Chỉ trong 19 phút của phiên đấu giá đêm 15-11-2017 tại nhà Christie’s ở New York, một kỷ lục gần như không tưởng về giá tác phẩm mỹ thuật đã được lập: bức tranh khổ nhỏ (45 x 66cm) được đặt tên là Salvator Mundi (Chúa Cứu thế) thể hiện chân dung Chúa Jesus và được cho là do chính Leonardo da Vinci sáng tác đã được bán với giá trên 450 triệu USD. Bất chấp những nghi hoặc về tác giả thực sự, tranh đã được phục chế ra sao và nguồn gốc của nó, Salvator Mundi đã trở thành bức tranh cao giá nhất từ trước tới nay trên sàn đấu giá, nói cách khác nó đã làm nên lịch sử.
Trước khi Salvator Mundi được đưa ra đấu giá, các chuyên gia của nhà Christie’s đã đưa ra những thông tin đầy kịch tính chung quanh một tác phẩm được cho là cực kỳ quý hiếm của Leonardo da Vinci: có không tới 20 bức tranh được chính thiên tài hội họa vẽ, và ngoại trừ Salvator Mundi còn thuộc sở hữu tư nhân, những tác phẩm khác của ông đều thuộc các bảo tàng. Và sau một thế kỷ lưu lạc qua nhiều bộ sưu tập, qua nhiều vụ chuyển nhượng, từ một họa phẩm vô danh tính từng được bán với giá rất thấp (năm 1958 tại nhà Sotheby’s London tranh được bán với giá… 45 bảng Anh), Salvator Mundi được khẳng định là một tuyệt tác của tác giả bức Mona Lisa, thậm chí là “phát hiện lớn nhất của thế kỷ XXI”. Những thông tin đó đã thu hút sự chú ý của giới mỹ thuật toàn cầu nên khi nhà Christie’s loan báo sẽ đưa Salvator Mundi ra đấu giá thì có khoảng 30.000 người đã đổ xô đến các triển lãm được Christie’s tổ chức ở Hongkong, London, San Francisco và New York trong tháng 10-2017 để được tận mắt ngắm nhìn “Chàng Mona Lisa” như cách gọi vui bức Salvator Mundi.
Trong đêm 15-11 tại phòng đấu giá chính của Christie’s tại Trung tâm Rockefeller ở New York, gần 1.000 nhà sưu tập, nhà buôn tranh, nhà tư vấn mỹ thuật, nhà báo và những người quan tâm đã tề tựu để theo dõi phiên đấu giá có một không hai dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch toàn cầu hãng Christie’s là ông Jussi Pylkkänen. Hàng vạn người khác đã theo dõi qua online. Tất cả đều hồi hộp chứng kiến những cái giá được trả cứ tăng dần, tăng dần. Sau những cái mốc 100 triệu, 200 triệu rồi 300 triệu USD là những tràng pháo tay vang dội. Nhưng giá tranh cứ tiếp tục được trả cao hơn, chủ yếu qua các cuộc điện thoại của hai nhân vật giấu mặt. Đến 400 triệu USD thì cử tọa đã gần như nín thở! Và mức giá cuối cùng đạt được là 450.312.500 USD! Không thể tưởng tượng nổi gần nửa tỉ USD được trả để sở hữu một bức tranh sơn dầu kích thước chỉ 45 x 66cm. Với khoản tiền đó, có thể mua được một phi đội năm chiếc máy bay Airbus a320.
Trước đây kỷ lục giá tranh luôn thuộc về các tác giả hiện đại, đương đại và Ấn tượng như Picasso (Những cô nàng ở Algiers (bản O) bán với giá 181,2 triệu USD tại nhà Christie’s New York ngày 11-5-2015), Modigliani (Khỏa thân nằm, 172,2 triệu USD, Christie’s New York, ngày 9-11-2015), Roy Lichtenstein (Kiệt tác, 165 triệu USD, chuyển nhượng không qua đấu giá, tháng 1-2017), Willem de Kooning (Trao đổi, 300 triệu USD, không qua đấu giá, tháng 9-2015), Paul Cézanne (Người đánh bài, 266 triệu USD, không qua đấu giá, tháng 4-2011), Paul Gauguin (Khi nào em lấy anh?, 212 triệu USD, không qua đấu giá, tháng 9-2014)… và chỉ có bộ đôi tác phẩm của họa sĩ cổ điển là Rembrandt là Chân dung Marten Soolmans và Oopjen Coppit, được Bảo tàng Rijks của Hà Lan mua với giá 182 triệu USD từ một sưu tập tư nhân vào tháng 9-2015. Nên Salvator Mundi đã lập lại trật tự về giá cho tranh của các bậc thầy cổ điển. Còn nói như ông Nigel Glenday, Phó chủ tịch phụ trách chiến lược của Công ty thương mại nghệ thuật Athena thì: “Vụ mua bán này chắc chắn đã đạt tới mức cao nhất xét về mặt giá tác phẩm, hơn thế nữa còn đạt tới mức cao nhất xét về mặt chiến lược marketing sản phẩm”.
