“Hội An giờ không chỉ là những sản phẩm cụ thể nữa, mà bản thân Hội An cũng đang là một sản phẩm. Vậy bán gì ở Hội An? Phải bán cái không khí Hội An”.
Phó giám đốc điều hành Nguyễn Phước Trung Bảo mở đầu câu chuyện hình thành “hiệu buôn” Xứ Đàng Trong như vậy.
Chỉ mới đi vào hoạt động chưa được một năm nhưng đã trở thành một điểm đến không thể bỏ qua khi đến Hội An, Xứ Đàng Trong chắc chắn không chỉ là một “hiệu buôn” đồ mỹ nghệ. Vậy câu chuyện thẩm mỹ của ngôi nhà cổ đẹp nhất Hội An này trong mắt một nhà báo và cũng là một người làm kinh doanh như Trung Bảo là gì?
Xứ Đàng Trong sở hữu ngôi nhà cổ gần 1.000m2 đẹp nhất nhì Hội An, xưa kia từng là hiệu buôn Phi Yến nổi tiếng. Khi ý tưởng kinh doanh chưa nên hình hài, nhìn thấy “cơ ngơi” này, anh nghĩ sẽ bán gì cho xứng với ngôi nhà?
Vì ngôi nhà vốn là một hiệu buôn lớn nhất Hội An ngày xưa, vì vậy tôi muốn làm cái gì đó tái hiện tinh thần “hiệu buôn”. Hội An từng là nơi buôn bán sầm uất và bây giờ nếu quan sát kỹ thì nó đang là đại siêu thị đồ lưu niệm. Nhưng có một thực tế là Hội An giờ không chỉ là những sản phẩm cụ thể nữa, mà bản thân Hội An cũng đang là một sản phẩm. Sản phẩm đó là không khí “trên bến dưới thuyền” đã làm nên một Hội An lừng lẫy – nơi tụ hội của nhiều nền văn hóa từ ngày xưa. Nơi mà đa số người dân vẫn còn giữ được thói quen buôn bán hiền hòa, thật thà và có truyền thống làm ăn với nước ngoài từ rất sớm.
Hội An giờ không còn là thương cảng nhưng vẫn phản ánh tinh thần giao thoa, cởi mở, giao lưu và kết nối với thế giới. Phải bán cho được cái không khí đó. Phải dựng lại được điều đó. Sản phẩm từ bên ngoài đến đây hay từ đây đi ra đều là văn hóa vật thể. Không thể nghĩ có cái ngôi nhà cổ đẹp rồi bán đại thứ gì đó mà người ta có thể tìm được ở bất cứ đâu.
Cái tên Xứ Đàng Trong có khái quát được “sản phẩm” anh muốn bán?
Có lẽ người Việt nào cũng biết xứ Đàng Trong về mặt địa lý cũng như chính trị từ thế kỷ XVI-XVIII. Về đời sống, xứ Đàng Trong là hình ảnh của một cuộc sống mới, không gian sinh hoạt mới: cởi mở, phóng khoáng, hội tụ, giao thương tấp nập, mà trái tim của nó là Hội An. Từ hàng trăm năm trước, chỉ là một thị xã nhỏ nhưng nơi này đã có dấu tích văn hóa, tôn giáo của rất nhiều sắc dân: Nhật, Hoa, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, v.v… Nói như nhà văn Nguyên Ngọc, một người Hội An, thì đô thị này là hình mẫu của khái niệm “thế giới phẳng” từ rất sớm. Người Hội An hiền lành, hài hòa bởi họ đã quen với việc sống chung với người đến từ bên ngoài, kể cả khi nó còn là thương cảng hay địa điểm du lịch.
Hiệu buôn cũng là nơi tập trung hàng hóa và thông thương trong – ngoài. Cái tên Xứ Đàng Trong chính là phản ánh không khí giao thương, tinh thần đi tìm cái mới này. Tôi muốn dựng lại một không gian buôn bán, kinh doanh hợp với du lịch nhưng vẫn mang tinh thần Hội An đã từng có cách đây mấy trăm năm: khai mở, tập trung tinh hoa nơi khác, phát đi sản phẩm của mình và kết nối các nghề thủ công với thế giới.
Văn hóa vật thể mà anh muốn bán cụ thể là…?
