Khởi sự việc xây nhà đầu năm là tập quán thuận theo quy luật đất trời và triết lý Đông phương lấy lịch Âm làm trục đo thời gian. Đồng hành cùng kế hoạch kiến tạo không gian ngày càng có nhiều phương tiện, kỹ thuật thông minh, tiện lợi… tuy nhiên đa số chủ đầu tư sống trong vùng văn hóa trọng tính Âm như Việt Nam vẫn xem phong thủy là một trong các tiền đề cơ bản để việc làm nhà được thuận lợi, cư trú được an lành.
Triết lý Dịch học có đặc thù biểu hiện thế giới quan vũ trụ đi từ Tâm ra, mô tả quy luật của vạn vật theo hướng mở và vận động. Dù công trình vĩ đại hay những cấu trúc vi tế cũng đều có quy luật tạo thành từ Tâm đến Tri Quan (nhận biết của con người qua các giác quan). Do đó, phong thủy có khái niệm Trung Cung vừa là một điểm, vừa là một vùng, vừa là tâm của luân cầu Không gian – Thời gian đồng hành chuyển động(*). Làm nhà cũng vậy, lấy tâm đất, tâm nhà làm tâm xác lập quan hệ ra chung quanh, gọi là định vị Trung Cung.
Từ Trung Cung để nhận thức phương vị, cấu trúc không gian
Trước khi nghĩ đến kiểu dáng kiến trúc hay phong cách nội thất, gia chủ và nhà thiết kế cần quan tâm cơ cấu phân chia để làm “gốc” cho không gian phát triển. Phân chia mang tính hoạch định, chứ không phải dựng vách, xây tường hay ngăn phòng. Ví dụ như con cái còn nhỏ thì ở vùng gần phòng cha mẹ để tiện chăm sóc, nhưng vài năm nữa lớn lên thì bố trí ở đâu.
Hay như bản thân gia chủ bây giờ còn sung sức nhưng đến lúc có tuổi “chồn chân mỏi gối” thì có nên dự trù phòng ở dưới trệt cho đỡ leo lầu? Những câu hỏi và hướng đi là kế hoạch phát triển, không ai xây nhà mà không muốn nhà “có hậu” theo nghĩa không gian tương ứng thời gian: mai này nhà mình sẽ ra sao?
Cũng từ Trung Cung, các nhận thức về trước sau, trái phải, trên dưới, chính phụ… sẽ rõ dần, làm nền tảng cho bố cục tổng thể. Trung Cung nhà xưa hay là nơi đặt gian thờ, phòng thờ, bàn thờ… chính vì cha ông định vị không gian theo trục, có chính phụ, trước sau nghiêm cẩn, có kiểm soát và không bố trí sinh hoạt tùy tiện vào Trung Cung, các thay đổi sẽ lan dần chung quanh.
Tính chất trục điều tiết giao thông, phân vùng khí chuyển động trong nhà sao cho hài hòa không thăng hay giáng nên Trung Cung thuộc Thổ, là tâm để các hành Hỏa Nam – Thủy Bắc – Kim Tây – Mộc Đông luân chuyển chung quanh, hành nào vào chỗ nấy, không lệch lạc hay lẫn lộn. Nguyên tắc bố trí nhà có tâm có trục, từ tâm lan tỏa ra cấu trúc ăn ở cũng thấy thể hiện rõ ở kiểu nhà Pháp làm tại Việt Nam thời khai thác thuộc địa Đông Dương.
- Xem thêm: Hiểu Cát Hung để giảm Trực Xung
“ Nhà tây” vì vậy rất biết “nhập gia tùy tục”, bố cục gần với kiểu nhà vườn truyền thống Việt về triết lý sử dụng đất hợp phong thủy. Các hành lang bao quanh, cầu nối nhà trên với nhà dưới, hồ nước trước sân… giúp cách nhiệt, thông gió tốt hơn là nhà kiểu một khối bít bùng hoặc lồi lõm trơ trọi. Những mặt nhà hướng nam, đông nam luôn có tỷ lệ mở cửa đón gió nhiều hơn so với mặt hướng tây hoặc tây bắc.
Cách xác lập chính phụ, đưa các công năng thuộc Hung như vệ sinh, kho, cầu thang… về phía bất lợi, rất hợp với thủy thổ khí hậu Việt Nam. Đó là lý do “nhà tây” đến nay vẫn luôn được xem là chuẩn mực của sự chỉnh chu với giới trung niên và thành đạt, song hành cùng cái hay cái đẹp của kiến trúc hiện đại.
Đến Phân Cung để phân vị, phân khu cụ thể
Về mặt Dịch lý phương Đông, Phân Cung dựa trên quy luật Âm Dương luân chuyển, phản ánh quá trình vần xoay của vũ trụ, Âm Dương điều hòa thì vạn vật trong vũ trụ mới tốt đẹp. Lấy sự kế tiếp nhau của hai trạng thái đóng mở trong biểu tượng Âm Dương của mái nhà, cái cửa, người xưa suy nghiệm và đúc kết được mô hình vận động vũ trụ, đồng thời thể hiện tinh thần trung dung trong cuộc sống: mọi sự trong đời đều theo cơ chế quân bình, luân chuyển, xoay vần… mới tạo được sự phát triển bình thường, hợp quy luật.
Mọi trường phái phong thủy dù xuất phát từ đâu thì khi bố trí ngôi nhà cũng đều căn cứ theo vị trí và hướng xoay của các hệ cửa Khai Môn Nạp Khí dẫn đến các phần liên quan. Cửa chính mở ra hướng xấu, chỗ bất lợi thì phải né tránh, che chắn hoặc dịch chuyển chỗ khác.
