Chúng tôi bắt đầu chuyến khám phá hồ Issyk Kul từ thị trấn Balykchy trong những ngày cuối mùa thu. Mấy tuần cuối cùng của tháng Mười, nhiều du khách vẫn bất chấp cái lạnh vùng núi Thiên Sơn để rong ruổi trên các nẻo đường hoang vắng. Issyk Kul, thắng cảnh nổi tiếng bậc nhất Kyrgyzstan đẹp lộng lẫy, cái đó ai cũng nhìn thấy ngay. Còn chuỗi câu chuyện lịch sử xung quanh hồ thì cứ thấm từ từ vào lòng người, để càng đi nhiều, càng lưu luyến.
Những thị trấn giữa hồ và núi
Thị trấn Balykchy được xây dựng khá sơ sài vì nơi đây chỉ mới là cửa ngõ, chứ chưa phải là điểm đến du lịch quan trọng trong cung đường dài cả ngàn cây số chạy quanh Issyk Kul. Dẫu vậy, chúng tôi thấy hài lòng khi đã dành cả buổi chiều ở đây. Bao quanh mấy dãy phố nhà gỗ là rừng cây lá đỏ đang hắt lên những màu rực rỡ nhất trước khi tạm biệt mùa thu. Trước mặt thị trấn, cả bầu trời trong xanh và mặt nước lấp lánh ánh nắng cuối ngày. Trong khoảnh khắc chạng vạng, một đàn ngựa không biết từ đâu tràn xuống ven hồ uống nước khiến cảnh tượng càng đậm vẻ du mục.
Bữa tối của chúng tôi ở Balykchy gồm nhiều món ăn liên quan đến cá hồi. Cá hồi Issyk Kul ngon nổi tiếng khắp Kyrgyzstan. Cá tươi nướng với gia vị địa phương hay cá xông khói đều hấp dẫn. Tráng miệng có đào, mận sấy khô hoặc làm mứt, rượu táo, nước ép táo rẻ và cực kỳ chất lượng. Ông chủ nhà hàng cho biết nếu đến đây vào tháng trước, du khách sẽ được chứng kiến cảnh các vườn trái cây bạt ngàn trĩu quả chín mọng mà người nông dân không thể nào thu hoạch hết. Chỉ trong một bữa ăn, người ta có thể thấy đời sống quanh hồ nước lớn thứ mười thế giới này trù phú đến thế nào.
Có lẽ do được thiên nhiên ưu đãi nên từ ba ngàn năm trước, vùng lưu vực Issyk Kul đã có một nền văn hóa du mục vô cùng rực rỡ. Đến những thế kỷ của con đường Tơ Lụa, hồ lại là điểm dừng chân nhiều điều kỳ thú, đi vào nhật ký của nhiều nhà thám hiểm lừng danh. Trên một hòn đảo trong hồ hiện vẫn còn pháo đài do một vị lãnh chúa xây dựng để giam giữ tù nhân và cất giữ châu báu. Dưới lòng hồ, các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu tích của một thành phố cổ đại từng tồn tại trước Công nguyên…
Hôm sau, chúng tôi thức dậy thật sớm để ngắm bình minh. Trời lạnh cắt da nhưng những tia nắng đầu ngày vẫn huy hoàng một màu vàng tinh khiết, làm sáng bừng đỉnh núi tuyết phía xa và mặt hồ mênh mông trước mặt. Nấn ná mãi mọi người mới leo lên chiếc marshrutka, loại xe buýt nhỏ cũ sờn ngang dọc trên khắp các nẻo đường Kyrgyzstan. Bảy giờ sáng, xứ sở đồi núi và thảo nguyên trong văn chương của Aimatov dường như mới bắt đầu tỉnh giấc. Những ngôi làng xe đi qua thấp thoáng vạt áo buông chùng của thiếu nữ Hồi giáo. Con đường mòn ven hồ xôn xao tiếng mục đồng gọi đàn gia súc. Trên triền núi cao, rừng cây lá kim đẹp như tranh vẽ thu mình trước những cơn gió lạnh. Lúc này, nơi ấm áp nhất chính là… lòng hồ. Issyk Kul không bao giờ đóng băng trong cái lạnh âm độ mùa đông, vì vậy mà cao tăng Đường Tam Tạng khi đi thỉnh kinh ngang qua đây đã gọi Issyk Kul là Nhiệt Hải Hồ. Vài tháng nữa, khi băng tuyết đã phủ trắng xóa cả vùng núi Thiên Sơn, hồ vẫn sẽ trong xanh vời vợi nhờ những mạch nước nóng âm thầm đổ vào.
