủ đi lại hằng ngày, đón tiếp khách.
Gian sau lại dành cho nữ giới sinh hoạt, nấu nướng và thông với bếp. Ở trung tâm ngôi nhà là gian giữa, thường có hai phòng, kê giường ngủ. Ở phía tây là giường jurei của ông bà chủ và phía đông – anjong cho con gái.
Ngoài ra, còn có một giường nữa cho con rể và con gái ở sau khi cưới. Cả ngôi nhà được ghép từ gỗ giáp mộng, chứ không dùng đinh.
Vách thường bằng tre, trong khi sàn – gỗ cọ và mái – lá mây, rơm rạ. Mái nhà của Rumoh Aceh, cũng như nhiều mái nhà khác, bao giờ cũng nằm trên trục Đông-Tây, với một đầu hồi đón chào sự sống và một đầu hồi tiễn biệt cái chết, mà với người theo đạo Hồi thì hướng Tây còn là phương vị chỉ lối tới thánh địa Mecca.
Vì ý nghĩa quan trọng của việc sinh tử, ở hai đầu hồi lúc nào cũng được trang trí đẹp mắt, thường đục chạm, khắc vẽ sặc sỡ hình hoa lá, chim muông, trăng sao… và mở nhiều ô cửa thu hút sinh khí, tài lộc.
Chúng cũng là yếu tố quyết định sự hấp dẫn và dễ nhớ của công trình. Tuy không để sinh hoạt, song gầm nhà cũng là nơi quan trọng, nhằm cất trữ thóc, và vì thế ngôi nhà còn có tên krong bade – kho thóc.
Người ta thường xây nhà khi lập gia đình. Do theo mẫu hệ, những ai có con gái sẽ phải dựng nhà cho con để sau này cô lấy chồng, và theo tập tục sẽ ở nhà cha mẹ ruột cùng với chồng (ở rể) cho đến khi sinh đứa cháu đầu lòng. Khi phụ mẫu mất, cô sẽ được thừa hưởng toàn bộ tài sản của họ.
Ở tỉnh Tây Sumatra, nhà truyền thống là Rumah Gadang. Đây là chỗ trú ngụ của người Minangkabau, vốn tới từ biển nên nhà cửa đều có hình thuyền.
Ngoài ra, còn có hình sừng trâu do lên bờ, họ gặp hai con trâu chọi nhau. Thông thường, ở mỗi bên mái sẽ có từ ba đến sáu “sừng trâu”, tương ứng với ba đến sáu “gian nhà” cho các cô gái khi lấy chồng, vì họ cũng theo mẫu hệ.
Khi con gái lập gia đình, cha mẹ lại chắp thêm một căn phòng vào nhà để con và chồng ở, khiến nó dài thêm. Đại thể, Rumah Gadang là một nhà gỗ hình chữ nhật, bề mặt điêu khắc dày đặc và có rất nhiều mái cong lên trời, thể hiện cho sức mạnh vươn lên của dân tộc.
Tại phần cuối của từng mái, sẽ có một bức tường ngăn cách các phòng. Cùng với tường, là năm hàng cột chia không gian trong nhà thành bốn khoảng – lanjar, trong đó lanjar phía sau là tập hợp của năm tới chín phòng ngủ (ruang).
Khi con cái nhỏ tuổi, chúng sẽ sinh hoạt chung, nhưng khi lớn con trai sẽ chuyển ra ở nhà thờ của làng, và chỉ về khi thăm hỏi cha mẹ.
Như đã nói, ở Rumah Gadang, trang trí rất đa dạng. Gần như toàn bộ mặt tường, cửa sổ đều chạm trổ.
Có tới 94 mô-típ, gồm 37 mô-típ về hoa lá, 28 về động vật và 29 về người, màu sắc cực kỳ sặc sỡ, cho thấy tình yêu sâu đậm và sự coi trọng thiên nhiên của người dân.
Sự tôn kính ấy còn biểu thị qua việc không chứa thóc dưới gầm, mà xây riêng trước nhà nhiều kho gạo, để ăn, cúng tế, làm từ thiện.
Nhiều thành phố như Palembang của Nam Sumatra và Jakarta của Java lại có nhà Rumah Limas với bộ mái hình kim tự tháp và nền sàn giật cấp hấp dẫn.
Chúng cũng được xây bằng gỗ, song là những loại gỗ chống thấm, gồm vách gỗ tembusu và cột gỗ unglen.
Hơn thế, bên trên còn lợp ngói thay vì lá như lối cổ truyền. Vốn dĩ ngày xưa nóc nhà cũng lợp lá, nhưng tới thế kỷ 15 đã thay bằng ngói để chịu được gió giật và hơi ẩm, vì nhà cửa ở đây đều nằm bên sông, hướng ra mặt nước.
Mỗi ngôi nhà thường rộng từ 400m2 tới 1.000m2. Do vậy, có thể dung chứa nhiều người và tổ chức nhiều sự kiện cộng đồng. Song mọi người không được tập trung một chỗ, mà tùy vào vị thế, quan hệ với gia chủ sẽ được mời lên từng tầng (cấp) riêng.
