Hầu hết các kiến trúc sư tham gia chuyên đề này đều đã chia sẻ công trình của họ trên tạp chí Nội Thất trong những năm vừa qua. Nhân ấn phẩm đặc biệt Xuân Kỷ Hợi 2019, nhóm thực hiện nội dung đã ra “đề bài” cho họ, không phải là một dự án thiết kế mà một bài viết về ngôi nhà trong ký ức của mỗi người.
Những ký ức ấy có trở thành những ám ảnh dịu dàng, những trải nghiệm để sau này – khi trở thành một kiến trúc sư – có trở thành chất liệu để hình thành những ngôi nhà khác, cho cá nhân họ hoặc cho khách hàng?
Dù nhiều người vẫn nói rằng viết là “sở đoản”, công việc này với họ khó hơn khi thiết kế một công trình, nhưng họ vẫn tham gia vì xem đây như một cơ hội, một tấm vé để trở về với tuổi thơ của chính mình. Đặc biệt, hình ảnh và minh họa cho từng bài viết đều do họ tự thực hiện hoặc từ chính các dự án mà họ đã thiết kế.
1. KTS Đặng Đức Hòa – Block Architects – Dưới ụ cây xanh thẫm
– Hòa ơi, về ăn cơm trưa nào.
– Nó lại trốn đâu nữa rồi.
Tiếng má và ngoại tôi vọng lên từ dưới bếp, cùng với tiếng lách cách bát đũa chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Ở bên trên, qua kẽ ngói, tôi nheo mắt chăm chú quan sát và thích thú cười tủm tỉm. Chẳng là sáng nay, tôi mới tìm được đường lên mái chái bếp đằng sau nhà bằng cách đu vắt vẻo qua một cành vú sữa xòa xuống mái ngói. Dưới bóng râm của vòm cây, tôi nằm lim dim mắt tận hưởng cái thế giới bí mật vừa mới phát hiện ra và toàn quyền sở hữu. Không xa lắm, ngay phía trước mắt tôi là một rừng bạch đàn và những ngôi mộ cát im lìm.
Nhà tôi nằm nép về một phía trong khoảng đất rộng toàn cát. Vì những gia đình lân cận đều làm chung cơ quan với ba má tôi, thân biết nhau cả nên đất đai hầu như không cần ranh giới, cát cứ thế trải dài vô tận như không có điểm dừng. Nhà tôi có những cây dừa và xoài bao quanh, như một cái ụ màu xanh nhỏ bé và lọt thỏm trên biển cát. Theo lối đi len lỏi qua hàng cây sẽ gặp một cái sân gạch, một cái bồn chứa nước mưa và một cái giếng.
Từ khoảng sân này bước lên là cái hiên rộng và dài, hai đầu là bếp và phòng khách, hai phòng ngủ nhỏ ở giữa, tất cả tạo thành hình chữ U. Mọi bữa cơm của gia đình tôi và hầu hết các sinh hoạt hằng ngày đều diễn ra dưới mái hiên này. Bởi thế mà cái nền xi măng đã trở nên nhẵn thín và bóng nhẫy, khác hẳn các phòng khác.
Ngôi nhà chỉ có vậy nhưng trong mắt một thằng nhóc như tôi, nó vẫn quá rộng lớn và thừa thãi. Tôi muốn có một cái nhà của riêng mình, chỉ cần chứa được cái thân hình của tôi là đủ. Thế là tôi quyết định khởi công. Địa điểm được chọn nằm bên cạnh một gốc xoài to. Đây là cây xoài tôi hay trèo nhất vì nó có một cái chảng ba nằm rất thích, lại vừa vặn với tầm nhảy của tôi khi cần xuống “tầng trệt” – là chỗ mà tôi đang chuẩn bị làm nhà riêng cho mình. Tôi đã kiếm được dăm ba tấm ván khá tốt.
Đầu tiên là phải làm tường bao, tôi chọn lấy ba tấm ván và vùi một phần xuống cát cho vững, một mặt để trống làm cửa chui vào. Tấm ván sau cùng đặt lên trên để làm mái. Tôi hớn hở chui vào “ngôi nhà” của mình. Khổ nỗi mỗi lần khẽ cựa quậy là cái nóc lại sập xuống và ba bức vách lại đổ kềnh ra. Tôi cứ thế sửa đi sửa lại bao lần cho đến khi ba tôi quyết định can thiệp. Chẳng là trong lúc tôi mải mê với việc “dựng nhà” và chui ra chui vào thì ba tôi cũng quan sát hết toàn bộ quá trình thi công thất bại của tôi. Ba tôi lấy hai cái cửa sổ lá sách nhỏ làm hai bên tường dài, rồi lấy hai tấm ván của tôi cưa vát làm hai bên tường còn lại.
Sau khi các bức vách được cố định lại với nhau bằng đinh, ông lấy thêm một tấm ván nữa để làm mái. Ô hay, lần đầu tiên tôi trông thấy một cái nhà ngộ nghĩnh như vậy, tuy vẫn có hai bên mái hẳn hoi nhưng ba tôi chỉ lợp có một phía, phía còn lại để trống, nghĩa là để vào nhà tôi phải chui qua cái lỗ mái ấy thay vì vào bằng cửa chính.
Chẳng nói cũng biết là tôi sung sướng tới dường nào. Ngôi nhà chắc chắn và rộng hơn so với phiên bản trước của tôi, nên ngoài chỗ để nằm tôi còn một khoảng nữa để trưng bày các tài sản của tôi, gồm một hũ đựng bi ve, một xấp các tấm thẻ in hình các nhân vật trong Tây Du ký và các siêu nhân này nọ. Tôi còn nuôi thêm thú cưng là mấy chú dế mun bỏ trong hộp giấy và một con kỳ nhông để giữ nhà nữa chứ.