Hiện chưa rõ Salvator Mundi thuộc về tay nhà sưu tập hay tập đoàn nào, thế nhưng vẫn còn đó những nghi hoặc chung quanh bức tranh này. Trong bài viết có tựa Salvator Mundi của Leonardo da Vinci có những bí ẩn gắn với bang Louisiana (Leonardo da Vinci’s “Salvator Mundi” has mysterious ties to Louisiana) trên tạp chí The Advocate ngày 13-11-2017, nhà báo Chad Calder cho biết vào năm 2005, bức tranh tương tự như thế đã được bán với giá chỉ 10.000 USD tại một nhà đấu giá ở Louisiana, khi đó tranh được cho là tác phẩm của một môn đệ của bậc thầy Leonardo. Người mua bức tranh là nhà sưu tập Robert Simon ở New York. Ông đã làm sạch những lớp sơn phủ bảo vệ bề mặt tranh qua hơn năm thế kỷ, để rồi vào năm 2011 khi được trưng bày trong một triển lãm lớn các tác phẩm của Leonardo da Vinci ở Bảo tàng quốc gia Anh tại London, tranh được các chuyên gia có uy tín xác nhận do chính Leonardo da Vinci vẽ và được đặt tên là “Chúa Cứu thế”. Theo các thông tin do nhà Christie’s công bố trước thềm cuộc đấu giá ngày 17-11, đó là kết quả sau sáu năm nghiên cứu ròng rã và truy tìm các dữ liệu về Leonardo da Vinci. Walter Isaacson, tác giả cuốn sách tiểu sử Leonardo da Vinci xuất bản vào tháng 10-2017 cũng là một cư dân ở New Orleans, thủ phủ bang Louisiana nói rằng: “Đó là một phát hiện quan trọng. Chúng ta chỉ có khoảng 15 bức tranh hoàn toàn do Leonardo thực hiện”. Cũng theo thông tin của nhà Christie’s, người ta chỉ được biết bức tranh từng được bán tại “một nhà đấu giá địa phương” ở Louisiana. Tuy nhiên các nhà đấu giá tại bang Louisiana lại không tìm thấy chút manh mối nào về thương vụ đó, còn cách đây vài tháng Công ty đấu giá New Orleans khi kiểm tra các hồ sơ lưu trữ cũng không tìm thấy dấu vết của “Chúa Cứu thế”.
Nhà sưu tập Robert Simon đã bán “Chúa Cứu thế” cho doanh nhân Thụy Sĩ Yves Bouvier vào năm 2013 thế nhưng theo một thỏa thuận ràng buộc với người mua, ông không được phép nói gì chung quanh vụ đấu giá bức tranh năm 2005. Yves Bouvier cho biết ông ta đã mua bức tranh với giá 80 triệu USD, ngay sau đó bán lại cho tỉ phú Nga Dmitry Rybolovlev với 127,5 triệu USD, dẫn tới một vụ kiện tụng chấn động có liên quan tới nhà đấu giá Sotheby’s cũng như các người bán tranh trước đó mà ai cũng cho rằng mình bị lừa đảo!
Dù còn nhiều bí ẩn chưa được giải mã, cuối cùng thì Salvator Mundi cũng đã được bán với giá kỷ lục của mọi kỷ lục, và nói như ông Guillaume Cerutti, CEO của Christie’s thì phiên đấu giá đó “là một thời khắc vĩ đại của Christie’s và một thời khắc vĩ đại của thị trường tác phẩm nghệ thuật”.
- Lê Bản