Họa sĩ Hà Lan Piet Mondrian (1872-1944) là một trong những tác giả lớn nhất của nghệ thuật tạo hình thế kỷ XX, cũng là tác giả nổi tiếng nhất của hội họa trừu tượng và người khởi xướng phong cách nghệ thuật Tân tạo hình (Neoplasticism) mà đặc trưng là dùng các đường thẳng dọc và ngang cùng các màu nguyên.
Căn hộ này mới ở dạng thể nghiệm 3D, phản ánh rõ nét nhất những ứng dụng của Neoplasticism trong thiết kế nội thất.
Với tên gọi thú vị “Bữa điểm tâm với Mondrian”, đây là tác phẩm của Công ty thiết kế Brani & Desi với người đứng đầu là hai chị em sinh đôi Branimira Ivanova và Desislava Ivanova – hai nhà thiết kế trẻ Bulgaria sống và làm việc tại Sofia.
“Bằng dự án này, chúng tôi muốn khơi gợi những cảm xúc tương tự như những gì mà tác phẩm của Mondrian đã tạo được. Thông qua đường nét và màu sắc, người sống trong căn hộ và khách của họ sẽ có cảm giác như thể họ là một phần của vũ điệu – một vũ điệu kết hợp hình thể và sắc màu mà hai màu đen – trắng được chúng tôi sử dụng như những quãng nghỉ giữa các bước nhảy. Màu trắng thì chủ động, còn màu đen thì thụ động”, hai chị em nhà Ivanova cho biết.
Họ nói thêm: “Với dự án này, mục đích của chúng tôi là dùng triết lý nghệ thuật của Mondrian để minh chứng sự quan trọng của một không gian cư trú đối với một cuộc sống lành mạnh. Dùng từ “vũ điệu” chúng tôi muốn nói đến sự hài hòa giữa trí óc, thể xác và tâm hồn. Một vũ điệu là một hình thái của tự do”.
Nội thất mang tính ý niệm của căn hộ “Bữa điểm tâm với Mondrian” được thiết kế như một không gian mở, ở đó mỗi khu vực có chức năng sử dụng độc lập nhưng đồng thời vẫn kết nối với các phần còn lại của căn hộ.
“Điều đó có nghĩa là khu vực bếp không thể tồn tại mà không có phòng ăn hay phòng khách. Giống như trong thế giới tự nhiên, mọi thứ được kết nối và không thể tồn tại tách biệt với những phần nó được kết nối”.
Trong không gian sống hiện đại này, “hình học, màu sắc và các chức năng cùng có nhiệm vụ như nhau” – theo lời hai nhà thiết kế. Những bố cục tuyến tính được biểu hiện bằng các màu đỏ, vàng, xanh dương, trắng, làm nên nguyên lý thẩm mỹ của bản thiết kế này.
- Xem thêm: Kỳ ảo sắc màu El Alto
Dù căn hộ “Bữa điểm tâm với Mondrian” chưa tồn tại trong đời thực nhưng hai chị em nhà Ivanova hy vọng sẽ “có được cơ hội để thực hiện bản thiết kế này, tuy nhiên điều đó không là mục đích duy nhất; chúng tôi muốn thể nghiệm với hình thái và màu sắc và xem tác động đến con người như thế nào”.
Đã có những thiết kế lấy cảm hứng từ tranh Mondrian, nhưng chỉ là đồ dùng nội thất – chẳng hạn một tủ sách đầy màu sắc được làm bằng vật liệu rắn, tác phẩm của kiến trúc sư Vladimír Ambroz (Cộng hòa Czech), hay vải bọc ghế được Marcel Wanders thiết kế cho thương hiệu đồ nội thất Hà Lan Moooi.
– Tổng hợp