Tuổi thơ cứ thế êm đềm trôi qua, tôi vẫn cứ đi đi về về giữa hai ngôi nhà ấy mãi đến khi tôi vào cấp 2. Tận bây giờ vẫn hiện lên rõ mồn một trong tâm trí tôi hai ngôi nhà nhỏ – của gia đình và của riêng tôi, nằm trong cái ụ xanh thẫm của cây cối và màu ố vàng của ký ức. Và khi ngồi viết những dòng này, tôi vẫn đang đi đi về về giữa hai thế giới – thế giới của thực tại và cái thế giới nhuộm màu xanh thẫm ấy.
2. NTK Đặng Thái Dũng – Công ty Thiết kế và Xây dựng Ngọc Viễn Đông – Gặp lại tuổi thơ mình
Nơi gia đình tôi ở là dãy nhà tập thể dành cho cán bộ ngân hàng. Nói khu nhà ở cán bộ cho oai chứ hồi đó những người như bố mẹ tôi mới ra trường hoặc đi lính về thì tiêu chuẩn cũng chỉ là những dãy dành cho công nhân viên, từ sếp đến lính đều vậy. Ngày ấy, cứ mỗi khi bố mẹ đi làm, anh em chúng tôi lại bị “nhốt” trong nhà, ngồi nhìn ra cái sân lớn phía trước, nơi đám trẻ hàng xóm chơi đùa mà thèm thuồng. Bố mẹ về, chúng tôi lại được “thả” ra tầm vài tiếng rồi đi ngủ.
Ngôi nhà, theo tôi nhớ thì phía trước là đường lộ, có hai dãy bạch đàn hai bên. Lùi vào 10, 20 mét là khoảng đất, nơi mỗi gia đình tự trồng cây hay hoa gì đó mình thích. Rồi đến khoảng sân chung, cái khoảng này cũng kỳ lắm, xi măng từng đoạn, nhà nào có điều kiện thì tráng, không thì thôi.
Vậy đó, rồi đến dãy nhà tập thể không có lầu, ngang 4m, dài tầm 10m, kiến trúc theo kiểu trendy bây giờ có một cửa louver trước và một ô cửa sổ bên hông, đều tăm tắp. Giá mà thời đó có máy hình kỹ thuật số hay điện thoại thông minh thì mỗi ngày người ta có cả chục tấm hình sống ảo.
Tuổi thơ chúng tôi nô đùa quanh cái sân chung đó với đủ trò: bắn bi, năm mười, tập xe đạp, thả diều. Đứa bạo gan hơn thì leo lên nóc nhà. Tối tối, đám đom đóm bay về trước sân, tụi nhỏ cứ bị nhốt trong nhà mà nhòm ra cửa sổ, thỉnh thoảng có phụ huynh dễ tính thả con ra sân chơi, mấy đứa may mắn đó bắt đom đóm rồi bỏ vào cái hũ thủy tinh, cầm ngang cửa sổ nhà đứa khác chọc, ở trong nhà tức lắm!
Nhiều năm xa nhà đi học rồi ra trường làm nghề, tôi vẫn khắc khoải về khoảng sân ấy, nơi tôi hoàn toàn mất thông tin về cô hàng xóm thuở nhỏ mà tôi còn nhớ man mác. Thời buổi này nghĩ tới dãy nhà chung sân vườn phía trước, chắc khó!
Nhưng mỗi khi cầm bút vẽ nhà cho ai đó, tôi lại luôn nghĩ tới một khoảng sân, khoảng vườn, có tán cây, có cái hiên, có đứa nhỏ ngồi nhìn đứa lớn bày trò. Chuyện đó không dễ dàng gì trong điều kiện đô thị hiện nay, “tấc đất tấc vàng”… May mắn là tôi vẫn gặp những chủ đầu tư đồng cảm với mình, chịu hy sinh những “tấc vàng” chỉ để cho tôi vẽ một cái hiên, cái bục cho bé Na, cu Bi chạy, có cây khế để tụi nhỏ mỗi ngày dòm lên xem hoa nở, chờ trái chín.
Cá nhân tôi, vẫn cứ ước ao, khi lớn tuổi một chút, không còn bị áp lực cuộc sống, sẽ mua miếng đất xa xa thành thị rồi xây một cái nhà mà phòng nào cũng nhìn ra cái vườn nằm giữa sân chung. Mỗi tối ngồi đọc sách, nhìn ra ngoài sân thấy mấy đứa con nít chạy nhảy hò hét, để gặp lại tuổi thơ mình…
3. KTS Phạm Thị Mỹ An – Công ty MM++ – Khoảng trời riêng của tôi
Đó là nơi tôi sinh ra và sống suốt thời niên thiếu. Ngôi nhà thời bao cấp, ngang 4m và dài 16m, nằm trong con hẻm ngoằn ngoèo cát đen rộng 3m và hun hút sâu. Có tường vôi xanh nhiều lớp quét chồng mỗi mùa tết đến, với cơ man diềm chỉ vôi trắng, có ghi chú năm xây dựng (1972) trên tường đầu hồi.
Mái tôn nhiều lớp cũ mới xếp chồng ngang dọc. Nhà có một trệt và một gác gỗ thấp lè tè 2,4m. Tầng trệt có phòng khách nhỏ 16m², bộ sô-pha gỗ, tủ buffet cũ kỹ trưng bày đủ thứ trang trí: từ các vỏ chai rượu nhiều màu sắc kích thước đến các con búp bê nhựa tóc vàng có mắt nhắm mở được.
Giữa nhà có một phòng đệm 9m². Phía sau có căn bếp 12m², không có bàn ăn. Đến bữa, cả gia đình quây quần bên mâm cơm dọn ngay giữa sàn bếp. Gác gỗ phía trên là không gian ngủ nghỉ của cả gia đình, được ngăn chia bởi các bức mành trúc vẽ cảnh đồng quê chứ không có phòng riêng, nhưng mỗi người đều có một khoảng vừa vặn, không dư, không thiếu.