Xứ Đàng Trong không chỉ có một mặt hàng. Nó sẽ tập trung những sản phẩm thủ công được cho là tốt đẹp nhất Việt Nam, giống như Hội An xưa là nơi buôn bán hầu hết đặc sản của xứ Đàng Trong từ mật ong, quế, yến sào, tinh dầu, cho đến vàng, bạc, đồ trang sức, v.v…
Tuy nhiên, Xứ Đàng Trong không thể hoạt động như các tiệm buôn ngày xưa. Tôi không muốn khách hàng khi bước vào đây thì bị “đóng khung” về “hình ảnh Việt Nam” họ đã quen thuộc. Hàng hóa của Xứ Đàng Trong phải phản ánh công nghệ, thẩm mỹ và chất lượng sống Việt Nam đương đại.
Sản phẩm của Việt Nam đã có tiếng rồi nhưng đến thời điểm này nó cần được chế tác. Lấy ví dụ hàng thủ công mỹ nghệ, tôi quan niệm đồ hiện đại bắt buộc phải khác. Nó cần có tính thiết kế nhất định, kể cả bao bì thương hiệu vì khách hàng của Hội An bây giờ nói chung và Xứ Đàng Trong nói riêng là khách du lịch, không còn là khách buôn như ngày xưa. Mình không thể bán những sản vật thô đã được bán hàng bao nhiêu năm và có thể tìm thấy nhan nhản ở nhiều nơi. Những món đồ chế tác thấp khó thể dùng để biểu trưng cho văn hóa. Văn hóa của mình phải là chất liệu dân gian được chế tác trên nền tảng suy nghĩ tiếp cận với đời sống đương đại.
Chẳng hạn lụa là, vải vóc. Tôi từng lặn lội xuống An Giang mua lãnh Mỹ A. Lãnh quá đẹp rồi nhưng mình không thể bán lãnh trực tiếp. Người ta đi du lịch, người ta không mua một cây lãnh. Vậy thì mình phải tạo ra sản phẩm sử dụng được làm từ lãnh.
Vật liệu không có gì mới nhưng sản phẩm phải có cái nhìn mới. Khi được đặt trong một không gian mới, nó sẽ khiến người ta nghĩ khác: chất liệu có đối thoại. Tôi luôn cố gắng xây dựng, sưu tầm từng câu chuyện về văn hóa hay xuất xứ đối với sản phẩm của mình. Nói cho cùng, ta bán câu chuyện văn hóa và cái kết tinh của văn hóa đó chính là những sản phẩm cụ thể. Sản phẩm sẽ bật lên giá trị chất liệu khác hẳn với cái nhìn mà nó vốn đang bị nhìn. Đây cũng chính là tinh thần của Xứ Đàng Trong.
Vật liệu không có gì mới nhưng sản phẩm phải có cái nhìn mới. Và khi được đặt trong một không gian mới, nó sẽ khiến người ta suy nghĩ khác: chất liệu có đối thoại mới. Sản phẩm sẽ bật lên giá trị chất liệu khác hẳn với cái nhìn mà nó vốn đang bị nhìn
Anh dựa vào tiêu chí gì để chọn những hàng hóa mà anh cho là “tốt đẹp nhất”?
Sản phẩm của Xứ Đàng Trong phải là sản phẩm của các nghệ nhân ở các làng nghề Việt Nam nhưng đã được khoác lên mình dáng vóc mới. Dù là chất liệu dân gian cũng phải mang hơi thở hiện đại, có thể tiếp cận được với bên ngoài.
Rất may mắn là tôi được làm việc với những đối tác có chung suy nghĩ với mình. Ví dụ gốm sứ của chúng tôi là gốm Bát Tràng được thiết kế bởi các designer Thụy Điển. Hoặc trúc chỉ – một đời sống tiếp theo của tre mà các nghệ nhân Huế đã tìm tòi có thể đại diện cho hàng thủ công mỹ nghệ Việt hiện đại: đèn, tranh ảnh, đồ trang trí, v.v… Tính ứng dụng của một biến thể tre mang hình thái khác, cao hơn hẳn, không còn là một vật liệu để làm nghệ thuật mà đã được xem là một tác phẩm nghệ thuật.
Dĩ nhiên, tôi không nói rằng sản phẩm ở Xứ Đàng Trong là đồ đẹp nhất, nhưng đây là tiêu chí mà chúng tôi hướng đến để tạo một ra Xứ Đàng Trong của riêng chúng tôi.
Đồ chất lượng cao thường không rẻ. Anh nghĩ rằng hiệu buôn của mình có thể cạnh tranh trong lòng “đại siêu thị đồ lưu niệm” Hội An?
Sản phẩm chất lượng dĩ nhiên giá không thể như hàng chợ, nhưng tôi tin người hiểu “thủ công” sẽ hài lòng về giá cả xứng với chất lượng thủ công.
