Nhà tôi sắp sửa chữa, muốn làm một giếng trời có tiểu cảnh bên trong. Tuy nhiên tôi nghe có người nói rằng rất khó chăm sóc, nuôi muỗi, ẩm thấp và khó đẹp như nhà có sân vườn đàng hoàng rộng rãi. Xin được hỏi cách xử lý tiểu cảnh trong nhà nhỏ ra sao, và cần tuân thủ các vấn đề gì trong bố trí tiểu cảnh? Xin cảm ơn quý báo.
Lê Huỳnh Hoa, khu dân cư Tân Quy Đông, quận 7, TP.HCM
Việc thiếu diện tích thoáng trong đô thị khiến đa số nhà ống và căn hộ đều muốn đưa tiểu cảnh thiên nhiên vào nội thất. Tuy nhiên tiểu cảnh cũng có nhiều dạng, nếu áp dụng không khéo sẽ dẫn đến một số tác dụng không tốt về mặt kỹ thuật và thẩm mỹ.
Một số kiểu cách non bộ, phù điêu, ốp đá xù xì… lúc mới xuất hiện cũng khá lạ mắt, nhưng khi lạm dụng nhiều sẽ đơn điệu và không tạo được không gian “sạch sẽ” nữa. Sẽ không có gì phải bàn nếu mảng tiểu cảnh giúp cho gia chủ mỗi ngày nhìn ngắm cảm thấy thư thái dễ chịu. Nhưng nếu chỉ do thấy ở nhà khác làm “hay hay” nên muốn làm theo thì chưa chắc đã phù hợp về ánh sáng, kết cấu, sinh hoạt của nhà mình, gây phản tác dụng. Mặt khác, phong cách trang trí vườn Việt xưa nay khá đơn giản và ít khuôn thức gò bó như vườn Âu hoặc Nhật, Trung Quốc, vì khí hậu và tính chất cây cỏ xứ ta khác xứ người, việc khuyến cáo trồng cây hay làm non bộ trong nhà khó chăm sóc, dễ ẩm thấp là đúng với thực tế xảy ra. Ví dụ như nếu làm hồ cá hoặc chậu cây xanh đặt ở gần cửa sổ, ngoài ban công hay trong giếng trời có mưa nắng thường xuyên thì mới cân bằng âm dương nhờ có đủ ánh sáng và dưỡng khí bên ngoài, còn đặt trong góc nhà sẽ gây âm thịnh dương suy, độ ẩm tăng cao.
Vì thế, cần tạo ra cách thức làm tiểu cảnh cho ngôi nhà Việt (trong điều kiện nhà không có đất rộng) sao cho phù hợp, tránh cóp nhặt những kiểu dáng xa lạ. Về cơ bản, tiểu cảnh trong giếng trời có thể xem như một góc sắp đặt khéo léo, khô ráo với sỏi đá hay gỗ, có thể điểm xuyết các chậu cảnh (loại cây sống được trong bóng râm, lâu lâu mang ra nắng trực tiếp). Mảng tiểu cảnh cần một mảng tường làm “điểm tựa” để các chất liệu thô mộc dễ liên kết tạo hình.
Cần chú ý vị trí đặt tiểu cảnh nên là điểm ít va chạm khi đi lại và có đủ khoảng lùi để quan sát, có thể kê bàn ghế bên cạnh để làm nơi thư giãn (nếu cần). Nên quan tâm đến tính đồng nhất, đồng bộ về chất liệu và màu sắc, tránh làm theo kiểu “trăm hoa đua nở”, nhất là trong nhà nhỏ sẽ gây rối mắt. Dĩ nhiên, vẫn cần những chi tiết, mảng miếng điểm nhấn, có thể là điêu khắc hoặc phụ kiện lạ mắt, và chớ quên bố trí ánh sáng có chủ đích để giúp tiểu cảnh đẹp hơn về ban đêm.
Ngoài ra, còn cần lưu ý đến tính thời điểm, các mùa khác nhau hoặc các ngày lễ tết đều có thể thay đổi tiểu cảnh cây cối, tìm cách sắp xếp khác để đem lại sinh khí mới cho ngôi nhà. Những vật dụng dân dã quen thuộc có thể kết hợp với sinh hoạt thường ngày theo tinh thần ngôi nhà Việt từ xưa nay: tiện dụng, hợp khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, đẹp gọn gàng. Ví dụ một giếng trời be bé của ngôi nhà phố được cải tạo để trở thành một “góc thiên nhiên” thu nhỏ. Những viên đá thô được xây theo đường cong mềm mại, bên trong đặt chậu cây với dàn leo khá xum xuê từ trên thả xuống và từ dưới vươn lên. Tóm lại, mỗi gia chủ có thể sáng tạo nhiều kiểu mẫu phong phú cho tiểu cảnh trong nội thất, miễn là phù hợp với thẩm mỹ và tính chất sinh hoạt thường ngày.
Công ty TNHH Tư vấn – Thiết kế – Xây dựng Kiến Xanh
D11 đường 5A, khu dân cư Him Lam, P. Tân Hưng, quận 7, TP.HCM