Riêng chỉ có khoảng hiên trước nhà là hào phóng quá mức, với khoảng hiên lùi 4m, ngôi nhà gần như mất trắng 16m², tưởng như không dùng vào việc gì cả, tuy nhiên, khoảng không gian mất trắng ấy lại là bù đắp cho cả tuổi thơ tôi. Đó là nơi tôi học hành, đọc sách, tập tành làm thơ, vẽ vời, nơi cho tôi tưởng tượng ra cả bầu trời rộng lớn chứ không gói gọn trong con hẻm nhỏ tôi ở.
Đó là nơi tôi chơi ô quan, đá cầu, rượt đuổi những lúc trời mưa với đám bạn cùng xóm.
Đó là những đêm tôi mắc mùng trước hiên nhà chăm em để chờ ba mẹ đi làm về những tối tăng ca.
Gia đình tôi chuyển sang nhà mới năm tôi 13 tuổi. Ngôi nhà phố khang trang, rộng gấp bốn lần ngôi nhà cũ, được xây theo mô-típ những căn nhà thập niên 1990: tường cao, cửa sổ lớn, ban công 1m sâu, và không có hiên nhà.
Từ đó tôi mất khoảng trời riêng của mình. Và tôi vẫn mãi đi tìm lại nó trong các công trình của tôi.
Đối với tôi, giá trị thực sự của ngôi nhà không nằm ở diện tích lớn hay nhỏ, không phụ thuộc vào loại vật liệu trang trí cao cấp hay thấp mà nằm ở khoảng không gian kết nối. Đó là khoảng không gian kết nối con người với con người, con người với thiên nhiên, hoặc chí ít là khoảng không gian cho phép ta mơ mộng…
4. KTS Nguyễn Thanh Tân – District1 Architects – Từ hiên nhà thơm mùi ký ức
Tôi vẫn nghĩ rằng mỗi người đều có một ngôi nhà cho tương lai, ngôi nhà ở hiện tại và một ngôi nhà thuộc về quá khứ. Nhưng có lẽ đáng nhớ nhất vẫn là ngôi nhà trong quá khứ, gắn liền với tuổi thơ. Như bao ngôi nhà ở vùng quê Trà Vinh, ngôi nhà trong quá khứ của tôi gồm ba gian, gian ở giữa có diện tích lớn nhất, là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, hai bên dùng làm nơi nghỉ ngơi sinh hoạt cho gia đình.
Một điều thú vị chính là các chái nhà phát sinh thêm từ nhu cầu sử dụng của mẹ tôi, được dựng lên ở những thời điểm khác nhau, không theo một quy chuẩn nào cả: chái bên phải, chái phía sau… một tổng thể không trật tự nhưng vẫn rất hài hòa. Sự chắp vá hoàn hảo đó được thực hiện bởi một nhà quy hoạch đại tài là mẹ tôi. Cứ lồi lõm, đan xen, có một mục đích sử dụng riêng: là bếp, là kho, là nơi ngủ trưa của bọn trẻ chúng tôi. Có khi chẳng cần vách, chỉ là một phần mái che nhô ra. Tôi gọi nó là hiên nhà – những hiên nhà thơm mùi ký ức.
Tôi lớn lên và trưởng thành từ cái hiên ấy. Nhìn thì bé xíu thế thôi nhưng ở đó cất giữ cả một khoảng trời tuổi thơ. Đó là những ngày hè nóng bức, tôi ngồi đó cùng bà, tay bà phe phẩy chiếc quạt con; những ngày mưa lũ trẻ con trong xóm túm tụm lại nghịch nước, nước từ mái hiên đổ dốc tạo thành một thác nước nhỏ. Trong trí tưởng tượng của bọn tôi, nó trở thành ranh giới của ta và địch, chúng tôi cứ thế rượt đuổi nhau, chạy vào chạy ra qua cái ranh giới ấy, mục đích cuối cùng cũng chỉ để hưởng trọn những đợt dòng nước xả xuống từ mái hiên.
Hiên nhà cũng như một khung ảnh nhỏ đóng khung ký ức tôi những buổi ngóng trông ba mẹ đi làm về. Tôi ngồi đó, hướng tầm mắt về phía cái hàng rào. Có tiếng gọi nhau í ới của đám trẻ con đi học về, tiếng chim hót. Có hôm tôi ngồi cùng ông, bắt chước ông nhấp một ngụm trà, khà một phát, khen trà ngon, ra vẻ già đời, hai ông cháu lại nhìn nhau cười.
Hiên nhà cũng là không gian sinh hoạt của gia đình tôi: nơi tiếp khách, ăn cơm, là nơi các bà các mẹ ngồi nhai trầu, gói bánh trong các dịp giỗ chạp, nơi bọn trẻ con tụi tôi nghĩ ra biết bao trò chơi thú vị, cùng nhau lớn, cùng nhau trưởng thành.
Sau này, khi học và thực hành kiến trúc, tôi mới hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của cái hiên nhà, nó không chỉ mang đến cho tôi những ký ức tuổi thơ mà còn có những tác dụng rất thực tế. Hiên nhà ngày nay được biến thể, có nhiều tên gọi, nhiều mục đích sử dụng, thế nhưng vẫn giữ được sự duyên dáng rất riêng. Hiên nhà là khoảng đệm giúp công trình tránh được các yếu tố bất lợi của nắng và gió, đồng thời là nơi tổ chức các hoạt động cộng đồng, thắt chặt tình làng nghĩa xóm.
