Những điểm chúng ta tiếp xúc thường xuyên nhất trong ngôi nhà của mình là nền, sàn nhà cùng các vật dụng bố trí trên đó. Thế nhưng dường như chúng ta lại ít quan tâm xem từng bước chân của mình có gặp trở ngại gì không khi di chuyển từ ngoài vào trong. Theo quan điểm phong thủy hiện đại thì một ngôi nhà có hợp phong thủy hay không liên quan chặt chẽ đến việc xử lý sàn nhà.
Khoảng trống và bề mặt
Việc giữ các khoảng trống trên sàn nhà sẽ giúp giảm thiểu các vùng đọng bụi và tù hãm khí, đồng thời do có thể đến được những nơi ấy (và cũng dễ lau chùi dọn dẹp) nên phần các khu vực sàn trống trải sẽ luôn có sinh khí. Sàn nhà vốn là kết cấu tĩnh nhưng lại luôn luôn bị động do chịu sự tiếp xúc hằng ngày với con người, là phần âm (thấp dưới chân người) nhưng bề mặt đón dương quang (ánh sáng) và nâng đỡ mọi hoạt động trong ngôi nhà. Âm – dương tác động qua lại cộng với đồ đạc đè nặng lên sàn nhà theo quy luật về trọng lực khiến việc bố trí vật dụng theo mặt bằng quyết định luôn tính chất của toàn bộ không gian. Vì vậy cần kiểm tra các bề mặt sàn để nhận diện được những bất an tiềm ẩn và các vật dụng bố trí trên đó.
Đầu tiên là kiểm tra cảm giác bề mặt: trơn hay nhám, bóng hay mờ, bằng phẳng hay nghiêng dốc, có những gờ và bậc lên xuống… Tất cả đều là nguyên nhân gây trơn trượt, lỡ bước, va vấp mà khi thiết kế và thi công rất cần lưu ý bên cạnh vẻ đẹp hay kiểu cách của vật liệu lót sàn. Những vị trí tiếp nối giữa các sàn nhà lát vật liệu khác nhau cũng cần quan tâm để đảm bảo tính thống nhất, chuyển tiếp hay nhấn mạnh về không gian. Phần bàn chân của con người vốn thuộc âm nên cần sàn nhà phải luôn ấm áp (ví dụ sàn gỗ, thảm hay gạch đất nung là những sàn ấm còn đá granite là sàn lạnh nên chỉ dùng ở sảnh đông người).
Cho sàn nhà an toàn
Có thể căn cứ theo các tiêu chí cơ bản mà kiến trúc cần đạt (thích dụng, bền vững, kinh tế và thẩm mỹ) để chọn giải pháp cho sàn nhà hợp phong thủy và nội thất, cụ thể:
Thích dụng: không nên chọn một vật liệu lát sàn chỉ vì đẹp, hãy nghĩ đến việc ai sẽ đi lại cũng như các sinh hoạt diễn ra ở nơi ốp lát ấy (ví dụ: sàn bếp không thể giống như sàn phòng ngủ được). Các đồ vật bố trí trên sàn nên xem xét giảm thiểu như quan điểm của chủ nghĩa tối thiểu (minimalism) để tạo sự thoáng đãng cho ngôi nhà. Mặt khác, sàn nhà cũng là một thành phần trang trí nên những đồ vật trang trí rườm rà có thể sẽ không cần thiết.
Bền vững: sàn là nơi chịu nhiều áp lực nhất trong nhà, trong khi tường hay trần có thể dễ thay đổi hơn là sàn, vì thế cần chọn những vật liệu có tính bền vững cao và về hình thức cũng ít phải thay đổi nhiều. Ví dụ sàn gạch bông hiện nay vẫn rất phù hợp vì bền chắc và dễ phối hợp với các vật dụng, trong khi sàn gạch ceramic thì phong phú về mẫu mã hơn nhưng cũng đòi hỏi phải lựa chọn kỹ càng hơn.
Kinh tế: về mặt phong thủy, sàn nhà kinh tế ít làm gia chủ hao công tốn của trong quá trình sử dụng và bảo trì, ít ngóc ngách, ít các khe nối hay “lên bờ xuống ruộng” gây trở ngại cho người sử dụng.