Không gian nhà ở hiện đại không giữ kiểu gian, trục, khung cố định như nhà truyền thống nữa. Căn hộ, nhà phố, biệt thự ngày nay chịu nhiều áp lực về diện tích, nhiều công năng giao thoa và nhiều phong cách sống khác biệt. Do đó, từ Trung Cung tỏa ra, cách Phân Cung cũng có thay đổi thích ứng, trên cơ sở phân vùng tốt xấu và xác định tọa hướng. Dù muốn Tọa Hướng tốt mà chưa rõ “nơi nào nên đặt cái gì” thì không thể xác định được tiền đề căn bản.
Nghĩa là Phân Cung không phải cố định cứng nhắc, mà giúp gia chủ và thiết kế các khả năng chọn lựa: ai ở đâu, chỗ nào cần rộng, công năng, sinh hoạt cần vị trí đẹp, góc nào cần kín đáo… Ví dụ phân cung cho garage vào vùng Động, vùng Hung trên la bàn, cho dù chứa chiếc xe tiền tỷ, nhưng garage không phải là nơi sinh hoạt con người, cần giải quyết vấn đề khói xe, tiếng ồn và sự rung chấn khi ra vào xe cộ, với nhiều thiết bị và kỹ thuật liên quan. Hiểu đúng mới làm đúng được.
Tạo tiền đề tốt cho các giải pháp chuyên môn
Khả năng dọn dẹp, bố trí vật dụng và thói quen sinh hoạt cũng khiến cho Phân Cung nhà của người trẻ khác nhà cho người già, căn hộ nhỏ không như biệt thự lớn, cho dù nguyên tắc phong thủy cơ bản là tương đồng. Việc thiên về một phong cách nào đó mà bỏ qua Phân Cung hợp lý ban đầu sẽ dẫn đến kiểu sắp xếp không gian chủ quan, thiếu trọng tâm và dễ xáo trộn. Các yếu tố Tọa Hướng không tự nhiên mà có, như khi bố trí tiếp khách thì vị trí chủ nhân nên ở đầu bàn hoặc giữa cạnh dài của bàn, không thể dồn về góc.
Nguyên tắc dùng Trung Cung cho từng phòng cũng giúp nhanh chóng xác định các bài trí nội thất. Ví dụ phòng tắm theo quan niệm phong thủy vẫn xếp vào nhóm mang tính chất Hung, dùng nhiều nước, độ ẩm cao, có mùi, đòi hỏi che chắn kín đáo, riêng tư… nên xác định khu vệ sinh có thể đưa về các hướng bất lợi khí hậu, đồng thời đảm bảo hợp lý về hệ thống kỹ thuật. Đây chính là sự phân biệt khoa học và thứ tự ưu tiên. Nếu các chức năng cơ bản (cửa chính, bếp, phòng khách, phòng ngủ, bàn thờ…) được đặt các vùng Cát Lợi, thì dĩ nhiên những vùng còn lại sẽ bố trí các chức năng phụ khác.
- Xem thêm: Không có màu nào xấu…
Về hướng khi phân cung theo thứ tự ưu tiên thì từ hướng nhà, hướng cửa chính, hướng bếp cho đến hướng bàn thờ, hướng giường ngủ của các thành viên, hướng bàn làm việc… là đầy đủ chi tiết cho sinh hoạt cơ bản. Các chi tiết còn lại không phụ thuộc vào hướng nữa, chỉ cần lưu ý sao cho thuận tiện sử dụng, tránh gió lùa, tránh tia nhìn xoi mói, thoải mái dễ chịu, không va vướng vào luồng giao thông, nếp sinh hoạt hàng ngày.
Tùy theo phong cách và quan niệm thiết kế mà kiểu phân chia không gian sẽ khác nhau, không hề chịu ảnh hưởng của định vị phong thủy, vì Phân Cung Điểm Hướng chỉ là bước xác lập quan hệ, trước sau làm gì, chính phụ ở đâu…, chứ không nêu ra giải pháp chi tiết. Thực tế cho thấy các chỉ định của “thầy phong thủy” lấn sân sang chuyên môn của nhà thiết kế đều là không đúng, cả về kỹ thuật lẫn văn hóa ứng xử.
Nhưng thay vì có thái độ phản ứng gay gắt, để dung nạp hài hòa nhiều mặt thì tốt nhất giới chuyên môn cần phối hợp kiến thức phong thủy với kỹ năng thiết kế. Việc xác định Sơn Hướng cho nhà từ 24 cung phân chia trong không gian, dùng Thiên Can, Địa Chi cùng Bát Quái theo la bàn hiện nay khá đơn giản, dễ tham khảo tư liệu(**). Phân Cung đóng vai trò như giai đoạn phác thảo phân khu chức năng cơ bản, chỉ cần chính xác trên cơ sở nhận thức khoa học và triết học, không liên quan gì đến tín ngưỡng hay kiêng kỵ dân gian.
Vùn hóa phương Đông ứng dụng đa dạng trong Trạch cát (chọn điều tốt, tránh điều xấu) với lý lẽ cốt lõi là con người cần sống sao cho thuận theo tự nhiên và tôn trọng các mối quan hệ. Có thể thấy từ Trung Cung chỉ là một điểm gốc quy chiếu xác lập, đến Phân Cung là cách thức định vị chức nùng và tính chất cho không gian, phong thủy truyền thống đã rất tương đồng với thiết kế kiến trúc thời hiện đại. Dùng khoa học thực nghiệm kết hợp với kinh nghiệm sẽ đem lại các hiệu quả thiết thực. Ít là để tìm kiếm sự giao hòa, an tâm, còn nhiều thì chính là chọn lọc giá trị, kế thừa cái hay cái đẹp của triết lý thuận tự nhiên vào đời sống đương đại.
– Ảnh Xuân Trang