Vậy thì cái hiên ấy, đặt trong bối cảnh và điều kiện xây dựng của đô thị hiện nay, sẽ như thế nào? Tôi nghĩ về điều này khi đối diện với mỗi công trình mà mình đang thực hiện. Ai mới là người tận hưởng trọn vẹn nhất không gian này? Những đứa trẻ? Chúng chơi đùa thế nào? Những ký ức gì sẽ hình thành khi chúng lớn lên ở ngôi nhà mà mình đang thiết kế? Nghĩ vậy để cẩn trọng hơn, để có những ưu tiên nhất định về phân bố không gian trong từng trường hợp cụ thể.
Tôi nghiệm ra rằng khi làm một kiến trúc sư, tôi không chỉ vận dụng vốn kiến thức chuyên môn trong 4, 5 năm đại học mà rất cần những trải nghiệm khác, trong suốt quá trình phát triển bản thân. Và chính những thứ thân thuộc, bình dị và giản đơn nhất vẫn là nền tảng, có khi còn là những ý tưởng tuyệt vời để làm nên một ngôi nhà, cho mình và cho đời.
5. KTS Lê Thanh Phong – Group A Architects – Chốn về ở ngoại ô
Tôi sinh ra và lớn lên ở cố đô Huế, trong một gia đình công chức, giai đoạn đất nước còn khó khăn. Vậy nhưng trong ký ức tuổi thơ của tôi vẫn là một quãng thời gian thật đẹp. Đó là những ngày đạp xe đi học, rong chơi với bạn bè, loanh quanh trong thành phố nhỏ với những tò mò, háo hức của một đứa trẻ đang lớn, ham chơi, cứ được đi ra khỏi nhà là thấy vui.
Nhưng thích nhất vẫn là những dịp rảnh rỗi, cả gia đình cùng kéo nhau ra căn nhà vườn ở ngoại ô. Khi người lớn đi thăm hỏi bà con rồi tụ tập trò chuyện nấu ăn thì bọn trẻ chúng tôi thỏa thích chơi đùa: tắm sông, thả diều… Đó là thời khó khăn, nhu cầu đơn giản, tiện nghi thiếu thốn nên chưa có khái niệm đi du lịch, nghỉ dưỡng nhưng tụ tập về căn nhà ngoại ô cuối tuần cũng là niềm vui không chỉ của bọn trẻ chúng tôi mà cả của người lớn.
Rồi những đứa trẻ lứa tôi lớn lên, đi xa. Người lớn thì già đi. Nếp sống thay đổi. Căn nhà ngoại ô ấy cũng dần hoang phế. Đứa trẻ tôi ngày xưa giờ làm công việc thiết kế kiến trúc, mỗi khi có dịp về thăm lại chốn cũ thấy rưng rưng kỷ niệm.
Những lúc ấy, tôi vẫn nghĩ mình sẽ làm một điều gì đó với ngôi nhà, nhưng công việc và những cách trở khiến tôi vẫn còn nợ căn nhà một lời hứa. Mãi cho đến thời điểm này, khi đã hành nghề kiến trúc khá lâu, tôi mới có cơ hội để “trả nợ”, món nợ của những kỷ niệm.
Khu vực ngoại ô của Huế xưa bây giờ đã khác. Quá trình đô thị hóa, phân lô bán nền cũng tác động đến diện mạo của các ngôi nhà vườn. Làm thế nào để giữ lại khu vườn và ngôi nhà xưa? Đó là điều tôi trăn trở. Phải tìm một giải pháp để khai thác hiệu quả, sinh lợi từ khu vườn nhưng không tác động quá nhiều đến hiện trạng sẵn có, đặc biệt là giữ được tinh thần của ngôi nhà – giống như chốn đi về của thời ấu thơ?
Với tất cả những vấn đề đặt ra, có thể xem đồ án cải tạo ngôi nhà này được hình thành từ ký ức tuổi thơ. Cùng với việc đặt vào khu vườn một vài khối kiến trúc nhỏ, công năng và hoạt động theo mô hình garden homestay, tôi dành hẳn một căn để làm nhà nghỉ dành riêng cho gia đình, một không gian thân quen với hiên nhà, gốc chuối.
Căn nhà nằm ở cuối khu vườn trong dự án garden homestay, có khu sinh hoạt chung bao gồm cả nơi ăn và gian bếp. Không gian riêng là các phòng ngủ, khu vệ sinh… tất cả được bố trí cô đọng trong một mặt bằng hình chữ nhật với hàng hiên bao quanh, mở ra khu vườn cây trái xanh tươi.
Không gian thân thuộc và đậm tính địa phương được thể hiện bằng ngôn ngữ kiến trúc đương đại, thân quen mà tươi mới. Hình khối căn bản, đường nét gọn gàng, vật liệu thân quen tạo nên vẻ giản dị bên ngoài nhưng nội thất lại quyến rũ với đồ đạc mộc mạc và tinh tươm. Từ trong nhà mở tầm nhìn ra khu vườn với những góc nhìn như những khung hình đẹp. Sự hài hòa của bức tranh thiên nhiên – kiến trúc – con người tạo nên tổng thể yên bình và cuốn hút.
6. KTS Nam Phan – Atelier k59 – Chiếc hộp người
Cứ mỗi dịp giáp tết, tôi lại theo những chuyến xe cũ kỹ từ Sài Gòn về thăm quê ngoại. Không gian trong xe lúc nào cũng chật chội nóng nực, mọi người tranh nhau những chỗ ngồi cạnh cửa sổ mặc cho khói bụi bên ngoài. Mùi mồ hôi, mùi động vật, mùi quần áo cũ… khiến cho không khí càng ngột ngạt. Nhưng lúc ấy, ký ức về ngôi nhà cũ lại hiện về.
