Nguyễn Hòa Hiệp là một gương mặt đàng hoàng trong giới kiến trúc. Năm 2014, công trình The Chapel (Nhà nguyện) của anh nhận giải Công trình của năm tại Liên hoan Kiến trúc thế giới tổ chức ở Singapore.
Nguyễn Hòa Hiệp tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP.HCM năm 2001. Thời sinh viên, bảng điểm của anh khá làng nhàng, có thời điểm xếp hạng hai từ dưới lên. Vị trí chót bảng thuộc về đồng môn bỏ ngang. Nhiều năm đi học nhưng Hòa Hiệp thừa nhận chỉ có một cuốn tập. Lên giảng đường là chuyện hiếm hoi.
___Anh làm gì trong thời gian cúp cua?
Tôi đi vẽ.
___Có vẻ như những thành quả anh có được hôm nay đến từ thực tiễn nhiều hơn?
Chưa chắc. Có khi đi học đàng hoàng, đến lớp đàng hoàng, tôi làm tốt hơn bây giờ thì sao. Đâu biết được. Không nên vì làm được một, hai công trình mà phủ nhận trường ốc.
___Anh mất bao lâu để có công trình đầu tiên?
Chín năm. Công trình đầu tiên của tôi là văn phòng Đá (Công ty TNHH Thiết kế và Xây dựng Nhà Dân, đường Nguyễn Cửu Vân, phường 17, quận Bình Thạnh), mới dời mấy tháng sau khi hợp đồng thuê mặt bằng bảy năm đáo hạn. Anh Giới (Giám đốc Nhà Dân – NV) thương nên cho tôi làm.
___Anh sống bằng gì trong suốt chừng ấy năm?
Miếng cơm manh áo hằng ngày đơn giản, tùy thuộc nhu cầu của mình. Mình sống đủ tốt. Anh Giới nuôi tôi. Anh ấy không để tôi đói, tôi khổ.
___Với một nhân viên chín năm không có sản phẩm thì người chủ như anh Giới phải rất kiên nhẫn? Hay anh là người may mắn?
Cá tính quyết định vận mệnh.
Tôi không nghĩ mình là người làm thuê. Vô công ty, tôi làm việc như thể tôi là chủ.
___Nhà nguyện thực chất là một nhà hàng, phục vụ cà phê và đồ ăn, nằm trên đường số 1, khu dân cư Trung Sơn (quận 8), quay mặt ra rạch Ông Lớn. Ăn – nghỉ là dịch vụ “định danh” ở khu vực ngoại thành này. Nếu tuổi thọ của Nhà nguyện bị thị trường định đoạt thì sao?
Cũng chẳng có vấn đề gì lắm. Cái đẹp có giá trị của nó. Không lẽ dẹp cái quán đó đi thì mình chết theo nó à!
Người ta nói ngay trước thời khắc công bố giải thưởng tại Liên hoan Kiến trúc Thế giới năm ngoái, anh lại bỏ về khách sạn…
Lúc ấy khuya quá, gần mười rưỡi đêm, tôi buồn ngủ.
___Mười rưỡi làm gì đã khuya?
Mệt muốn chết. Trước đó, chúng tôi đã trải qua ba ngày làm việc căng thẳng, liên tục từ sáng đến tối. Chúng tôi đi thi, đâu có đi chơi. Đấy là một cuộc chiến đấu. Mà giải thưởng, anh nên hỏi Toàn (Hòa Hiệp chỉ sang đồng nghiệp ở A21, đang úp mặt vào máy tính).
Toàn học kiến trúc ở Anh, là người thuyết trình dự án trước ban giám khảo. Xoay ghế lại, Toàn nói: “Ngày đầu tiên có mặt ở liên hoan, đài truyền hình phỏng vấn chúng tôi, hỏi mục đích đến liên hoan với tinh thần giao lưu học hỏi à. Tôi trả lời rằng chúng tôi chẳng giao lưu học hỏi gì ráo. Chúng tôi đi thi để giành giải thưởng, để đánh giá thế giới. Người quay phim xách máy đi thẳng”. Hòa Hiệp tiếp: “Có lẽ bạn quay phim đó sẽ hối tiếc. Bạn ấy không có tự hào dân tộc. Tại sao không dám tin rằng mình sẽ thắng. Cứ tin đi đã, còn được hay không thì kệ nó chứ”.
___Giải thưởng quốc tế uy tín kiểm định và xác lập giá trị của A21 Studio. Được biết rằng ngày càng nhiều khách hàng tìm đến anh. Liệu đã đến lúc tuyển dụng thêm người, mở rộng văn phòng?
Để làm gì?
___Để làm được nhiều công trình hơn?
Để làm gì?
___Vậy anh tìm kiếm cái gì trong nghề nghiệp?
Tự do, niềm vui. Làm việc như mình sống, mình thở. Làm nhiều thì thở gấp. Để làm gì?