Thẩm mỹ: sàn cần có sự hài hòa về âm dương, ngũ hành và cảm nhận của người sử dụng. Ví dụ phòng ngủ dùng sàn gỗ hay gạch màu ấm, màu thuộc hành Mộc, Thổ hay Thủy (như vàng, xanh lá cây, xanh dương…), tránh dùng nhiều hành Hỏa gây nóng nực hay hành Kim gây cảm giác lạnh lẽo.
Đồng bộ và hài hòa
Trong một ngôi nhà mà gạch lát nền thay đổi liên tục, không liên quan gì với nhau về độ nhẵn hay bóng, màu nóng – lạnh lộn xộn, hoa văn thiếu đồng nhất… thì dù là gạch đắt tiền đi nữa, vẫn khó tạo ra được khả năng dẫn dắt và liên kết không gian. Ngược lại, nếu chỉ dùng một loại vật liệu ốp lát cho tất cả các không gian thì cũng thật đơn điệu, không phân biệt được chính – phụ, dẫn đến ngôi nhà thiếu sinh động. Quan điểm dung hòa là chọn cách hoàn thiện có dẫn dắt và chuyển tiếp sao cho tự nhiên và hài hòa âm – dương tốt hơn.
Với gạch ốp lát, những không gian chính, đối ngoại và giao tiếp nhiều như phòng khách, phòng sinh hoạt nên dùng loại khổ lớn, những không gian phụ, riêng tư dùng gạch khổ nhỏ hơn; các vị trí tiếp giáp hoặc thay đổi không gian cần dùng gạch viền hay đá để vừa phân cách vừa chuyển tiếp. Kiểu cách lát gạch còn góp phần thay đổi sắc thái nội thất và cảm quan thị giác, như lát xoay chéo kéo dãn không gian, lát thẳng và viền tăng sự trang trọng. Theo kinh nghiệm phong thủy xưa nay, nên chọn một vài loại vật liệu ốp lát mang tính chủ đạo, sau đó điểm xuyết những loại đặc biệt khác để tạo sự nổi bật tốt hơn.
Gia tăng khí bằng điểm nhấn
Gia tăng khí là cách để khí phát huy tại những không gian giao thông, không gian trang trọng hay không gian đối ngoại. Ví dụ: dùng một tấm thảm lát đá hay gạch khác màu tại lối vào để tăng tính thu hút, hay len gạch chân tường đậm màu để tạo độ vững chắc. Các điểm nhấn có thể chọn lựa tùy theo không gian và phải căn cứ vào thực chất sử dụng. Ví dụ: ở gian bếp thì điểm nhấn nên xoay quanh vùng soạn thức ăn và tủ bếp, khoảng trống giữa bàn ăn và kệ bếp nhằm tạo sự sinh động. Trong khi đó nếu làm một “tấm thảm” nhấn bằng gạch tại giữa phòng khách hoặc phòng ngủ thì khi kệ bộ salon hoặc giường ngủ vào có thể sẽ che khuất sàn, mất tác dụng của “tấm thảm” đó. Những trường hợp này, điểm nhấn chính là lối đi ở khoảng trống mà gia chủ hoàn toàn có thể tính toán từ đầu.
Cũng có thể tạo gia tăng khí bằng cách thay đổi chất cảm bề mặt sàn, chẳng hạn trên một sàn nhà lát gỗ đặt một tấm thảm mềm dưới bộ salon hoặc giường ngủ. Với cùng một loại gạch hay đá, có thể thay đổi độ nhám để tránh sự nhàm chán, nhấn mạnh lối đi. Một số chủng loại vật liệu ốp lát có sự phối hợp theo cặp tương phản: có thể lát đan xen carô hay nhấn đột biến vừa hài hòa vừa không đơn điệu, ví dụ: mảng gạch nổi bật trong cùng một tông màu và họa tiết, hoặc thảm trải sàn đơn sắc có một vài chỗ nhấn hoa văn nổi bật hơn. Với những vị trí chuyển tiếp trong ngoài thì điểm nhấn có thể hiểu như cách viền hoặc kết thúc một khu vực vật liệu, chuyển sang vật liệu khác, giúp sàn nhà trông sang trọng và chuẩn mực hơn.
- Ảnh Xuân Trang