Các thành phố lớn trên thế giới tìm cách cải thiện cuộc sống của thị dân bằng cách dành nhiều diện tích hơn cho công viên, cây xanh, hướng tới mục tiêu: phát triển thành “các cánh rừng đô thị”. Cây xanh còn giúp ghi dấu lịch sử các thành phố. Đó là những cây xanh được coi như di sản, nhân chứng của các sự kiện đáng chú ý.
Các khu đô thị chiếm khoảng 10% diện tích mặt đất, một diện tích không ngừng tăng lên. Không gian này là môi trường sống của hơn 50% dân số thế giới và góp phần đáng kể làm biến đổi khí hậu. Đối mặt với thực tế này, các thành phố đã có nhiều nỗ lực cải thiện chất lượng cuộc sống và hạn chế những thay đổi bất lợi chung, đặc biệt là các kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng phát triển đa dạng sinh học. Một trong những nỗ lực đó là tăng diện tích trồng cây xanh hướng tới mục tiêu hình thành những “cánh rừng đô thị” thật sự.
Dịch vụ cây xanh trong thành phố
Ở thành phố, cây xanh mang đến nhiều lợi ích sinh thái. Cây xanh cải thiện chất lượng không khí bằng cách hấp thu chất ô nhiễm và cố định các hạt mịn, nhỏ li ti. Cây xanh còn góp phần làm giảm sự nóng lên toàn cầu bằng cách lưu trữ khí carbon. Cây xanh có khả năng chống lại hiện tượng nóng cục bộ nhờ diện tích bóng mát mà tàn lá tạo ra, khi trời nóng bức và bốc hơi nước mưa.
Cây xanh có lợi cho hệ sinh học đa dạng, giúp cho nhiều loại nấm, thực vật, côn trùng, chim chóc, động vật nhỏ có vú và tạo ra các mảng xanh đảm bảo sự kết nối với nhiều khu rừng tự nhiên. Ngoài ra, cây xanh còn tạo ra sự đa dạng cảnh quan đô thị, mang lại sự thay đổi màu sắc và hình dạng, nhờ đó mà phá vỡ sự đơn điệu của không gian.
Cây xanh cũng giúp ghi dấu lịch sử các thành phố. Đó là những cây xanh được coi như di sản, nhân chứng của các sự kiện đáng chú ý, hạnh phúc hay bi thảm. Cuối cùng, cây xanh đóng góp phần giúp thị dân có cuộc sống thoải mái và khỏe khoắn. Vì vậy, mọi thị dân đều ủng hộ cây cối và không gian xanh gần nhà mình.
Nhiều ràng buộc cần xem xét
Các ràng buộc về không gian liên quan đến sự hiện diện của cây xanh đôi khi đươc đưa ra nhằm giới hạn phần mở rộng. Rõ ràng là cây cối chiếm khoảng không gian và gây bất lợi cho các công trình khác như nhà ở, bãi đậu xe, đường giao thông, mạng lưới đường hầm…
Chi phí quản lý cây xanh cũng ngốn một khoản ngân sách đáng kể như trồng cây, theo dõi, chăm sóc, cắt tỉa cành, đôi khi phải đốn hạ để tránh cây ngả đổ gây nguy hiểm, quét dọn lá khô chết rơi xuống đường vào mùa thu… Việc quản lý cây xanh do hội đồng thị chính phụ trách.
Một vài khía cạnh tiêu cực khác từ cây xanh cũng phải được tính đến. Đó là trường hợp phát thải hợp chất hữu cơ dễ tan và dễ bay hơi có tỷ lệ biến đổi tùy theo loại cây trồng và kết hợp với các oxít nitơ phát ra do quá trình đốt các nhiên liệu gây ra bởi các loại phương tiện giao thông, dẫn đến việc sản xuất ozon.
Một trang web của Trường Đại học California giúp tuyển chọn cây trồng thích nghi tốt nhất cho từng loại môi trường, trong số trên 200 loại cây được xếp loại theo đặc tính và mức phát ra khí thải của chúng.
Cũng cần lưu ý rằng cây làm giảm không khí lưu thông và do đó có thể hạn chế sự pha loãng chất gây ô nhiễm bằng cách thông gió. Điều này đòi hỏi phải chọn nơi trồng cây một cách có chủ ý nhằm mục đích giảm lượng khí thải gây ô nhiễm. Một phiền toái đáng kể khác của một số loại cây là phấn hoa gây dị ứng cho một tỷ lệ không nhỏ thị dân nhạy cảm.
Các loại cây chủ yếu gây dị ứng thuộc họ bétulacée như cây tống quán sủi (aulne), cây bulô (bouleau), họ dâu tầm (moracées), họ nhài (oléacées), họ bách (cupresassées)… Từ những đặc điểm này, hội đồng thành phố cần phải chọn những loại cây không hoặc ít gây di ứng để thay thế.
Nhiều công cụ đánh giá đa dạng và đạt hiệu năng cao
Trên thế giới, nhiều công cụ và chỉ số được hình thành để đánh giá những lợi ích mà cây xanh và các dịch vụ sinh thái mang đến cho thị dân. Một công cụ đánh giá độ che phủ đô thị của cây xanh, còn gọi là chỉ số mảng xanh, gần đây đã được các nhà nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Massachusetts điều chỉnh và phát triển từ công cụ khảo sát đường phố của Google, trong khuôn khổ của dự án Treepedia.
