Khi mà nhân loại đang phải đối mặt với những thảm họa môi trường thì vấn đề phát triển bền vững là yếu tố mang tính giải pháp cốt lõi, trong đó “công trình xanh” đang là xu hướng trên thế giới và các thực nghiệm cho thấy rất hiệu quả. Nhưng ở Việt Nam, khái niệm công trình xanh còn khá mới mẻ. “Hội thảo LEED – xu hướng phát triển công trình xanh tại Việt Nam và trên thế giới” do Công ty Kohler phối hợp với CLB Kiến trúc Xanh TP.HCM tổ chức vào đầu tháng 10 là một hoạt động rất cần thiết. Diễn giả của hội thảo, ông Joseph Azzarello – kỹ sư cấp cao, bộ phận phát triển bền vững của Công ty Kohler, đồng thời là giảng viên đào tạo chứng chỉ LEED thuộc Hội đồng công trình xanh Hoa Kỳ (U.S Green Building Council – USGBC) đã dành cho Nội Thất cuộc trao đổi thú vị. Ông nói:
Ý tưởng thành lập USGBC bắt đầu vào năm 1992, bởi ba thành viên. Một người bên lĩnh vực phát triển bất động sản, một làm về luật môi trường và người còn lại làm marketing cho một tập đoàn vận chuyển quốc tế. Họ cùng quan tâm đến việc làm thế nào để xây dựng các tòa nhà không gây tác hại cho môi trường, khiến cho việc khai thác hiệu quả hơn, những người sống trong đó khỏe mạnh hơn. Họ muốn hình thành một hội đồng để giải quyết những vấn đề như vậy và hỏi rằng tôi có muốn tham gia hay không, tôi đã đồng ý. Tất nhiên, chúng tôi liên lạc với một số người nữa và năm 1993, USGBC được thành lập với 10 thành viên ban đầu. Tôi là một trong những người chấp bút để hình thành bộ quy chuẩn về công trình xanh của Hoa Kỳ với tên gọi là LEED. LEED đang là bộ quy chuẩn có số lượng công trình xanh đạt chuẩn nhiều nhất trên thế giới.
Hệ thống đánh giá LEED được thừa nhận trên 160 nước, kể cả Việt Nam, nhưng với nhiều độc giả của chúng tôi, khái niệm công trình xanh còn khá mới mẻ. Theo hệ thống đánh giá của LEED, thế nào là một công trình xanh, thưa ông?
Cần phải mất một thời gian để mọi người nhận thức về công trình xanh. Ban đầu ở Mỹ, người ta cũng nghĩ rằng công trình xanh là công trình trồng nhiều cây xanh… Một cách ngắn gọn thì công trình xanh là công trình khiến cho người ta sống ở đó cảm thấy vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn, làm việc có năng suất hơn. Khi mình đã làm được nhiều công trình xanh rồi thì chính người sử dụng sẽ biết công trình xanh tốt cho sức khỏe cùng với các ưu điểm khác nữa. Khi đó, mọi thứ sẽ thay đổi và chính họ sẽ đưa tiêu chí công trình xanh vào khi xây dựng một công trình hay lựa chọn một dự án. Sau mấy chục năm thì ở Mỹ, khái niệm công trình xanh đã trở nên quen thuộc và phổ biến, trong khi một số quốc gia khác nó vẫn còn là một ý tưởng mới mẻ. Với vai trò là một người làm công tác đào tạo, tôi thích đi để chia sẻ những kiến thức của mình, chẳng hạn như sự có mặt của tôi ở Việt Nam trong dịp này. Các bạn thấy đây là một điều cần thiết, tích cực và muốn được đào tạo, còn tôi rất vinh dự được làm việc này.
Hẳn các ông cũng gặp nhiều khó khăn ở thời điểm ban đầu, khi đưa LEED vào trong hoạt động đánh giá việc xây dựng các công trình ở Mỹ?