Tôi luôn có một nỗi ám ảnh về những khoảng không cùng tỷ lệ và những giấc mơ hằng đêm về những mảng trống. Với tôi, ngôi nhà cũ vừa thân thương vừa ám ảnh. Nó thật sự không toàn là ký ức đẹp. Một ngôi nhà đầy ắp người ai cũng muốn thoát ly nhưng không thể.
Đó là một không gian rất nhỏ, nhưng nhiều hộ gia đình vẫn phải chia sẻ với nhau: gia đình tôi với ông bà ngoại và gia đình dì út. Hướng thông thoáng duy nhất chính là ô bông gió thông ra bếp, nơi mà tôi vẫn hay trèo lên bàn nhìn ra và hít hà mùi đồ ăn bà ngoại đang nấu. Cuối một hành lang dài và hẹp, không gian bếp được mở ra với thông tầng lớn, ngang tầm mắt là một bồn nước lớn, bên dưới là các không gian thiết yếu: bếp nấu, dãy kệ tủ bếp đen kịt bồ hóng và hai toilet chung cho cả nhà.
Với tôi, cái kho phía trên toilet và dưới bồn nước là một thiên đường vật dụng. Ở đó có nhiều thứ hay ho: chiếc nôi bằng mây, hai chiếc đèn dầu cũ hay thùng quân dụng của ngoại chứa đầy những thứ linh tinh. Với tôi, căn bếp lúc nào cũng đặc quánh mùi khói đã trở thành kỷ niệm khó quên. Cầu thang lên tầng lửng là sự kết hợp của nhiều thứ vật liệu: tay vịn bằng gỗ, bậc bằng sắt bắc lên một bệ bê tông ốp gạch tàu. Tầng lửng là nơi mà mỗi tối, ông bà ngoại và bốn đứa cháu nằm xếp lớp, suốt 20 năm.
Sự riêng tư là thứ gì đó thật sự xa lạ với tôi, đến mức khi cầm đề bài thiết kế về không gian phòng ngủ riêng ở năm thứ nhất đại học, tôi vẫn thấy hết sức lạ lẫm. Với tôi, chỗ ngủ không chỉ để ngủ, đó còn là nơi tôi có thể nghe bà hát vọng cổ hằng đêm. Đến giờ, thỉnh thoảng tôi có thể ngâm vài câu vọng cổ quen thuộc của nghệ sĩ Út Bạch Lan hay nghệ sĩ Kim Tử Long, có lẽ cũng nhờ bà và từ căn gác ấy.
Sau này, khi gia đình tôi được dọn lên tầng áp mái, tôi đã trải qua một quãng thời gian thật sự hạnh phúc, bởi ở đó tôi còn được ngắm trăng sao mỗi tối. Tầng áp mái nối với tầng lửng qua một hành lang nhỏ và một cầu thang gỗ. Tôi vẫn còn nhớ đến độ mịn, độ bóng của tay vịn cầu thang (nhờ tôi hay trượt trên đó thay vì đi trên những bậc thang). Và, mỗi bậc thang với tôi là những kỷ niệm riêng, dẫu các nét vẽ trên mỗi bậc thang đã mờ dần theo năm tháng.
Phòng áp mái nên mùa nào cũng cực. Mùa nắng thì rất nóng, mùa mưa thì rất ồn và lạnh. Tuy vậy, nghe tiếng mưa riết rồi cũng quen, còn ghiền. Mỗi lần mưa lộp độp, tôi lại vùi trong chăn, ngủ ngon hơn. Những ngày mưa đầu mùa, bố tôi thường leo lên mái để trám lại những vết dột. Tôi luôn ao ước được leo lên đó để ngắm nhìn thành phố. Rồi cũng có dịp lên. Độ dốc, vật liệu khác nhau của các mái lân cận tạo nên một nhịp điệu vô cùng thú vị về những khu ổ chuột Sài Gòn. Nhà tôi như chiếc hộp, cũng lọt thỏm và chen chúc với lô nhô cao thấp…
7. KTS Nguyễn Quý Nhơn – NQN Architects – “Ngôi trường” ký ức
Tuổi thơ, nơi tôi sống là một làng quê nhỏ ở miền Trung, nơi mà tôi nghĩ mình đã may mắn được sinh ra và lớn lên, được học tất cả về kiến trúc từ đó, sau này trường học và quá trình hành nghề chỉ giúp tôi hệ thống lại.
Khi còn nhỏ tôi sống với bố mẹ và ông bà. Nhà ông bà tôi và hầu hết các nhà trong làng đều có bố cục tương tự nhau, sân trước rộng để sử dụng vào mỗi mùa thu hoạch (phơi lúa, thóc, đậu, bắp…), là nơi tiệc tùng mỗi khi giỗ chạp cưới hỏi. Sau nhà là vườn rau với nhiều loại rau trồng xen kẽ cùng các cây ăn trái như xoài, mít, ổi, mận. Ranh giới giữa các gia đình với nhau là những bờ dậu, hàng tre. Cổng không bao giờ đóng.
Nơi tôi sống, không gian xanh bao bọc xung quanh. Trước nhà là cánh đồng lúa, mỗi mùa đều mang những vẻ đẹp khác nhau. Tôi và bọn bạn hay đá banh, bắt cá, đốt đuốc vào buổi tối sau mỗi mùa gặt. Ở đó tôi được trải nghiệm trong không gian rộng lớn. Mặt đất, bầu trời, trăng, và cái tôi nhỏ bé cùng tồn tại. Sau nhà là một nghĩa địa lớn, nơi có các ngôi mộ với nhiều thời kỳ cũ, mới.
Từ nghĩa địa này, tôi được tiếp cận với nhiều vật liệu khác nhau, các loại đá, gạch, các hình khối từ đơn giản đến kỳ quặc, các loại font chữ, câu đối… Không đáng sợ như mọi người vẫn nghĩ, bọn trẻ chúng tôi hay chơi ở đó. Mỗi dịp tết hay tảo mộ, nơi đó như một lễ hội.
