Từ lâu, ngành du lịch Thanh Hóa gắn liền với những điểm đến nổi tiếng như biển Sầm Sơn, thành nhà Hồ, khu du lịch Lam Kinh, suối cá Cẩm Lương… và gần đây là sông Mã, dòng sông đã đi vào văn chương với bài thơ Tây Tiến bất hủ của nhà thơ Quang Dũng. Sông Mã dài 512km, trong đó đoạn chảy qua Điện Biên, Sơn La và nhiều huyện ở Thanh Hóa có chiều dài 410km, phần còn lại 102km thuộc nước Lào.
Tour du lịch trên sông Mã ra đời lần đầu năm 2015 với chỉ một chiếc tàu, chủ yếu phục vụ khách mùa hè. Theo ông Nguyễn Huy Khoáng, Giám đốc Trung tâm Phát triển Du lịch sông Mã, hiện nay trung tâm đã phát triển lên bốn chiếc tàu, mỗi chiếc sức chứa từ 50-150 khách. Tàu vừa là phương tiện đưa du khách tham quan, vừa là nhà hàng, có sân khấu xem văn nghệ, có tàu chia thành các phòng riêng được trang bị tốt.
- Xem thêm: Ngược sông Mã đến thăm Mường Lát
Các tuyến điểm tham quan chính trong hành trình “Ngược xuôi sông Mã” gồm phía bờ nam sông Mã nổi tiếng với thiền viện Trúc Lâm, phía bờ bắc với đền Nghè Yên Vực thờ thần Tam Kỳ Ngu Giang và phủ Vàng thờ Mẫu Liễu Hạnh; đền cô Bơ ở ngã ba Bông là nơi người dân xứ Thanh cho rằng một tiếng gà gáy cả sáu huyện đều nghe (gồm các huyện Vĩnh Lộc, Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa và Yên Định). Các danh lam thắng cảnh nổi tiếng đưa khách tham quan gồm cầu Hàm Rồng nổi tiếng lịch sử thời kỳ chiến tranh, chùa Sùng Nghiêm, Phủ Vàng, đền cô Bơ, hang Mắc Rồng, thiền viện Trúc Lâm, làng cổ Đông Sơn, động Tiên Sơn…
Hiện có ba đường tour du thuyền phục vụ du khách, gồm có “ngược” và “xuôi” sông Mã, với điểm khởi đầu và kết thúc là bến tàu Hoàng Long nằm cạnh cầu Hàm Rồng. Hành trình khám phá sông hấp dẫn nhờ không gian sông nước thơ mộng yên bình, mát mẻ từ gió và nước từ sông. Bên cạnh đó, các tuyến điểm tham quan ven bờ cũng khá phong phú. Đầu tiên phải kể đến thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng diện tích 9ha với các hạng mục được đầu tư lớn như Nhà Tổ, khu chánh điện… Thiền viện nằm trên ngọn đồi cao nhìn ra sông và cánh rừng thông xanh mướt. Đây vừa là chốn tâm linh chiêm bái vừa là điểm tham quan được nhiều người dân trong tỉnh lẫn du khách yêu thích.
- Xem thêm: Về Thanh Hóa thăm di tích Lam Kinh
Cách đó không xa, làng cổ Đông Sơn cũng tạo nên nét riêng của du lịch xứ Thanh. Đông Sơn là làng Việt cổ, đại diện văn hóa Đông Sơn, trống đồng Đông Sơn, vị thế làng nằm giữa thung lũng, mang yếu tố phong thủy âm dương hòa hợp giữa đồi núi, sông. Làng hiện còn lưu giữ cổng xây từ xưa, trên 13 ngôi nhà cổ, trong đó có ngôi nhà của cụ Lương Trọng Duệ trên 200 năm là điểm tham quan thú vị. Những tuyến điểm khác như động Tiên Sơn; đền cô Bơ (thờ hóa thân mẫu Liễu Hạnh, nơi khách đến dâng hương và tìm hiểu đạo Mẫu xứ Thanh) cũng góp phần tạo thêm sức hút cho hành trình ngược xuôi sông Mã.
Tham gia tour, chúng tôi còn có thêm trải nghiệm về ẩm thực rất đáng nhớ được chế biến và nấu ngay trên tàu, gồm các món dân dã mà nguyên liệu chính được đánh bắt, trồng từ ven bờ sông Mã, như tôm sông rau má, dê ủ trấu đặc sản Nga Sơn (phải mất ba giờ để thịt chín thơm lừng), gà ri hấp, cá lăng nấu lá chua, thịt trâu, cá bống sông Mã… Tất cả đều rất thơm ngon bổ dưỡng. Khi tàu lênh đênh trên sông nước, du khách được nghe người con xứ Thanh trổ tài biểu diễn đàn ca hát múa với những tiết mục, làn điệu nổi tiếng trong vùng thông qua cách diễn đạt bằng dân ca Thanh Hóa, hò sông Mã, chèo văn, chèo cải, ca công…