Có một bài kệ thường được tín đồ Phật giáo ở nhiều nước trì tụng, xem như kim chỉ nam trên con đường tìm đến chân hạnh phúc trong cuộc sống, đó là Kinh Đại Phúc Đức (Maha Mangala Sutta). Tịnh viên Cát Tường – Mangala Garden – biệt thự nghỉ dưỡng nằm trên bờ biển Non Nước của TP. Đà Nẵng đã ra đời từ cảm hứng tôn giáo ấy.
Là một thành viên trong quần thể hàng trăm biệt thự nghỉ dưỡng thuộc khu The Ocean Villas, Mangala Garden có được một vị trí mà theo phong thủy là thế “nghênh thủy, tọa sơn”: đại dương bao la trước mặt, sau lưng là cụm núi Ngũ Hành – một thắng cảnh của thành phố biển. Từ tịnh viên này, thật dễ dàng đến với đô thị cổ Hội An trên cùng một tuyến đường trải dài ven biển thơ mộng. Sống với Mangala Garden là một trải nghiệm mà không phải khu nghỉ dưỡng nào cũng đem đến được cho du khách: một “trải nghiệm kỳ diệu từ không gian, thanh âm, hương vị đến những ý niệm thiện lành trong Phật giáo” như lời người sáng lập cũng là chủ nhân: cư sĩ Phúc Mỹ.
Trước hết là không gian, nhưng để có được không gian của Mangala Garden như ngày hôm nay là một câu chuyện lý thú, một sự gặp gỡ mà theo nhà Phật là “nhân duyên” giữa chủ đầu tư và nhà thiết kế. Trong câu chuyện với phóng viên tạp chí Nội Thất bên bàn trà ngát hương thảo mộc tự nhiên, cư sĩ Phúc Mỹ kể rằng khi chọn được vùng bờ biển tuyệt đẹp của Đà Nẵng để gắn bó lâu dài và, quan trọng hơn, để tổ chức thành một điểm đến – nơi mà những người khách sẽ có cơ hội được sống giao hòa giữa thiên nhiên tươi đẹp suốt cả bốn mùa và cũng là nơi người theo đạo Phật có thể hành trì theo 38 lời dạy của bài kệ Đại Phúc Đức – thời duyên lành cho ông được gặp một nhà thiết kế còn trẻ nhưng rất có uy tín ở Đà Nẵng. Khi chủ nhân nhận ngôi biệt thự tại The Ocean Villas, đó là một công trình hầu như đã hoàn thiện.
Thế nhưng để biến nó trở thành một tịnh viên đậm chất Thiền, kiến trúc sư đã có một quyết định thật táo bạo: thay đổi cả hình thế kiến trúc cũng như làm mới toàn bộ không gian nội thất. Công việc cải tạo như vậy không chỉ mất nhiều thời gian mà còn tốn kém rất nhiều chi phí. Song phương án cải tạo đã được chủ đầu tư chấp thuận và nhà thiết kế đã toàn tâm toàn ý khi bắt tay vào công việc. Kiến trúc sư kể rằng, để có những trang thiết bị phù hợp với công trình, chính anh và chủ nhân đã cùng ra nước ngoài mua sắm nhiều vật dụng nội thất không thể tìm được ở trong nước.
Mangala Garden hình thành với phong cách kiến trúc Nhật Bản, vật liệu chủ đạo là gỗ tự nhiên nhập từ nước ngoài: gỗ từ sàn lên đến trần, từ hệ cầu thang hoành tráng cho tới các chi tiết trang trí cùng tất cả vật dụng, đồ nội thất, thậm chí cả những chiếc quạt trần cũng có cánh bằng gỗ… Gỗ trầm mặc và ấm áp còn giúp đem lại sự tĩnh tâm cần thiết khi sống giữa một vườn thiền. Mỗi phòng riêng ở Tịnh viên Cát Tường, từ cách tổ chức không gian, cách bài trí cho đến chiếu sáng, tranh trên tường… đều là thiền phòng. Khu vực trà thất chiếm một diện tích lớn là nơi diễn ra những buổi thưởng trà với nghi thức đặc biệt trong âm thanh của những bài kệ; nơi chủ nhân tịnh viên và khách cùng chia sẻ những phút giây hạnh ngộ bên chén trà thảo dược được chính chủ nhân đặc chế, để tâm và thân như được gột sạch khỏi bụi trần ai. Nghệ thuật thưởng trà của Tịnh viên Cát Tường – một hình thức trà đạo Việt trang trọng mà giản dị – là nét riêng đặc sắc ở khu nghỉ dưỡng này.
Bước ra bên ngoài, xa khơi là Biển Đông bát ngát, buổi bình minh khi ánh dương vừa nhú trên mặt biển cũng là thời gian của các bài tập dưỡng sinh, tập yoga, Thái cực quyền… hay tản bộ trên bãi cát trắng tinh tươm để rồi ngâm mình trong hồ nước ngọt hay dưới làn nước xanh thẫm của đại dương. Sống thiền không chỉ trong bốn bức tường mà còn giữa mênh mang trời biển giao hòa…
Với một không gian như thế, không lạ khi Mangala Garden đã từng được vinh dự đón tiếp vị “Phật sống” – ngài Nhiếp chính vương Gyalwa Dokhampa và Tăng đoàn Truyền thừa Việt Nam đến thăm và giảng pháp.
- Ảnh Hồ Xuân Bổn
Đường Trường Sa, Q. Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng
Thiết kế: KTS Nguyễn Văn Thiện
Điện thoại: 0903559911