Hiên nhà, nơi trung gian giữa không gian xanh bên ngoài và không gian sử dụng bên trong, là nơi tôi hay ngồi thơ thẩn ngắm nắng mưa hay nghĩ về ai đó. Với tôi, hiên nhà là một không gian rất hay của kiến trúc nhiệt đới, làm cho nắng, mưa không tác dụng trực tiếp vào không gian sử dụng.
Bếp của bà tôi rất tối, có vài miếng ngói vỡ trên mái. Buổi trưa, lúc bà nấu ăn, tôi hay vào bếp để ngắm những vệt sáng xuyên qua tạo thành những tia sáng dưới khói bếp. Trông như cảnh thần tiên, các vệt sáng và bóng đổ của Tadao Ando thua xa.
Về kết cấu, ấn tượng trong tôi vẫn là những sản phẩm được làm ra bởi ông, cách ông làm nhà cho bò bằng các thanh gỗ thô, rồi các giàn bầu, bí bằng tre, các loại bẫy chim, cá. Ông đan lát rổ, nong, thúng… mà mỗi sản phẩm là những hệ kết cấu phức tạp và tinh tế, nếu phóng to chúng sẽ là những tuyệt tác kiến trúc. Chắc chắn! Hơn tất cả, điều tôi học được từ tuổi thơ là cảm giác thanh bình, bình dị. Thứ vô hình mà tôi cố gắng đem vào trong mỗi thiết kế của mình và là mục tiêu theo đuổi cho cuộc đời.
8. KTS Huỳnh Thị Quốc Hương – Công ty Ong & Ong – Vẽ bức tranh hạnh phúc từ hoài niệm
Tuổi thơ tôi gắn với nhiều kỷ niệm trong căn nhà gỗ dầu có những ô cửa lá sách được đánh bóng để lộ rõ vân tự nhiên, do chính tay ba tôi làm… Một ngôi nhà nhỏ với mặt tiền thật đơn giản nhưng ấm áp. Lúc đó trong xóm có nhiều nhà mới xây với tường ốp gạch bông hoa, tôi hay so sánh rồi thắc mắc sao ba tôi không xây nhà như người ta mà lại làm bằng gỗ. Vậy mà khi phải rời xa nó, đặc biệt là khi nghe ngôi nhà bị giải tỏa để làm đường thì ký ức về ngôi nhà gỗ của ba tôi với những thanh gỗ đơn giản lại trở nên ám ảnh.
Nhớ con mèo mun cứ quanh quẩn trong nhà vệ sinh với hai con mắt xanh lè buổi tối làm tôi sợ không dám đi vệ sinh. Nhớ cái ban công gỗ, nơi tôi hay canh giờ để ra đó hết đứng lại ngồi, ngóng mẹ đi dạy về.
Lớn lên tí nữa thì ngóng anh bạn đẹp trai hay mặc cái áo màu xanh dương với cái xe đạp cũng màu xanh chạy ngang nhà để đi học thêm. Nhớ những chậu hoa cúc vàng rực. Nhớ hương vị ngon của món bò cuộn với nước xốt rượu vang và gừng, bày cùng bánh tráng và các loại rau thơm trên chiếc bàn được trải tấm khăn rất đẹp của mẹ tôi ngày tết. Nhớ cả câu chuyện tình của mẹ, từ một cô nữ sinh Gia Long, thương và về Long Xuyên dạy học cùng ba chỉ vì được ba tôi tặng đôi vớ hoa, tôi nghe mà cảm động lắm.
Ba tôi thì hay chở tôi về nhà nội. Đường về nhà nội rất hẹp, chỉ độ hơn một mét nên mọi người thường la ơi ới khi xe gần tới nhưng vui vẻ tươi cười và nhường nhau đi. Đường tuy nhỏ nhưng lòng người thì rộng. Thỉnh thoảng cũng có xe bị trật đường rơi xuống sông, bà con hô hào giúp nhau kéo lên. Bên đường, nhà nào cũng có bàn thờ thiên bằng gỗ trước sân, trồng nhiều bông trang đỏ, vài cây mai, cây xoài.
Tết đến hoa mai nở vàng rực, đẹp suốt cả đoạn đường dài đến nhà nội. Nhà nội tôi có bộ bàn gỗ dài ở giữa nối với cái tủ thờ, hai bên là hai cái đi-văng rất đẹp. Cứ mỗi lần về thăm nội hay có giỗ là được ăn bánh kẹp, uống nước đậu rang… Đến giờ nhớ lại, tôi còn như đang cảm nhận được hương vị thanh mát nhẹ nhàng của món nước đậu đen của nội.
Trước nhà nội có một nhánh sông nhỏ, bên bờ cũng trồng mai, trồng xoài. Tôi ngồi trong đi-văng ngó ra cây mai, mơ màng nghe tiếng chim hót đâu đó. Có hôm chạy ra tranh mấy thứ đồ chơi nặn bằng đất và mấy cái ná với bọn nhỏ trong xóm. Bị đòn, khóc lóc một lúc lại chạy ra tắm với nhau, cười vang cả một khúc sông…
Khoảng thời gian tuổi thơ ngắn ngủi, sung sướng không nhiều lắm nhưng đã trở thành điểm tựa sâu sắc của tôi, để mỗi khi có những biến cố trong cuộc sống dù lớn hay nhỏ thì tôi cũng đủ sức mạnh để vượt qua, đủ hạnh phúc và khát vọng để mong vẽ nên những bức tranh hạnh phúc cho những ngôi nhà và khu vườn mình thiết kế.
