Nhà tôi đang ở bị thấm trần sàn mái sân thượng, ở khu vệ sinh và chân tường có rêu mốc bám đầy. Làm thế nào để xử lý chống thấm tường nhà hiệu quả, mong được quý báo tư vấn.
Lê Vĩnh Thành (Bạc Liêu)
Thường thì công trình sau một thời gian dài sử dụng chịu tác động của thời tiết, môi trường dẫn đến xuống cấp: bị thấm nước, ẩm mốc, bong tróc, loang lổ…, thậm chí lớp vữa trát tường, trần bị mục rã, không chỉ mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng khả năng chịu lực của công trình. Để xử lý triệt để thấm dột và khắc phục những chỗ bị ẩm mốc, bong tróc…, trước hết đơn vị thi công cần khảo sát kỹ nguyên nhân gây thấm dột, sau đó áp dụng đúng biện pháp thi công cho từng vị trí.
Xử lý chống thấm trần nhà
Trần nhà bị thấm là do ống thoát nước sàn, hộp kỹ thuật bị vỡ, các góc tường rạn nứt, rãnh nước trên sàn mái, sàn phòng vệ sinh khi xây dựng nhà đã xử lý chống thấm không tốt.
Biện pháp: Xử lý từ bên ngoài nơi gây ra hiện tượng thấm ở máng xối, ô văng, sàn sân thượng; cần vệ sinh sạch, đục bỏ lớp vữa cũ sau đó trám bít các vết nứt bằng hỗn hợp vữa gồm xi măng, cát có pha chất chống thấm như CT11A-Kova hoặc loại tương đương (hàm lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất), cán dày 2mm – 4mm có tạo dốc, sau đó quét nhiều lần chống thấm lên trên và tiến hành lát gạch (nếu có). Tại các ống cấp thoát nước cần kiểm tra những chỗ bị nứt, vỡ rồi cắt bỏ, đấu nối lại. Ở sàn nhà vệ sinh, bên dưới trần bị thấm gây dột thì khắc phục bằng cách đập bỏ lớp gạch và vữa lót cũ của sàn, làm sạch đến lớp bê tông cốt thép rồi quét chống thấm thật kỹ cho sàn và quét cả lên chân tường ở độ cao khoảng 300m; sau đó cán một lớp vữa xi măng có trộn chống thấm tạo dốc về phễu thu sàn và lát gạch lại như cũ.
Xử lý chống thấm tường nhà
Nguyên nhân thấm tường nhà do lớp sơn bảo vệ bên ngoài của tường xuống cấp, bong tróc, bị rêu mốc hoặc bị rạn nứt. Lâu ngày nước mưa và hơi ẩm theo các vết nứt nhỏ thẩm thấu vào trong tường, ảnh hưởng đến cấu trúc tường. Ngoài ra, chân tường có dấu hiệu bị ẩm là do hồ vữa xi măng xốp, mềm nên hấp thụ nước ở nền đất bên dưới rồi nước lan lên trên. Thông thường nước làm ẩm chân tường khoảng 50cm.
Khắc phục: Có thể dùng các loại sơn chống thấm để xử lý tường nhà bị thấm. Trước hết phải cạo sạch sơn bị bong tróc hay bột bụi trên tường bằng bàn chải cứng, sau đó dùng hóa chất tẩy rửa và diệt rêu mốc để rửa sạch khu vực bị thấm. Dùng hồ vữa để trám các lỗ hổng và vết nứt lớn, làm phẳng bề mặt bằng bột trét chuyên dùng dành cho tường ngoài trời. Để đạt hiệu quả tốt nhất phải đảm bảo cho bề mặt tường cần sơn sạch sẽ, khô thoáng và độ ẩm tường dưới 16%. Sau khi chuẩn bị tốt bề mặt thì phủ một lớp sơn chống kiềm, chờ sơn tự khô rồi phủ 1-2 lớp sơn chống thấm lên trên.
Trong trường hợp chân tường bị ẩm do hơi nước, nguồn nước ngầm cao thì cần xử lý cắt nước bằng mạch hồ vữa chân tường, tiến hành tạo rãnh, quét một lớp vữa xi măng, trám bít các khe hở nhỏ. Kế tiếp trám rãnh bằng hỗn hợp vữa, cát, xi măng được trộn thêm một liều lượng phụ gia nhất định (nhằm tạo nên một loại vữa khiến nước không có khả năng thẩm thấu được) với độ dày khoảng 0,5cm. Sau đó quét một lớp vật liệu chống thấm gốc xi măng để tăng cường thêm. Cuối cùng tô vữa hoàn thiện, phục hồi lại tường trông mới như ban đầu rồi tiến hành sơn tường (dùng bột trét tường loại dành cho ngoài trời phủ kín bề mặt), làm phẳng và láng bề mặt, sơn phủ lớp sơn lót rồi mới đến hai lớp sơn hoàn thiện.
812 Quang Trung, P.8, Q. Gò Vấp – ĐT: 0903927300; http://www.thietketamda.com