Công cụ này được sử dụng để đánh giá 27 thành phố lớn trên thế giới, trong đó có Paris, thành phố duy nhất của Pháp được đánh giá. Theo đó, chỉ số mảng xanh bảo phủ của Paris chỉ đạt 8,8%, thua xa Oslo (Na Uy): 28,8%, Amsterdam (Hà Lan): 20,6%, London (Anh): 12,6%, Montréal (Canada): 25,5%, New York (Hoa Kỳ): 13,5%, và một số thành phố khác như Singapore: 29,3%, Sydney (Úc) 25,9%. Cần lưu ý rằng phần mềm này chỉ khảo sát cây cối đường phố, và do đó chỉ phản ánh tầm nhìn một phần của mảng cây xanh đô thị.
- Xem thêm: Cây xanh thành phố và người hàng rong
Một công cụ khác hoàn chỉnh và đơn giản hơn để khảo sát là chỉ số bóng mát bao phủ tạo ra bởi tàn cây xanh, tương ứng với tỷ lệ bao phủ của tán cây hoặc của nhóm cây trong khu vực được khảo sát. Nhiều thành phố Bắc Mỹ đã tính toán chỉ số này ở các thành phố như sau: New York 24%, Toronto 28% và Boston 29%. Ở thành phố Lyon của Pháp chỉ số này là 27%.
Ngoài ra, Sở Lâm nghiệp Hoa Kỳ đã phát triển phần mềm đánh giá và hỗ trợ xác định chỉ số với nhiều ứng dụng, có tên gọi là i-Tree. Trong những ứng dụng đó i-Tree Eco giúp đánh giá các lợi ích sinh thái do cây xanh tạo ra. Công cụ này được áp dụng lần đầu tiên vào năm 2014 tại Strasbourg (Pháp), trong một dự án tiến sĩ. Công cụ bổ sung i-Tree Species được sử dụng để hướng dẫn chọn lựa, trong số 1.600 loại, những cây thích nghi tốt nhất với môi trường cũng như cho từng mục đích trồng cây.
Sẽ có “rừng đô thị” thật sự trong tương lai?
Những năm gần đây, nhiều thành phố đã đưa ra nhiều chương trình trồng rừng đầy tham vọng nhằm tạo ra “những khu rừng đô thị thật sự”. Năm 2012, Montréal của Canada đã đề ra kế hoạch hành động trồng cây đầy tham vọng: dự kiến trồng 300.000 cây xanh mới đến năm 2025 nhằm đạt chỉ số bóng mát 25% so với 20% năm 2012. Năm 2007, thành phố New York đưa ra kế hoạch “thành phố New York 1 triệu cây xanh” (MillionTreesNYC) nhắm đến mục tiêu 1 triệu cây xanh.
Từ năm 2000, thành phố Lyon của Pháp đã thông qua “Điều lệ cây xanh” (Charte de l’arbre) để đối phó với biến đổi khí hậu. “Điều lệ cây xanh” đưa ra kế hoạch phủ xanh với 33.000 cây trồng mới bắt đầu từ năm 2003. Tham vọng là trồng ít nhất 44.000 cây xanh các loại trong phạm vị thành phố Lyon từ nay đến năm 2030 để đối phó với những rủi ro và nguy cơ khí hậu có thể xảy ra.
Tại Paris, số liệu phân tích thống kê chính xác cây cối trồng nơi công cộng được Sở Quy hoạch đô thị Paris thực hiện năm 2010. Từ đó, các dữ liệu này được cập nhật đều đặn, nhờ đó đã cung cấp thông tin rất chi tiết và lập bản đồ chính xác vị trí tất cả cây cối hiện hữu trong thành phố. Số liệu cây chính xác được cập nhật vào trung tuần tháng 4 năm 2018 là 200.389 cây trồng trong khu vực công cộng như đường sá, công viên, vườn hoa, nghĩa trang, trong đó có trên 105.000 cây trồng theo hàng, dãy. Ngoài ra, còn phải tính thêm khoảng 300.000 cây trồng trên diện tích 1840 hecta thuộc khu rừng Boulogne và Vincennes.
Tất cả những dữ liệu này được đưa lên cổng thông tin Parisdata từ năm 2014, thể hiện chính xác vị trí các cây trồng ở khu vực công cộng với gần 190 loại cây khác nhau, trong đó 80% cây có tán lá rộng và 20% cây thuộc bộ thông, mà nhiều nhất là cây tiêu huyền (platane), cây dẻ (marronnier), cây đoạn (tilleul), cây thích (érable), cây hòe (sophora)…
Trong kế hoạch đầu tiên về khí hậu năm 2007, Paris đã cam kết trồng 20.000 cây trong nội ô từ nay đến 2020, trong đó 10.000 cây đã được trồng vào ngày 21.3.2018 nhân Ngày Rừng quốc tế. Năm 2016, Paris cũng đã phát động phong trào “Trồng 1 cây trong vườn của tôi”, bao gồm việc tặng từ 1 đến 5 cây cho thị dân đồng thời hướng dẫn họ chọn loại cây thích nghi tốt nhất với môi trường nơi trồng với mục tiêu nhắm đến là trồng được 5.000 cây từ nay đến năm 2020.
Theo kế hoạch mới “Khí hậu không khí năng lượng” (Climat air énergie) được thông qua tháng 11.2017, với tham vọng xây dựng thành phố trung tính với carbone và 100% năng lượng tái tạo từ nay đến năm 2050, Paris dự kiến trồng thêm 20.000 từ nay đến năm 2030, và xây dựng các khu rừng đô thị nho nhỏ từ nay đến năm 2050.
Có nhiều việc làm kiểu mẫu và nhiều hoạt động cần nhân rộng ra ở tất cả các thành phố trong những thập niên tới để tạo ra những khu rừng đô thị thật sự như rất nhiều “thành phố thực vật” của thế kỷ 21 là từ ngữ mà kiến trúc sư Luc Schuiten đã sử dụng.