Ví dụ khăn lụa. Với giá 2 triệu đồng, người ta có thể mua được một cái khăn có thương hiệu, nhưng ai có 2 triệu đồng cũng có thể mua được cái khăn thương hiệu, còn với đồ thủ công thì bạn chỉ sở hữu được một món hàng độc nhất. Xứ Đàng Trong mong muốn kinh doanh như vậy với tất cả các sản phẩm mình chọn bán. Muốn như vậy thì chúng tôi sẽ chú ý nhiều hơn đến công năng của sản phẩm trong đời sống hiện đại. Tôi không muốn kêu gọi mọi người ủng hộ đồ mỹ nghệ Việt chỉ vì yêu nước. Tôi muốn mọi người ủng hộ vì tính ứng dụng và thẩm mỹ. Và nếu như có thể vận dụng được văn hóa Việt vào trong thiết kế thì sẽ càng khiến người ta tự động chọn mua bởi cảm thấy sự thân thuộc.
Chúng tôi luôn nghĩ khác với những gì Hội An đang có. Chúng tôi nghĩ đến việc tập trung những gì đẹp nhất, tốt nhất của những nhóm người đang sống tại Việt Nam. Chúng tôi tạo nên những sản phẩm chất lượng cao bằng cách kiểm soát chất lượng sản phẩm từ nguồn. Làm tốt được hai điều này thì sản phẩm có thể tự tin đi ra bên ngoài, kết nối với thế giới. Đây cũng là lý do tôi thích tổ chức các tuần lễ nghề thủ công hay triển lãm ở Xứ Đàng Trong.
“Tuần lễ thổ cẩm” là một ví dụ. Chúng tôi kết hợp với các tổ chức phát triển bền vững của Liên minh châu Âu (EU) mời các nghệ nhân dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng núi phía Bắc đến đây, đem theo khung dệt và sợi vải. Họ dệt tại chỗ, cho khách tham gia dệt hoặc nhuộm màu rồi bán tại chỗ. Chúng tôi đâu chỉ muốn bán sản phẩm, chúng tôi còn muốn bán những trải nghiệm văn hóa khi người ta đến Việt Nam. Tất cả sản phẩm đều được chúng tôi đã kiểm soát chất lượng từ nguồn nguyên liệu (trồng bông thế nào, v.v…) đến quá trình sản xuất (dệt, nhuộm, v.v…).
Dĩ nhiên, chuyện bán hàng phải có hình thức, tiếp thị, nhưng nó không phải tất cả. Người ta không đến và quay trở lại vì hình ảnh nó long lanh. Người ta đến vì ngôi nhà đẹp, bài trí mỹ thuật, sản phẩm lạ nhưng cũng sẽ không quay trở lại để ngắm ngôi nhà đẹp. Họ trở lại vì những sản phẩm không tìm thấy ở nơi khác ở Hội An. Chất lượng cũng sẽ khiến người ta quay trở lại.
Một hiệu buôn trong một thành phố du lịch có dễ kinh doanh, dễ phát triển không, thưa anh?
Cái khó nhất của Hội An không phải là chuyện nguồn hàng mà là cơ cấu khách hàng. Khách rất đông nhưng không phải ai cũng mua. Chẳng hạn, khách Hàn Quốc và Trung Quốc hầu như không mua sắm ngoài các cửa hàng do chính đồng hương của họ làm chủ. Việc kinh doanh có thể nói là… theo mùa. Vì vậy, chúng tôi xác định thế mạnh của Xứ Đàng Trong là hội tụ. Hội tụ những sản phẩm của những con người có cùng suy nghĩ về thủ công mỹ nghệ – những món đồ được chế tác trên vốn chất liệu dân gian. Mặt hàng vì thế sẽ được thay đổi liên tục, hết chủng loại này đến chủng loại khác. Như vậy mới là xứ Đàng Trong – xứ của những người đi mở mang cõi mới, nghĩ ra những việc mới để làm.
Dĩ nhiên, chuyện bán hàng phải có hình thức, tiếp thị, nhưng nó không phải tất cả. Người ta không đến và quay trở lại vì hình ảnh nó long lanh. Người ta đến vì ngôi nhà đẹp, bài trí mỹ thuật, sản phẩm lạ nhưng cũng sẽ không quay trở lại để ngắm ngôi nhà đẹp. Họ trở lại vì những sản phẩm không tìm thấy ở nơi khác ở Hội An. Chất lượng cũng sẽ khiến người ta quay trở lại.
Cảm ơn anh.
- Ảnh INDIECHIN, Nguyễn Dân