___Nhiều công trình hơn còn hàm ý rằng sẽ có nhiều tiền hơn. Anh định nói không mê tiền?
Mê chứ. Nhưng làm nhiều đâu có nghĩa là nhiều tiền. Làm tốt mới có nhiều tiền.
___Tại sao mở rộng lại không làm tốt được?
Cuộc sống dạy tôi. Với người Việt, làm nhiều thì không bao giờ làm tốt. Tôi là người Việt Nam. Văn phòng này là văn phòng Việt Nam. Một số người cứ than bận. Là do làm nhiều. Tôi chỉ quan tâm chuyện có làm tốt hay không mà thôi.
___Đến nay anh đã làm bao nhiêu công trình?
18, trong 5 năm. Chiếc xe kia (chỉ mô hình xe đạp làm bằng tre) cũng là một công trình. Với tôi, thế là nhiều. Đương nhiên, con số 18 là những công trình đã hoàn thiện, không kể những bản vẽ không được thi công.
___Có không nguyên tắc khách hàng không được can thiệp vào bản vẽ của anh?
Không đến mức đó. Nhưng cái gì đúng thì phải nghe. Hành xử trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau. Thực ra con người luôn thay đổi. Điều mình thấy đúng hôm nay có thể sai vào ngày mai. Nhìn lại 18 công trình đã làm, cái nào cũng còn thiếu sót. Nếu làm lại chắc chắn sẽ khác.
___Mặt bằng giá phí thiết kế hiện nay có thay đổi nhiều, chẳng hạn như so với mười năm trước?
Tôi không theo dõi. Tôi không biết phải lấy bao nhiêu hết. Trừ các công trình Nhà nước có sẵn đơn giá.
___Anh có tham gia những công trình sử dụng vốn ngân sách không?
Không. Không bao giờ.
___Tại sao?
Để được làm một công trình Nhà nước, phải chi bao nhiêu cho chủ đầu tư? Phần mình được hưởng rẻ lắm, bèo lắm. Chưa kể, thiết kế đẹp nhưng thi công không đẹp.
___Được biết A21 là đơn vị thiết kế Trung tâm Hội nghị GEM (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1). Anh có đưa nó đến Liên hoan Kiến trúc Thế giới năm nay?
Không. Nó chưa là cái gì so với thế giới.
___Vậy anh sẽ mang gì?
Chùa Đá, một công trình chúng tôi thực hiện ngoài Nha Trang.
Chùa Đá là một tấm đá phiến nặng bốn tấn, đặt trên hệ thống dầm bằng thép. Ý tưởng thiết kế khởi nguồn từ hình ảnh thái tử Tất Đạt Đa ngồi dưới cội bồ đề rồi thành đạo cách nay 2.600 năm.
___Nhìn lại những công trình A21 mới thấy một điểm chung là chi phí thấp. Ngoài Chùa Đá, Nhà nguyện (khoảng 300 triệu đồng), The Nest (Tổ chim, đạt giải khuyến khích tại Liên hoan Kiến trúc thế giới 2013) – căn nhà ở Thuận An, Bình Dương có chi phí xây dựng khoảng 350 triệu đồng. Anh có vẻ có duyên với những công trình chi phí thấp?
Không đúng. Quan trọng là công trình mang tư tưởng gì. Đừng quan tâm đến chuyện chi phí bao nhiêu.
Khép lại chuyện riêng, chuyển sang chuyện chung. Được biết anh là người khởi xướng triển lãm kiến trúc lần 1 vào cuối tháng 12-2014. Đấy là vì…
Chúng tôi thấy thiếu. Đời sống kiến trúc ở xứ mình yên ả quá, trì độn quá… Hiệu ứng của triển lãm là tạo ra không khí thi đua nghề nghiệp. Về độ tuổi, nhỏ nhất là 25, lớn nhất là 43.
___Đấy là chủ đích của nhóm tổ chức?
Tuổi nghề ở Việt Nam chỉ thế thôi. Lớn hơn thì… đi nhậu hết rồi. Những kiến trúc sư trên 50 còn làm tốt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cuối tháng 4 này chúng tôi sẽ làm triển lãm lần 2, ở GEM.
___Lần này có gì khác lần 1?
Lần 2 do một nhóm đồng nghiệp ở Hà Nội phụ trách, tổ chức chuyên nghiệp hơn. Nhưng chất lượng công trình có thể không bằng lần 1 do mong muốn sự tham gia của những gương mặt mới.
___Xem ra anh không tiếc thời gian dành cho cộng đồng nghề nghiệp. Anh nghĩ sao về môi trường làm nghề?
Đang tốt dần lên. Chắc chắn.
___Anh căn cứ vào đâu?
Sản phẩm kiến trúc. Có thêm nhiều công trình đẹp hơn.