Tết Nguyên đán khởi đầu cho một năm mới theo Âm lịch; những ngày đầu xuân mới đối với người Việt rất thiêng liêng nên thường gắn với những mong ước tốt lành mà một trong biểu hiện đó là tục lệ xin chữ và chơi tranh chữ. Đó là một nét văn hóa tâm linh của người Việt được thừa kế và tiếp biến từ thuở xưa cho đến ngày nay.
Cùng với khai bút đầu năm, xin chữ và cho chữ vào ngày Tết Nguyên đán cổ truyền thể hiện tinh thần trọng văn, qua đó gia chủ mong muốn xin được con chữ lấy may mắn, cầu một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà. Ngày xưa các ông đồ thường viết chữ Nho, nay có thêm thư pháp chữ quốc ngữ, giúp các thầy đồ thời hiện đại tha hồ thả hồn theo nét bút để tặng chữ với nội dung phù hợp ước nguyện của người xin chữ.
Người xin chữ – người cho chữ
Xưa kia muốn xin chữ, người ta chuẩn bị một lễ nhỏ (với lễ vật là cau trầu, chè thuốc) đến nhà thầy đồ – thường là các nho sĩ hay chữ trong vùng, được nhiều người kính trọng. Người xin chữ được thầy đồ xem xét tâm tư nguyện vọng mà cho chữ thích hợp. Mỗi chữ viết ra bằng cả trí – thần – lực của thầy đồ nên ngoài nội hàm còn là tác phẩm nghệ thuật thư pháp. Gia chủ xin được chữ như xin được may mắn, phúc, lộc cho năm mới. Có lời đồn là ai không đi xin chữ nhưng lại được thầy đồ gọi vào cho chữ mới thật là có “lộc chữ”, cả năm sẽ đạt được nhiều điều tốt lành, như ý.
Người xin chữ thường được thầy đồ họa cho chữ “Đức” chữ “Tài” hay chữ “Tâm” chữ “Nhẫn” để con cái có tài có đức, giỏi giang. Xin thầy chữ “Phúc” hay chữ “Cát tường” để mong gia đình bình an, hạnh phúc. Còn muốn đuổi tà ma, quỷ giữ thì xin thầy mấy chữ “Thần Trà/ Uất Lũy” để dán ở cửa nhà… Xin chữ là nét đẹp văn hóa tâm linh, chỉ một chữ treo trong nhà để ngày ngày ngắm nhìn mà tác dụng về mặt đạo đức và lối sống đối với con người có khi còn có giá trị hơn những lời rao giảng sáo rỗng. Có dịp quan sát người cho chữ và xin chữ, để suy nghiệm trong tĩnh thức, ta càng nhận ra vẻ trang trọng và sự nghiêm túc của mối tương giao này. Không thể ai biết chữ cũng cho chữ được. Người cho chữ phải hiểu chữ và hiểu cả người xin chữ. Gương mặt nết người, nét chữ nết người. Người xin chữ thì tin về tâm linh, lòng có thành đức mới sáng. Chữ nghĩa thầy cho là để gánh vác, để bươn chải mà vươn lên cho thành đạt chứ không phải trò xổ số cầu may. Có được như vậy người cho chữ mới đáng mặt chữ, người xin chữ mới đáng hồn chữ. Và những người của muôn năm cũ sẽ lại về cùng con cháu mỗi độ hoa mai, hoa đào nở mang lộc chữ đến cho muôn nhà. Bằng không cũng chỉ như nước đổ bèo trôi chữ nghĩa trả thầy.
“Nét chữ” – “nết người”
Hiểu theo nghĩa rộng thì thư pháp (tranh chữ) là môn nghệ thuật viết chữ trong tổng thể của nó bao gồm lịch sử các thể chữ cũng như kỹ thuật viết mỗi thể chữ đó và các chất liệu thể hiện khác nhau. Theo nghĩa hẹp thì đó là cách thể hiện chữ viết bằng bút lông sao cho thẩm mỹ và sáng tạo, qua đó có thể toát lên phẩm cách, tư chất, tài năng của người viết chữ. Có lẽ vì vậy, nghệ thuật thư pháp là một tập hợp những quy tắc vận bút phức tạp để cho nét chữ thực sự có hồn và mang được dụng ý thâm sâu. Một nhà thư pháp dẫu lão luyện đến đâu cũng phải trải qua một quá trình luyện tập lâu dài mới chế ngự được từng nét bút. Điều đó thường được đồng nhất với sự tự sửa mình cả về góc độ nhân cách và tài năng.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, dẫu nghệ thuật thư pháp chữ Việt còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng sự học và sáng tác đều có thể giúp người ta tu tâm dưỡng tính. Thật vậy, để có một tác phẩm đẹp, hài hòa đòi hỏi người viết không chỉ cần khả năng sắp xếp bố cục cho tốt và có con mắt nhanh nhạy, lãng mạn của một họa sĩ đi cùng sự cần cù khổ luyện sao cho đôi tay thật khéo léo để từng nét bút chính là cốt cách của cá nhân, có thể là phóng khoáng, bay bổng hoặc là cứng rắn, mạnh mẽ, không lẫn với ai khác. Còn với người chơi tranh chữ, vẻ đẹp và sự độc đáo của nó giúp họ thêm yêu hơn tiếng Việt và chữ Việt. Nhất là với những người trẻ, sự đam mê luyện tập giúp họ nhận ra rằng “nét chữ” thực sự là “nết người” để rồi dần rời xa trào lưu viết chữ dạng que, gậy hoặc dạng chữ ký hiệu thời công nghệ.
Dù cho cuộc sống có đổi thay, phát triển như thế nào thì việc xin chữ hay chơi tranh chữ trong những ngày đầu xuân là một nét đẹp sẽ mãi tồn tại và không bao giờ biền mất.
- Bài Giang Phong – Nhà báo – họa sĩ, nguyên Chủ nhiệm CLB Thư pháp Bút Việt (TP.HCM)