Đúng vậy. Mọi người đều đặt ra những câu hỏi, tại sao họ phải đầu tư, tại sao họ phải thay đổi các vật liệu đã quen dùng bằng những loại vật liệu khác? Sự thay đổi đó có đem lại lợi ích gì cho họ không?… Chúng ta phải chứng minh. Chỉ có làm và làm, đưa ra những kế hoạch, thực hiện và thuyết phục chủ đầu tư để họ thấy được những suy nghĩ mang tính dài hạn, tầm nhìn xa hơn, vì một tòa nhà có thể tồn tại 50 đến 100 năm. Sau khi xây dựng lên các công trình xanh như vậy thì mình có những nghiên cứu và đánh giá để thấy được những người sống trong đó hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn, làm việc đạt năng suất cao hơn. Ngoài ra, công trình xanh cũng sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, giúp cho chủ đầu tư tiết kiệm chi phí… Tất cả các yếu tố đó đều trở thành lợi nhuận trong một tương lai lâu dài. Ở Mỹ, 20 năm trước mọi người cũng chưa quen với việc xây dựng công trình xanh nhưng hiện nay hầu như mỗi chủ đầu tư đều yêu cầu kiến trúc sư và các nhà thiết kế làm sao để tạo nên công trình xanh cho họ. Chúng tôi tự hào là đã thay đổi được cách nghĩ của thế hệ hiện tại.
Liên hệ với tình hình Việt Nam hiện nay, chúng ta thấy có một sự tương đồng nhất định. Với những kinh nghiệm của mình, ông có thể chia sẻ điều gì?
Việt Nam có rất nhiều người trẻ, thông minh, nên học hỏi những kinh nghiệm từ các nước đã phát triển rất nhanh. Vậy thì cái gì là quan trọng nhất? Theo tôi, đó là cùng nâng cao ý thức cho cộng đồng và chủ đầu tư. Chủ đầu tư ở đây không chỉ là những nhà phát triển bất động sản mà cả những người tiêu dùng cuối cùng – người bỏ tiền ra để mua một căn hộ hay ngôi nhà trong dự án… Không có cách nào tốt hơn là chứng minh cho họ thấy rằng đồng tiền của họ đang được đầu tư một cách khôn ngoan và hiệu quả nhất. Trở lại vấn đề, vì tôi nhận thấy người Việt Nam thông minh nên các bạn sẽ nhận rõ vấn đề và chắc chắn sẽ đồng ý đầu tư cho cuộc sống đó. Đây là lần thứ hai tôi ghé Việt Nam và so với cách đây sáu năm, đất nước các bạn có nhiều thay đổi, phát triển rất nhanh. Có thể 25 năm trước người ta chỉ quan tâm làm sao để ăn no, mặc ấm thì giờ đây họ quan tâm đến việc ăn ngon, mặc đẹp và sống khỏe mạnh. Chắc chắn họ sẽ đi tìm các giải pháp để sống tốt hơn, khỏe mạnh hơn và có trách nhiệm với xã hội nhiều hơn.
Cần phải mất một thời gian để mọi người nhận thức về công trình xanh. Ban đầu ở Mỹ, người ta cũng nghĩ rằng công trình xanh là công trình trồng nhiều cây xanh… Một cách ngắn gọn thì công trình xanh là công trình khiến cho người ta sống ở đó cảm thấy vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn, làm việc có năng suất hơn. Khi mình đã làm được nhiều công trình xanh rồi thì chính người sử dụng sẽ biết công trình xanh tốt cho sức khỏe cùng với các ưu điểm khác nữa. Khi đó, mọi thứ sẽ thay đổi và chính họ sẽ đưa tiêu chí công trình xanh vào khi xây dựng một công trình hay lựa chọn một dự án.
Một lời khuyên chân thành dành cho những người theo đuổi công trình xanh là đừng bao giờ bỏ cuộc. Luôn có những thách thức, khó khăn mà người tiên phong phải đối diện. Ở Mỹ cũng vậy, ban đầu chúng tôi thậm chí phải đi van nài người ta làm công trình xanh để họ thấy được lợi ích của nó. Ở Trung Quốc 10 năm trước cũng vậy, nhưng bây giờ thì rất nhiều công trình xanh đã được chứng nhận. Vì thế, các bạn đừng bỏ cuộc. Chúng ta cần thuyết phục, làm sao để người dân, chuyên gia cũng như các nhà phát triển bất động sản nhận ra đó là điều đúng đắn phải làm. Hy vọng là 10 năm nữa khi trở lại Việt Nam, tôi sẽ được thấy rằng ai cũng biết thế nào là công trình xanh và lúc đó đất nước các bạn đã có rất nhiều công trình xanh.
Ông là thành viên của USGBC, đồng thời cũng là kỹ sư cấp cao, Bộ phận Phát triển bền vững của Công ty Kohler. Vậy nên, có thể chắc rằng sản phẩm của Kohler cũng được nghiên cứu và phát triển để hướng tới việc đảm bảo các tiêu chí đánh giá của LEED?
