Qua khảo sát ý kiến của 1.000 bác sĩ gửi về cho Viện Johns Hopskin, người ta đi đến kết luận: “Những người có khuynh hướng phản ứng tức giận trước những vấn đề phải bực mình thường có nguy cơ mắc bệnh tim cao gấp năm lần so với những người có tính khí điềm đạm hơn”.
Sự tức giận, tìm người nào đó để trút cơn giận đang bộc phát trong lòng đôi khi mang lại cảm giác nhẹ nhàng, nhưng đôi khi ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, đặc biệt đối với phụ nữ.
Bùng nổ cơn giận chưa phải là giải để thoát khỏi “móng vuốt” của nó, vì bùng nổ cơn giận có thể châm ngòi cho bùng nổ khác, dễ dẫn đến trạng thái trầm uất. Người ta ví cơn giận của phụ nữ giống như “bà hỏa”, vì nó có thể “thiêu rụi” mọi thứ xung quanh.
Một chuyên gia tâm lý người Anh nhận định: “Vốn nhạy cảm nên phụ nữ thường dễ giận, dễ hờn hơn so với cánh đàn ông”. Chồng mải tâm sự với người bạn chí cốt lâu ngày mới gặp nhau quên cả đón con làm vợ bực mình kết án là “ham vui”.
Trên đường đi làm, chẳng may xe bị chết máy thì giận mình “Hôm nay ngày gì sao xui quá!”. Khi nảy sinh bất hòa với đồng nghiệp thì giận người và giận chính mình. Hơn thế, cảm giác bị ai đó làm tổn thương hay chỉ đơn giản khi họ nhớ lại những hồi ức không vui đều có thể làm “Hằng Nga nhăn trán, Tây Thi cau mày”.
Cho đến nay, sự giận dữ vẫn bị kết tội là gây nhiều bất lợi. Nó đồng thời còn mang lại bao hậu quả nghiêm trọng khác mà người trong cuộc ít khi nhận thức được ra. Khi cơn giận “bốc” lên, trong mắt mọi người, phụ nữ sẽ trở thành “người khác” với cách hành xử khác.
Có người khóc lóc, vật vã và than thở, có người còn trợn mắt nghiến răng, lại có người không ngớt kể lể hoặc than thân trách phận… Có đến 50% số người được hỏi cho rằng không nên “giữ chân” cơn giận mà phải cho nó bùng nổ ra như Hỏa Diệm Sơn mới “hả” lòng.
Điều này tốt hay xấu? Hoàn toàn không tốt, vì giận là một cảm giác, một trạng thái dữ dội tác động mạnh đến hoạt động của hệ thần kinh và càng giận có thể làm người ta đáng sợ hơn nhiều.
- Xem thêm: Tự đứng dậy khi bạn bị suy sụp tinh thần
Vậy thì cách hóa giải cơn tức giận dễ hay khó? Bạn sẽ vô tình đánh mất tình cảm từ những người thân của mình chỉ vì những lời nói thiếu kiềm chế do cơn giận gây ra. Một khi giữ được thái độ bình tĩnh, bạn vẫn có thể thể hiện sự bất đồng theo chiều hướng tích cực hơn.
Còn nếu bạn vẫn cảm thấy khó khăn trong việc giữ bình tĩnh hay thể hiện lời ăn tiếng nói, hành vi… thì hãy tìm người giúp “giải tỏa” (người thân nào đó trong gia đình, bạn bè). Khéo léo trong cách xưng hô cũng là giải pháp tốt khi bạn trút cơn giận lên ông xã. Câu nói “Em nghĩ tốt hơn anh nên cùng em chia sẻ công việc nhà” dễ lọt tai hơn câu “Thật là bực mình vì ai cũng thiếu trách nhiệm với việc nhà”.
Nhiều người chọn cách vận động toàn thân để làm nguôi cơn giận. Các nhà nghiên cứu cho rằng hoạt động về thể chất như tản bộ, chơi bóng rổ, quần vợt, bơi lội…là những bài thuốc hữu hiệu giúp giải phóng cơn giận dữ, cảm xúc thiếu kiểm soát trong mỗi chúng ta nhất là khi ta sắp “châm ngòi” cho chúng.
Những cách thư giãn khác như nghe nhạc, đọc báo, tập yoga, vẽ tranh…tất cả đều góp phần mang lại cảm xúc bình yên và thanh thản trong tâm hồn. Đừng nghĩ rằng tức giận là “bẩm sinh” vì trong cuộc sống hàng ngày, không thiếu những việc nhỏ nhặt có thể làm cho bạn “bốc hỏa”. Nếu biết kiểm soát tốt bản thân để “sống chung với lũ”, bạn sẽ cảm thấy cuộc đời vẫn đẹp sao, mọi người xung quanh vẫn đáng yêu đó thôi.