Dừng chân ở Karakol, cả đoàn ngỡ ngàng tưởng mình lạc tới… nước Nga. Thị trấn này hệt như các thành phố nhỏ trong những mẩu chuyện về nước Nga mà chúng tôi đã đọc thời thơ ấu. Phố cổ lặng lẽ dưới những hàng cây bạch dương cao vút. Các ô cửa sổ được chăm chút thật đẹp với khung gỗ xanh lơ chạm trổ cầu kỳ, rèm đăng ten trắng thêu chỉ màu nổi bật. Cuối phố, nhà thờ Chính thống giáo vừa uy nghi, vừa thanh thoát làm chủ cả không gian bằng những mái vòm mạ vàng lấp lánh. Chỉ cách đó vài chục bước chân, một thánh đường Hồi giáo hoàn toàn bằng gỗ do cộng đồng người Hoa xây dựng cũng không kém phần rực rỡ, thu hút. Giữa mấy chục thị trấn quanh hồ, Karakol được coi là thủ phủ của Issyk Kul hoàn toàn xứng đáng. Phố phường ở đây thanh lịch, duyên dáng và êm ả đến nao cả lòng.
Vùng đất nhiều điều bí ẩn
Từ Karakol, những du khách lười biếng như chúng tôi đã có thể dễ dàng theo tour, theo xe đi thăm thú các di tích nổi tiếng Kyrgyzstan và từng làm nức lòng giới khảo cổ quốc tế. Xe dừng ở làng Tamga, cả nhóm mua tour cưỡi ngựa rồi nín thở hồi hộp thúc ngựa đi về phía di tích Tamga Tash. Con đường đồng quê tuyệt đẹp, trảng cỏ, hàng cây liên tục đổi màu theo vó ngựa. Chỉ tiếc mọi người tận hưởng sự êm ả không được trọn vẹn vì một chú ngựa chứng cứ lao thẳng vào bụi rậm và kiên quyết đứng ì ở đó thật lâu. Sự cố này khiến thời gian của cả nhóm ở Tamga Tash phải rút ngắn lại. Dù vậy, hơn nửa tiếng dạo quanh ngọn đồi nổi tiếng giới khảo cổ, các thành viên cũng mường tượng được sáu ngàn năm trước, các bộ tộc quanh hồ đã có một đời sống phồn thịnh và nhiều sáng tạo. Trên các tảng đá, những nét chạm khắc chỗ đậm, chỗ nhạt vẽ lại cảnh đi săn, cảnh thuần hóa sơn dương, bò rừng, cảnh lễ hội khá chân thực. Cách ngọn đồi này không xa, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy những địa điểm mà người xưa đã tiến hành các nghi lễ tôn giáo, nhà cửa và công trình xây dựng bề thế. Từ thông tin thu lượm được, giới nghiên cứu phỏng đoán rằng người cổ đại sinh sống ở đây đã thiết lập một hệ thống kinh tế xã hội mà ngày nay các nhà sử học vẫn chưa hình dung ra.
Nếu Tamga Tash thu hút giới khảo cổ thì vách núi Fairy Tale nằm bên bờ phía nam của hồ Issyk Kul lại được giới nghiên cứu địa chất quan tâm hơn. Dân địa phương gọi dãy núi đỏ rực đó là vườn cổ tích. Fairy Tale chưa được khai thác du lịch đại trà nên việc tìm xe đến đây mất hơi nhiều thời gian. Đã vậy, đa số tài xế vừa đi vừa phải hỏi đường. Được cái là chi phí đi lại ở Kyrgyzstan không cao, phong cảnh hai bên đường chỗ nào cũng quá đẹp nên điểm đến đôi khi không còn quan trọng. Mấy ngày rong ruổi quanh hồ chúng tôi hầu như không ngủ trên xe vì mùa thu vùng Issyk Kul còn hấp dẫn hơn cả giấc ngủ. Fairy Tale là điểm nhấn đặc biệt trong bức tranh núi – hồ thơ mộng đó. Từ cách xa gần cả cây số, mọi người trên xe đều bị ấn tượng mạnh mẽ bởi những ngọn núi đỏ rực in vào nền trời cao xanh.
Fairy Tale được hình thành bởi các loại đá có màu sắc tươi, đậm. Vách núi trơ trụi, gồ ghề làm người ta liên tưởng đến những con vật to lớn và dũng mãnh. Tên của từng ngọn núi theo tiếng địa phương đều gắn với bò tót, mãng xà, hà mã… Dù rất muốn đặt chân lên dãy núi kỳ lạ này nhưng cuối cùng chúng tôi đành bỏ cuộc vì không mang theo đồ đạc chuyên dụng. Những vách núi gần như dựng đứng và cực kỳ trơn trượt có lẽ chỉ dành cho các nhà địa chất thực sự yêu nghề!
- Như Ý