Tôi là thành viên của USGBC, đồng thời là giảng viên đào tạo để cấp chứng chỉ công trình xanh của LEED. Nhưng không phải USGBC mà chính Kohler chi trả để tôi có thể đi các quốc gia làm công tác đào tạo cũng như truyền tải các ý tưởng về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Vì Kohler thấy có sự liên quan mật thiết giữa phát triển bền vững và công tác đào tạo. Riêng những sản phẩm của Kohler khi được nghiên cứu và phát triển đều quan tâm đến những ảnh hưởng và tác động đến môi trường.
Bên cạnh việc chúng sử dụng bao nhiêu nước, tiết kiệm bao nhiêu nước thì chúng tôi cũng quan tâm đến các khía cạnh khác, chẳng hạn như không chứa hóa chất độc hại, dễ lau chùi, dễ vận hành, bền đẹp theo thời gian. Hiện nay, Kohler có hơn 700 sản phẩm “xanh” để khách hàng lựa chọn và chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển chứ không chỉ dừng lại ở con số đó.
Tất cả sản phẩm của Kohler đều được phát triển hướng đến điều này hay chỉ ở những dòng sản phẩm nhất định, thưa ông?
Ở phương diện là nhà sản xuất, chúng tôi phải quan tâm đến mọi nhu cầu của người tiêu dùng. Nhiệm vụ của chúng tôi là tạo ra đa dạng sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn, và năng lực ra quyết định của người tiêu dùng mới là yếu tố then chốt. Chúng tôi không thể bắt người tiêu dùng tiết kiệm nước mà chỉ làm ra những sản phẩm có chất lượng và dịch vụ đồng nhất, tiết kiệm nước, tốt cho sức khỏe… Do vậy, có rất nhiều sản phẩm của Kohler ở các mức giá khác nhau từ cao cấp đến phổ thông, để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng. Đội ngũ của Kohler giới thiệu với khách hàng tất cả những gì mình có, những tính năng của từng sản phẩm và chính khách hàng là người quyết định sẽ sử dụng sản phẩm gì cho nhu cầu của họ.
Từ những số liệu được đưa ra tại hội thảo, có thể thấy công trình xanh là xu hướng ngày càng được ủng hộ và trở nên phổ biến. Dưới góc độ là một nhà cung cấp các thiết bị phòng tắm và bếp, Kohler đã có sự chuẩn bị như thế nào để đáp ứng nhu cầu này?
Một tầm nhìn chưa bao giờ thay đổi của Kohler là tập trung vào việc phát triển bền vững. Danh mục các sản phẩm tiết kiệm nước và phát triển bền vững là danh mục lớn nhất của Kohler trong hoạt động kinh doanh. Chúng tôi đã có một quá trình nghiên cứu rất dài về các dòng sản phẩm tiết kiệm nước và cam kết rằng những sản phẩm này vận hành tốt nhất, được tạo ra không chỉ đáp ứng tiêu chí của LEED mà còn đáp ứng được những tiêu chí khác nhau để đảm bảo rằng khi khách hàng cần những sản phẩm đáp ứng được các tiêu chí về công trình xanh đều có thể tìm thấy ở Kohler. Lý do tại sao? Vì chúng tôi có tầm nhìn cả trăm năm về phát triển bền vững. Và chúng tôi tin vào những giá trị mà mình theo đuổi nên sẽ nỗ lực không ngừng.
Được biết, nền tảng trong mục tiêu phát triển bền vững của Kohler là giảm thiểu mức độ tác động đến môi trường toàn cầu trong các hoạt động của Kohler, đạt giới hạn “net zero” vào năm 2035. Ông có thể cho biết rõ hơn về điều này và đến nay liệu kết quả đạt được có khả quan?
Đó là một mục tiêu và là một hành trình lâu dài mà chúng tôi đang từng bước thực hiện. Chúng tôi trông cậy vào mọi người làm việc với mình, từ những người thiết kế sản phẩm đến các kỹ sư làm việc trong nhà máy, trông đợi tất cả ý tưởng của họ để làm sao cắt giảm tối đa những yếu tố có thể ảnh hưởng đến môi trường.
Bên cạnh sự chủ động ấy, cũng có những yếu tố khách quan mà chúng ta phải chờ đợi vào sự phát triển chung, ví dụ như những phát minh, công nghệ, kỹ thuật mới ra đời giúp giải quyết vấn đề này. Kohler sẽ không đứng yên mà làm việc với tất cả đối tác để có được các công nghệ mới cần thiết nhằm đạt các mục tiêu của mình. Hiện nay, chúng tôi vẫn đang trên lộ trình đúng như mong muốn để đạt đến “net zero” vào năm 2035.
Cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị.
- Hình ảnh Tư liệu của Kohler