Một khi giữa chủ nhà và kiến trúc sư đã có sự tin tưởng và cảm thông lẫn nhau, công trình kiến trúc sẽ thực sự được “sống” – như đứa trẻ được sinh ra giữa tình yêu của cha và mẹ. Ngôi nhà này đã được hình thành từ một tình yêu như vậy.
Ở tuổi ngoài 80 tuổi thượng thọ, giáo sư T. dọn về ngôi nhà mới của mình và có thơ vui:
Ngoại tám mươi mới tậu được nhà!
Âu cũng là một cõi người ta…
Bần gia hữu cửu hình tam giác
Tượng trưng cho chín nẻo vào ra:
Hai mắt hai tai, hai lỗ mũi
Một mồm, một hậu một D3(*)
Xin lỗi nhà tôi không ngõ hậu
Vào ra chỉ một cổng thôi mà!
Bài thơ hóm hỉnh nhưng thể hiện sự hài lòng của ông với không gian sống mới của mình – một ngôi nhà nhỏ được xem là đứa con tinh thần của ông với người thiết kế. Ngôi nhà trước đây ông bà ở vốn là của cha mẹ để lại nên có thể xem như đến ngôi nhà này ông bà mới thực sự “ra riêng”. Ngôi nhà mới được thiết kế với định hướng dành cho con cháu sau này. Như vậy đề bài khá rõ ràng: ngôi nhà dành cho ông bà nhưng phải có không gian cho con cháu về ở cùng. Trên khu đất chỉ rộng 48m² lại méo mó, ngôi nhà mới gồm tầng trệt với ba tầng lầu; chỗ ở của ông bà là tầng trệt và lầu 1, hai tầng còn lại dành cho các thế hệ con, cháu. Cách bố trí cầu thang và các góc vườn chính là giải pháp xử lý các hạn chế về mặt bằng cũng như tối ưu hóa diện tích sử dụng.
Ngoài việc thỏa mãn chức năng theo yêu cầu thiết kế thì yếu tố tinh thần chính là vấn đề được quan tâm đặc biệt của kiến trúc sư, làm sao để chủ nhân có được cảm xúc tốt nhất trong ngôi nhà của mình. Câu chuyện thiết kế xoay quanh hai nhân vật chính là ông và bà. Với người thiết kế, những lần trò chuyện với ông trong quá trình thiết kế cũng là một cách học nghề. Ông thường nói rằng khi thiết kế một ngôi nhà, phải làm thế nào để trong ngôi nhà ấy người sử dụng phải có nhiều khả năng chiếm hữu không gian theo cách họ muốn. Ông gắn bó cả đời với sách, sinh hoạt hằng ngày của ông gần như không tách rời với sách. Ở ngôi nhà cũ, sách chiếm ½ không gian riêng tư của ông, nên ở ngôi nhà mới cũng phải thế. Còn với bà, bên cạnh bếp núc thì thế giới của bà cũng là sách. Ngoài việc chia sẻ những cái chung, ông bà vẫn cần có những riêng tư nhất định.
Giải pháp của người thiết kế đề ra là phòng ngủ của ông bà và thư viện đặt ở lầu 1. Một kệ sách có hình vòng tròn tạo nét mới lạ cho không gian chung, đồng thời tách hai hoạt động ngủ nghỉ và đọc sách – làm việc. Vòng tròn cũng tạo cơ hội để ông chiếm hữu không gian theo cách riêng của ông: làm việc, đi bộ lòng vòng trong đó mà không ảnh hưởng tới giấc ngủ của bà. Ông nghiên cứu, viết và dịch sách, có thói quen cùng lúc làm nhiều việc nên bàn làm việc của ông trong thư viện được chia làm ba cánh để ông dễ dàng quản lý tư liệu. Còn với bà, gian bếp có vai trò rất quan trọng – bà muốn nhiều thứ đã quen thuộc với mình bao nhiêu năm qua được lưu giữ trong không gian mới: những chai lọ, xoong nồi, bình hoa…
Một yếu tố khác rất quan trọng đối với ông là cây xanh. Hầu hết cây xanh hiện hữu được đưa về từ ngôi nhà cũ và được ông ươm trồng từ hạt giống. Sang nhà mới, ông rủ cây cối sang ở với mình. Riêng cây hoa ban đưa từ nhà cũ sang nhưng không sống được trên đất mới, ông phải trồng thế bằng cây chùm ruột – chuyện ấy khiến hai ông cháu buồn mấy ngày. Sáng nào ông cũng dậy đi bộ, tưới cây rồi làm việc…
Nhìn từ bên ngoài, diện mạo “9 lỗ” – theo cách ví von của ông về ngôi nhà – cũng từ sự quan tâm của kiến trúc sư. Người ta thường dễ lướt qua những ngôi nhà phố với các ô cửa thông thường, trong khi hình khối các khung cửa của ngôi nhà này khiến hàng xóm khi đi ngang qua ít nhiều cũng dừng lại, tạo cơ hội để ông bà làm quen, giao lưu với những láng giềng mới. Đồ đạc nội thất và vật liệu hoàn thiện – sàn xi măng, đá rửa, đá mài, bê tông trần, gạch nung… – đều thô mộc, tự nhiên. Theo người thiết kế, do nhà nhỏ nên màu trắng được dùng để tạo cảm giác thoáng, giữ nguyên màu tường gạch để tạo sự tương phản. Vật liệu để làm kệ sách trong thư viện được tính toán sao cho mỏng nhất mà vững chãi: giải pháp được lựa chọn là thép.
Là một kiến trúc sư, song lại giao hoàn toàn ngôi nhà của mình cho một kiến trúc sư trẻ cả về tuổi đời và tuổi nghề, hẳn chủ nhân ngôi nhà này đã nhìn thấy năng lực của người thiết kế, và ngôi nhà là một lời đáp.
(*) D3: Theo tiếng lóng của dân kiến trúc thời trước ở miền Bắc, kỹ thuật 3D của đồ họa ám chỉ 3D trong “tứ khoái” của con người…
Nhà ở đường Nguyễn Văn Trỗi, Q. Phú Nhuận, TP.HCM
Thiết kế: atelier tho.A
Email: atelier.tho.a@gmail.com
Thi công: Đinh Đức Anh Vũ
Hình ảnh: Quang Trần
- Xem thêm: Mở cửa ra vườn