9. KTS Vương Trung Hữu – H.a – Khởi nguồn từ những cảm xúc
Cho tới giờ, cảm giác đó vẫn còn nguyên vẹn, mạnh mẽ mỗi khi nhớ về…
Nhà tôi ở thung lũng của một vùng núi nghèo. Ngôi nhà đầu tiên mà tôi còn nhớ là một mái nhà tranh vách đất xập xệ…
Rồi bố mẹ quyết định xây nhà. Quyết định trọng đại của gia đình mà theo lời mẹ là giống như “tay không bắt giặc”.
Ngôi nhà là sự quyết tâm lớn lao của cả gia đình. Bố mẹ chắt chiu, tằn tiện vay mượn. Anh em chúng tôi, đứa lớn nhất mới học lớp 4 thì đồng lòng tuyên thệ: “Sẽ ăn cơm chan nước mắm và rau lang luộc một năm”.
Sự háo hức từng ngày. Ngôi nhà chưa xong lũ chúng tôi đã nằng nặc đòi vào ngủ cho bằng được. Trên nền cát lót mấy viên gạch, đêm đó, giữa những bức tường còn dang dở mùi vôi, mái chưa lợp xong, cửa thì chưa gắn, anh em chúng tôi đã trải qua những phút giây ngây ngất, trong trẻo và diệu kỳ nhất trong kho tàng ký ức của mình. Đó là cái cảm giác hân hoan, bồng bềnh, chếnh choáng hạnh phúc đến trong từng tế bào, cảm giác mà với vốn ngôn ngữ hạn chế của mình tôi biết sẽ chẳng thể nào diễn tả hết được.
Cảm xúc mãnh liệt đó giống như kim chỉ nam trên con đường làm nghề. Để khi bắt đầu thiết kế mỗi công trình, tôi đều muốn khởi nguồn từ những cảm xúc.
Rồi khi hoàn thành, nhìn vào từng khách hàng và biết rằng vẫn chưa thể truyền tải được cảm giác lên “đỉnh” cho họ như tôi đã từng, thì tôi hiểu rằng, mình còn phải cố gắng nữa, còn nhiều điều phải làm, còn nhiều thứ phải học, còn nhiều lắm…
10. KTS Nguyễn Hà Nam – Plus Idea Studio – Cái hiên nhà quê và khoảng lùi đô thị
“Ám ảnh dịu dàng” là một cụm từ mô tả đúng nhất những ký ức về căn nhà tuổi thơ của tôi. Từ khi còn là một đứa nhóc tôi đã có rất nhiều câu hỏi đặt ra, tại sao NHÀ lại thân thương đến như vậy, tại sao đi xa cứ mong được về NHÀ? Trong muôn vàn điều tôi lại đặc biệt yêu quý CÁI HIÊN NHÀ.
Cái hiên nhà là nơi thường xuyên diễn ra các bữa cơm chiều của gia đình, nơi ba tôi đọc sách, dạy vẽ cho mấy đứa con nít cấp 1. Những khi cúp điện hoặc mùa nóng nực thì cũng không đâu bằng hiên nhà… Với tôi, đây là nơi lưu giữ rất nhiều kỷ niệm về gia đình.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Tây Ninh – có thể gọi là “nửa thôn quê nửa đô thị”, một nơi nắng nóng quanh năm và ảnh hưởng rất nhiều từ đạo Cao Đài. Điều ấy ít nhiều chi phối trong thiết kế nhà ở và nếp văn hóa, sinh hoạt của người dân.
Các căn nhà đều lùi một khoảng sân lớn so với vỉa hè, lề đường rồi mới tới hiên nhà. Đây là một khoảng thở, khoảng riêng tư cho từng hộ gia đình và cũng là nơi kết nối hàng xóm với nhau, chỉ ngăn cách bằng những bụi cây hoặc hàng rào thấp, nơi sáng dậy bước ra cửa chào nhau hoặc tới bữa ăn gọi với sang “xin” trái ớt, trái chanh.
Hiên nhà và phòng khách thường liên hoàn và chỉ ngăn cách bằng những hệ cửa mở, cửa lùa lớn. Đây là một đặc điểm quan trọng, từ ngày xưa chúng ta vẫn luôn hướng về thiên nhiên, về những không gian mở.
Sự kết nối giữa hiên nhà và phòng khách cũng là sự liên hoàn về công năng và không gian trong – ngoài. Khi có những buổi tiệc hay họp mặt đại gia đình, người ta có thể dễ dàng mở rộng không gian sinh hoạt ra những hàng hiên rộng rãi mát mẻ.
Về vật lý kiến trúc, hiên nhà là khoảng lùi để che nắng chắn mưa, điều hòa không khí hiệu quả cho căn nhà. Đây là một phần không thể thiếu trong kiến trúc truyền thống ở các miền nhiệt đới nóng ẩm như nước ta.
Mỗi thiết kế với tôi đều là cơ hội để sống lại ký ức tuổi thơ hoặc gửi gắm những mơ ước của mình. Từ góc độ của một người làm nghề, khi đối diện với các bài toán nhà ở đô thị, có một điều luôn làm tôi suy nghĩ: từ khi nào chúng ta đã tự nhốt mình vào những “hộp nhà” kín bưng, những ngôi nhà với hàng rào cao 3 – 4m, những hàng xóm chung vách nhưng lại cảm thấy xa lạ?
Trong tình trạng “tấc đất tấc vàng” ở đô thị hiện nay, các chủ đầu tư thường mong muốn xây kín cả khu đất, muốn các phòng được chia theo kiểu tận dụng tối đa diện tích. Làm vậy rồi người ta sẽ sống trong những cái hộp kín bưng, không một chút thiên nhiên, không giao lưu với hàng xóm, thậm chí thiếu cả sự tương tác giữa các thành viên trong gia đình.
