Nhà tôi mới vừa xây xong, đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng, song để đảm bảo chất lượng và kéo dài tuổi thọ cho ngôi nhà thì phải sử dụng, vận hành và khai thác công trình như thế nào?
Trần Văn Năm (Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh)
Trong quá trình sử dụng công trình, ngoài các yếu tố khách quan có tác động đến công trình là khí hậu và thời tiết còn có hoạt động vận hành, khai thác của con người (hay nói một cách giản dị là quá trình sống trong ngôi nhà) mà nếu gia chủ không hiểu rõ thì không gian sống của mình và gia đình sẽ mau chóng hư hỏng, xuống cấp. Công trình phải được kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện và xử lý những gì cần sửa chữa, khắc phục.
Vài điểm cần lưu ý:
– Công trình được thiết kế để ở: thì không nên thay đổi công năng khiến ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực. Trường hợp cần di dời hay dỡ bỏ vách ngăn các phòng, đục tường, đặt vật nặng lên các kết cấu công trình như ôvăng, lan can, senô… nhất thiết phải nhờ đơn vị tư vấn thiết kế xem xét và quyết định.
– Nền sàn công trình: phải thường xuyên quét dọn, lau chùi, hút bụi…, không dùng các vật cứng, nhọn chà sát, mài, đập vào nền gạch, đá hoặc thảm gây nứt, rỗ, bể, rách…, không kéo lê các vật nặng, cứng trên mặt sàn làm trầy bề mặt; phải thay ngay các viên gạch, đá vỡ, bong tróc; nhất là khu vực sàn vệ sinh có chống thấm không được đục hay khoan cắt làm hư lớp chống thấm, gây thấm dột cho công trình.
– Tường trong, tường ngoài: không dùng vật cứng, nhọn ném hoặc vạch lên tường (không để trẻ viết, vẽ bậy lên tường). Khi vận chuyển đồ đạc lưu ý đến các cạnh tường, cạnh cột nhằm tránh mẻ cạnh. Khi khoan, đục cắt tường để treo, lắp đặt các vật nặng và đi dây ngầm phải xem lại thiết kế xem có phù hợp hay không.
– Trần: thường xuyên kiểm tra để phát hiện các vị trí đóng trần bị hư, vỡ cần được để thay. Thường xuyên quét dọn để tránh côn trùng làm tổ hay nhện giăng…
– Hệ thống cửa: toàn bộ cửa đi, cửa sổ khi mở phải nhẹ nhàng, có móc giữ tránh gió va đập vỡ kính, hư cửa, thậm chí gây chấn động dẫn đến biến dạng bản lề, khung và cánh cửa. Với cửa nhựa không được đập, xô đẩy mạnh, tránh tiếp xúc trực tiếp với lửa. Với cửa gỗ không để tiếp xúc trực tiếp với nước, gây biến dạng, cong vênh. Kiểm tra, tra dầu nhớt, mỡ bò bôi trơn cho bản lề các cửa đi, cửa sổ mỗi năm ít nhất một lần.
– Lan can, tay vịn: tránh leo trèo, đạp lên các song lan can có thể nguy hiểm cho người sử dụng và hư hỏng lan can.
– Mái, sênô: kiểm tra thường xuyên, định kỳ (tuần/lần) các sênô, mái đón, dọn dẹp sạch rác đảm bảo thoát nước. Với mái tôn phải kiểm tra (năm/lần) các đinh vít, gioan cao su đảm bảo giữ tôn chắc chắn. Quả cầu chặn rác phải được kiểm tra và thay thế đảm bảo rác không làm tắc nghẽn đường ống.
– Hệ thống đèn, các ổ cắm: bảo trì mỗi năm hai lần với các công việc sau: làm vệ sinh bóng đèn, thay thế bóng đèn đã quá tuổi thọ; kiểm tra các điểm tiếp xúc của ổ cắm xem còn tốt không và có biện pháp thay thế, sửa chữa; kiểm tra các bộ điều chỉnh tốc độ quạt; làm vệ sinh, vô dầu mỡ ổ bi của quạt. Thực hiện bảo hành, bảo trì các thiết bị trên theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
– Hệ thống cấp nước: vòi nước khi sử dụng xong phải khóa, tránh để xả nước liên tục; thường xuyên kiểm tra máy bơm nước, điện cung cấp cho máy bơm, các rơle phao tự động; nước trong ống hút nếu thiếu phải được mồi ngay trước khi bơm; định kỳ hằng tháng, người sử dụng phải vệ sinh hồ nước ngầm.
– Hệ thống thoát nước: không ném bất kỳ vật gì vào các lỗ thoát nước cũng như các phễu thu, lavabo, bàn cầu, máng tiểu…; giấy vệ sinh sau khi sử dụng phải được bỏ vào thùng rác, tránh để rơi xuống các bàn cầu gây nghẹt cầu; khi đi vệ sinh xong phải cho dội nước ngay, tránh để tồn đọng trên các bàn cầu, gây mùi hôi khó chịu và ảnh hưởng đến tuổi thọ của các thiết bị; nhà vệ sinh luôn được dọn dẹp, chà rửa sạch sẽ.
812 Quang Trung, P.8, Q. Gò Vấp, ĐT: 0903927300
www.thietketamda.com