Tựu chung, Rumah Limas có từ 2 đến 5 cấp – bengkila, chênh nhau khoảng 40cm, trong đó nấc cao nhất ở giữa nhà – là trung tâm của các lễ nghi.
Ngày cưới, người ta mới lên tới đây, còn bình thường chỉ đứng, ngồi nói chuyện ở tầng thứ 2. Tại mỗi nấc đều có hai cửa sổ cho không khí mát dịu.
Các vách tường cũng được điêu khắc đẹp, thường sơn vàng, sơn đỏ, thậm chí dát vàng, và trong nhà có những hàng cột cùng tranh gỗ, đèn chùm độc đáo.
Tuy mái hình kim tự tháp, song nó không nhọn lắm, mà thoai thoải từ 14 tới 45o, mang tới cảm giác thanh nhã.
Ở hai đầu mái cũng đắp hình chim câu, sừng dê (tanduk kambing) hoặc lá pandanus (daun pandan) giúp chống sét.
Và ở đỉnh gắn hình hoa sen hay nhài (simbar) cho sự trong sạch, an lành. Xưa kia, những họa tiết này là gia huy hoàng tộc, và hiện nay là biểu tượng của nước, vẻ đẹp và niềm vui dân dã.
Rumah Joglo là tên gọi của khá nhiều kiến trúc Ấn Độ, Ba Tư, Ả Rập, Trung Quốc, châu Âu… ở tỉnh Trung Java. Đây có thể nói là tổng hòa và xen kẽ của mọi phong cách Đông – Tây, cổ kim và nhất là các công trình Hindu và Phật giáo, vì có quá nhiều dân tộc chung sống.
Người dân thường phối hợp chúng với nhau, ví dụ như một thánh đường đạo Hồi Trung Đông, song lại không có mái vòm mà có phần mái tựa mái đình chùa hay cổ tháp Ấn Độ, mô phỏng đỉnh núi Meru.
Tương tự có hình thuyền hoặc yên ngựa là nhà Tongkanan của người Torajan – Nam Sulawesi. Về từ vựng, tongkanan có nghĩa là ngồi cùng nhau vì những ngôi nhà được dựng thành hàng như một bầy gia súc.
Do cầu kỳ mà đặc biệt là phần mái bằng tre gỗ uốn, lợp lá dày như con thuyền, cộng với khâu trang trí tỉ mỉ, nên phải mất hàng tháng mới xong một ngôi nhà, và nó luôn trở thành trung tâm của mọi sinh hoạt đại chúng.
Những nhà lớn dành cho quan chức được gọi là tongkonan, còn nhà nhỏ của dân là banua, nhưng đều quay về hướng Bắc – cội nguồn sự sống.
Ở mặt tiền cũng có những cột hoặc xâu chuỗi những cặp sừng trâu – tượng trưng cho lúa nước, sức lực, sự thịnh vượng, no ấm.
Cùng đó là vô số họa tiết trên đầu hồi và tường ngoài chỉ sự nảy nở, phát triển. Trong mỗi ngôi nhà cũng luôn có ba phần: phía bắc, trung và nam.
Phía bắc chứa phòng khách tangalok cũng là phòng ngủ của trẻ; phía trung – sali – nơi sinh hoạt chung của cả gia đình và phía nam – sumbung – giường tủ của gia chủ, đồng thời là chỗ đặt thi hài người chết chưa chôn.
Thông qua số lượng sừng trâu treo ngoài cửa, sẽ thấy ngay số lần tang gia đã có trong nhà, và nó là một cách để nói về từng đời người đã diễn ra nơi này.
Cùng sừng trâu, thậm chí đầu trâu, bên trái nhà quay sang hướng Tây còn thấy hàm răng của người đã thịt con trâu ấy, và bên phải nhà quay sang hướng Đông là răng lợn, ngụ ý về sự no ấm, an nhàn.
Như bao công trình khác, trước Tongkanan cũng thấy một kho thóc bằng thân cọ rất trơn – chuột không leo nổi và trên mặt chạm trổ hình gà, mặt trời đem tới ánh sáng, xóa tan đói khổ, dịch bệnh.
Trong tín ngưỡng Torajan, Tongkonan biểu thị cho người mẹ, còn kho thóc là cha, âm dương giao hòa nuôi nấng con cháu.
Ngoài ra, còn những kiểu nhà ấn tượng khác như Siwaluh Jabu của Bắc Sumatra có dạng một con trâu đứng gù lưng, và trên mái nhà trang trí một đầu trâu to sụ.
Hay nhà Omo Sebua trên đảo Nias với khung tường hình trứng, mái nhọn cao tới 16m, và cột sàn cao 2m đến nỗi đi lại thoải mái dưới gầm.
Bubungan Tinggi ở Nam Kalimantan có ba mái với mái chính giữa nhọn hoắt, dốc 45o, vốn là kiến trúc hoàng cung, rồi chuyển hóa dân gian.
Cùng đó là Bolon – Batak, Nuwo Sesat – Lampung, Kesepuhan – Banten, Musalaki – Kupang, Laikas – Sulawesi, Baileo – Maluku…