Tôi vẫn luôn tìm mọi cách thuyết phục chủ đầu tư rằng hãy bớt đi để được nhiều hơn. Chỉ cần BỚT một chút diện tích sinh hoạt, sẽ CÓ THÊM những sân vườn, hiên nhà, thêm sự tương tác với thiên nhiên, thêm tinh thần kết nối giữa các thành viên trong gia đình.
Với tôi, cái hiên nhà quê và khoảng lùi đô thị luôn có sự tương đồng nhất định. Vì vậy, với các ngôi nhà đô thị, được quy hoạch tốt, nếu cả chủ đầu tư và người thiết kế đều có sự chú tâm đúng mực để khai thác khoảng lùi hợp lý thì người ta sẽ có được rất nhiều, cả về tiện nghi lẫn đời sống tinh thần. Khoảng lùi đô thị khi đó cũng giống như một cái hiên nhà quê, là không gian nối kết tình thân.
11. NTK Wèm Trần – Arch A studio – Trên mảnh đất ba sào
Ngôi nhà gỗ gắn liền tuổi thơ tôi nằm lọt thỏm giữa vườn cà phê và các loại cây trái, trên mảnh đất “ba sào” mà ba mẹ tôi rất tự hào vì đã cuốc từng bụi cây dại, cỏ tranh để gầy dựng nên từ ngày mới cưới nhau.
Trước nhà, cặp theo con đường đất đỏ là hàng rào hoa dâm bụt được ba tôi cắt tỉa gọn gàng, bên trong hàng rào là khoảng sân đất được đầm chặt, rất rộng, hầu như nhà nào cũng có một khoảng sân như vậy, dùng cho việc phơi nông sản: cà phê, lúa thóc. Đó cũng là sàn đấu của bọn trẻ chúng tôi với đủ trò bắn bi, đánh trỗng, đuổi bắt, trốn tìm…
Nhà gỗ mái ngói là đặc trưng của vùng quê tôi hồi đó. Toàn bộ hệ khung xương cột và vì kèo đều bằng gỗ, trên những cột gỗ còn in dấu vấp váp búa rìu của thợ mộc địa phương. Chân cột đặt trên những cục đá xanh, cách đất để chống mối mục. Vách cũng là những tấm ván gỗ xẻ xếp ngang, đóng ngàm âm dương thẳng tắp, lâu dần gỗ xuống màu theo thời gian. Trên cùng là một lớp ngói đỏ lợp dốc chống chọi với mưa nắng cao nguyên.
Không gian trong nhà bố trí đơn giản, đồ nội thất mộc mạc gọn gàng. Theo sắp xếp của ba tôi thì ba gian chính là nhà trên, nhà dưới và bếp. Không kể nhà vệ sinh và nhà tắm nằm tách biệt hoàn toàn.
Ở gian nhà trên, chỗ tiếp khách đối với ba tôi là quan trọng nhất. Ông đặt vào đấy bộ salon và chiếc tủ búp phê bằng gỗ chạm trổ nhiều họa tiết – đây cũng là món đồ gỗ hiếm hoi trong nhà được đánh vẹc-ni. Gian nhà trên cũng là nơi duy nhất được láng nền xi măng.
Nền xi măng lúc ấy ở quê là sang lắm rồi, ít tiền nên chỉ dành cho gian nhà trên. Ngày nào mẹ tôi cũng lau sàn đến bóng lưỡng, nổi lên màu xanh rêu xám, mát rượi… Tôi thường lăn ra nằm ngủ trong những buổi trưa hè nóng bức.
Ở gian nhà dưới, ba tôi đặt một cái bàn và hai cái ghế băng dài. Mỗi sớm, ông hay ngồi uống cà phê trước khi đi rẫy. Còn có chiếc xe đạp Phượng Hoàng và đôi quang gánh, phương tiện đi chợ của mẹ tôi, chúng tôi cũng lớn lên nhờ đôi quang gánh này. Gian nhà dưới có nền đất đỏ rải tro, đầm rất chặt, in hằn vết thời gian đi lại trong nhà.
Gian này với tôi như một phòng trưng bày của tuổi thơ. Hồi học lớp ba, tôi bắt đầu tập tẹ vẽ vời, sao chép lại những nhân vật truyện tranh ưa thích lên những tờ giấy ô li rồi dán trên tường. Ba tôi cũng treo những bằng khen học tập của anh em tôi. Đây là không gian mà ba tôi cho phép tôi tự tiện dán những hình vẽ ngây ngô.
Bếp là gian thấp nhất trong nhà, là không gian của mẹ. Bếp kiềng ba chân, nấu củi. Giờ nhắc lại, tôi vẫn mường tượng thật rõ hình ảnh khói bay thoang thoảng, tiếng lửa tí tách, tiếng lách cách nồi niêu xoong chảo của mẹ và mùi đồ ăn thơm lừng.
Mùa đông với cái lạnh Tây Nguyên, sáng sớm tôi thường sà xuống bếp hơ tay và chuyện trò với mẹ. Đặc biệt, dịp tết cũng là lúc ba tôi xuống bếp với nồi bánh tét, tôi nhớ, năm nào cũng ngồi với ba tới khuya canh chờ bánh chín.
Những ký ức về căn nhà xưa qua năm tháng vẫn còn đọng lại trong tôi, và đó là những kỷ niệm riêng. Với tôi, mỗi ngôi nhà sẽ mang một nét cảm riêng, có giá trị và tình cảm với mỗi cá nhân sống trong đó.
Vì vậy khi làm thiết kế nội thất, tôi chú trọng việc tạo ra đời sống tiện nghi cho gia chủ và luôn luôn để những khoảng trống cho họ điền vào, bằng cá tính và cách sống của họ. Tôi tin rằng đứa trẻ nào cũng có câu chuyện riêng về không gian tuổi thơ của mình, như tôi, đó là câu chuyện về ngôi nhà trên mảnh đất ba sào.