Đang chuẩn bị làm nhà, tôi có vài thắc mắc mong được Nội Thất giúp giải đáp: khu đất làm nhà có hai mặt tiền đường, thêm một mặt hậu (hẻm sau) thì có cần làm các mặt giống nhau về kiểu dáng và quy cách vật liệu, hay chỉ làm tập trung cho mặt tiền nào hợp với tuổi gia chủ? Phần mái nhà nên làm cầu kỳ hay đơn giản – vì tôi nghe nói nếu cất nóc không kỹ lưỡng sẽ có tác động xấu về mặt phong thủy.
Phạm Hoài Phương (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng)
Về cơ bản một ngôi nhà (nhất là dạng nhà phố hay biệt thự) được xem như một khối lập phương sáu mặt, gồm bốn mặt chung quanh và hai mặt trên – dưới. Tuy nhiên có những loại nhà chỉ có một mặt trước (nhà phố liền kề) hoặc phía trên và phía dưới là nhà khác (nhà chung cư). Phong thủy xưa nay có quan niệm chung để mỗi nhà tùy hoàn cảnh mà ứng dụng – đó là nên hoàn thiện nhà đầy đủ theo khả năng và đúng với chức năng của tất cả diện tiếp xúc của mỗi công trình, tức là có chính có phụ, không đổ đồng giống nhau được.
Về cơ bản mọi bề mặt của khối nhà tiếp xúc với môi trường đều cần chú ý việc hoàn thiện vì sự tác động ngoại khí sẽ luôn ảnh hưởng lớn đến người sống bên trong. Ngay cả mặt dưới (nền nhà) của nhà xây dựng trên mạch nước ngầm hay nhà sàn dạng tạm bợ nếu không được làm kỹ sẽ lún sụp, ảnh hưởng đến địa khí của nhà và sức khỏe gia chủ. Trước đây, các biệt thự được thiết kế theo kiểu nhà thuộc địa luôn chú ý đến yếu tố khí hậu nhiệt đới, nên đều có hầm chống ẩm, nền tầng trệt được nâng cao so với bên ngoài, tường dày 30cm – 40cm để ngăn tác động của mưa, gió, nắng gắt, ẩm mốc hay tiếng ồn. Ngôi nhà thời đó dù không sử dụng vật liệu đắt tiền, chỉ được quét vôi, mái lợp ngói nhưng vẫn đạt sự hoàn thiện bao cảnh từ nhà cho đến cổng, tường rào, sân… đúng với nguyên tắc phong thủy.
Đa số nhà phố hiện nay có sân thượng, nhưng nếu chỉ làm mái bằng, thiếu quan tâm đến hiệu suất sử dụng, chống thấm, chống nóng thì sẽ khiến mặt trên trở nên hoang phế, “nhà dột từ nóc”. Giải pháp “mái chồng mái” là cách làm vừa hợp về phong thủy vừa tốt về kỹ thuật, vì có thể khai thác hiệu quả sân thượng cho hệ thống kỹ thuật (bồn nước, năng lượng mặt trời, sân phơi, ăng-ten…) cũng như tạo che chắn tốt. Về các bề mặt chung quanh, không chỉ có mặt tiền cần chú ý hoàn thiện mà những mặt sau (phần thông hành địa dịch hay mặt bên hông) đều phải nghiên cứu phù hợp theo hướng khí hậu, hướng giao tiếp, hướng mệnh trạch gia chủ. Cần lưu ý: không bao giờ các mặt ngoài nhà lại có thể giống hệt nhau, vì hướng nắng gió tác động khác nhau, không gian bên trong khác nhau, điểm nhìn và nội khí, rồi tầm nhìn từ trong ra cũng khác nhau, đòi hỏi có sự quan tâm vị trí trổ cửa, chỗ nào có ban công, chỗ nào làm đặc, chỗ nào rỗng, chỗ nào cài bồn hoa… tùy theo đặc điểm cụ thể của mỗi nhà.
Nói cách khác, ngôi nhà cũng như con người, trước sau trái phải trên dưới (theo nghĩa đen) đâu thể nào giống nhau. Tùy cấu trúc cụ thể mà chọn cách ứng xử phù hợp chính là tạo nên môi trường sống hài hòa tự nhiên, bền vững và an lành.