Các kiến trúc sư đã được mời tham gia thiết kế cho một ngôi nhà nghỉ gia đình, tọa lạc trên một vị trí tuyệt vời với tầm nhìn bao quát ra đại dương về phía đông nam. Đề bài tưởng chừng quá thoải mái nhưng khi tiếp cận thực tế họ mới nhận ra được sự khó khăn cho phần thực hiện nền móng của công trình, vì lý do địa hình phức tạp với những mỏm đá nhấp nhô và chỗ cao nhất cao lên hơn 1m4 so với chung quanh.
Đã từng thực hiện thành công một công trình trên địa hình phức tạp tương tự như thế vào năm 2019 với lối tiếp cận linh hoạt trong thiết kế được đặt tên là “modal planning”, nên các kiến trúc sư lại tiếp tục sử dụng phương thức ấy để thiết kế ngôi nhà lần này. Theo đó, các kiến trúc sư linh hoạt thay đổi quy mô không gian tùy theo cách chúng được sử dụng thông qua nguyên tắc hình học vững chãi, thay vì kiểm soát hình thức tổng thể. Ở ngôi nhà này, họ đã đề xuất một hình thái kiến trúc gồm các hình tam giác kết nối với nhau, nhưng không cố định hình dáng một cách cứng nhắc mà điều chỉnh các hình tam giác bằng cách biến báo ít nhiều tại các đỉnh mái trong quá trình triển khai chi tiết. Trên thực tế, khi tiếp tục quá trình thiết kế, các kiến trúc sư đã dần dần điều chỉnh các đỉnh để đáp ứng yêu cầu của khách hàng về không gian nội thất, sao cho mỗi phần mái đều có một không gian được thu nhỏ phù hợp với mục đích sử dụng.
Các mảng mái nhà như phần khuếch đại các hình tam giác của nền móng, được hỗ trợ bởi các cột đa giác có hình dạng khác nhau trong toàn bộ ngôi nhà, và ở vài nơi có thêm sự hỗ trợ của các bức tường chịu lực. Thể tích không khí bên trong mỗi căn phòng được xác định nhịp điệu của các tấm mái và những mảng tường bao. Các phòng hướng biển kết nối với nhau thành một chuỗi không gian, uốn lượn về hai cánh nhà phía đông và phía tây.
Chính nhờ chọn phương thức “quy hoạch linh hoạt” theo hiện trạng địa hình mà các kiến trúc sư đã có thể điều chỉnh độ phức tạp của các hình tam giác, liên kết chúng với nhau trong một cách thức tự do trong những thay đổi để tạo nên một hình thái kiến trúc nhà ở thật sinh động. Đó là những thay đổi các tham số như mối quan hệ với cảnh quan, kích thước các phòng và thể tích của các không gian. Kết quả là tỉ lệ trong không gian nội thất mang lại cho người thụ hưởng một cảm giác thật tự nhiên thoải mái trong sinh hoạt. Hơn thế nữa, đó là cảm giác quý giá về mối quan hệ mật thiết giữa các ngôi nhà và vị trí tự nhiên mà nó tọa lạc.
Tên công trình: Villa MKZ
Thiết kế: Takeshi Hirobe Architects
www.hirobe.net
(Tư liệu do Neoplus Sixten Inc. cung cấp)
Hình ảnh: Koichi Torimura
- Xem thêm: Âm – dương song hành