Trong một thư viện nhỏ, tách biệt khỏi khối kiến trúc hoành tráng của Bảo tàng Mỹ thuật Boston (MFA), nữ giám tuyển Nancy Berliner cúi xuống ngắm một họa quyển được trải ra trên mặt bàn bằng gỗ với những hình ảnh mô tả cảnh sắc và cuộc sống hai bên bờ một con sông lớn.
Bức tranh cuốn được gìn giữ, bảo quản cẩn trọng đến độ vẫn hoàn thiện dù được vẽ từ mấy trăm năm trước. Và đây là một tuyệt tác của bậc thầy tranh thủy mặc Trung Hoa thế kỷ 17 – đầu thế kỷ 18: Vương Huy (1632-1717).
Với tên gọi Mười ngàn dặm dọc sông Dương Tử, bức tranh phong cảnh này tôn vinh quyền năng của thiên nhiên và sự tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống trong mối quan hệ hài hòa với đất trời, cảnh vật. “Xem tranh, bạn như rời khỏi những quan hệ nhân sinh và chính trị để đến với cốt lõi của những gì có ý nghĩa nhất với con người và rồi ngẫm nghĩ về cuộc sống của mình”, bà Berliner nói sau khi chăm chú quan sát toàn bộ bức tranh dài hơn 16m.
Họa quyển quý hiếm này cùng với 182 tác phẩm nghệ thuật Trung Hoa cổ điển khác là tặng phẩm của nhà sưu tập nổi tiếng người Mỹ gốc Hoa Wan-go Weng hiến tặng cho MFA và sẽ được triển lãm vào mùa thu 2019 để công chúng thưởng ngoạn. Bộ sưu tập vô giá này được bổ sung vào kho tàng khoảng 7.500 hiện vật Trung Hoa được lưu giữ tại thiết chế mỹ thuật lớn nhất bang Massachusetts.
Theo thông báo ngày 13-12 vừa qua của MFA thì “đây là quà tặng quan trọng nhất và lớn nhất trong lịch sử của bảo tàng về hội họa và thư pháp Trung Hoa”.
Bộ sưu tập của gia tộc Weng hiến tặng MFA bao gồm tranh thủy mặc, tranh thư pháp, bản khắc để in bằng mực và các sản phẩm dệt thủ công trải dài 13 thế kỷ và qua năm triều đại phong kiến Trung Hoa. Gia tộc Weng yêu nghệ thuật đã bắt đầu xây dựng bộ sưu tập này từ năm 1875 và được truyền qua sáu thế hệ. Nay đã ở tuổi tròn thế kỷ nhưng cụ Wan-go Weng vẫn nghiên cứu tài liệu, viết sách học thuật về hội họa Trung Hoa cổ điển và vẽ tranh.
“Cụ Wan-go Weng đã quyết định bộ sưu tập sẽ được trao tay từ cá nhân cụ sang bảo tàng; chúng tôi thật xúc động khi nhận được bộ sưu tập để chăm sóc, tiếp tục khám phá giá trị của bộ sưu tập và chia sẻ với công chúng”, giám tuyển Berliner nói. Trước đó vào tháng 7-2018, cụ Weng cũng đã hiến tặng cho MFA nhiều hiện vật quý giá, và nay để kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của mình, cụ đã quyết định tặng cho bảo tàng tác phẩm Mười ngàn dặm dọc sông Dương Tử.
Hạt nhân của bộ sưu tập mà gia tộc Weng sở hữu là các tác phẩm nghệ thuật có từ đời nhà Minh đến đời nhà Thanh, nghĩa là từ năm 1368 đến 1911, năm diễn ra cuộc cách mạng Tân Hợi do Tôn Dật Tiên lãnh đạo, lật đổ triều đại Mãn Thanh đã tồn tại gần ba thế kỷ (1636-1911). Sau khi hiến tặng bộ sưu tập cho MFA, cụ Weng cho biết: “Tôi thật vui mừng vì những bức tranh đã có chỗ xứng đáng, từ giờ tôi không còn phải lo lắng về chúng. MFA đã trở thành bảo tàng của tôi và điều này thật lạ thường, gần như một câu chuyện cổ vậy”.
- Xem thêm: Tranh Tô Đông Pha sẽ có giá kỷ lục
Mối quan hệ của cụ Weng với MFA khởi đầu từ năm 1949. Lúc bấy giờ nhà sưu tập Wan-go Weng đang sống ở New York và giám tuyển Kojiro Tomita của MFA nghe phong thanh về bộ sưu tập nổi tiếng của ông nên viết thư với mong muốn được xem một số tác phẩm. Không ngờ, nhà sưu tập viết thư trả lời ngay, thậm chí còn tận tình chỉ đường cho giám tuyển Tomita bằng một bản đồ chi tiết địa chỉ của mình.
Trong số các hiện vật thuộc bộ sưu tập của cụ Weng, món được cụ ưa thích nhất là một tập tranh của họa sĩ Uẩn Thọ Bình (1633-1690) đời nhà Thanh với những tranh thủy mặc và thư pháp được thể hiện trên giấy sáp mềm và bồi trên lụa. “Tôi yêu thích tập sách tranh này vì nó không chỉ là những bức tranh vẽ cỏ cây, mà tất cả là nhịp điệu, tất cả là hình ảnh trừu tượng. Đó là nhịp điệu của ngọn bút lông chuyển động trên mặt giấy. Nó giống như một tác phẩm biểu hiện trừu tượng bất kỳ được vẽ vào giữa thế kỷ 20”, bà Berliner nhận định.
Được biết cụ Weng từ những năm 1980, nữ giám tuyển có một ấn tượng sâu sắc với nhà sưu tập bách niên: “Mỗi khi cụ Weng bắt đầu nói về những bức tranh mà cụ đặc biệt ưa thích, ánh mắt cụ trở nên xa xăm, như thể đang nhớ lại vài người bạn thân hay một bữa tiệc mà cụ đã dự. Đó là một trạng thái cảm xúc sâu lắng, dễ lan truyền cho người khác”.
Lui lại năm 1875, lúc đó ông cố của nhà sưu tập Wan-go Weng là Weng Tonghe, một viên chức cao cấp của nhà Thanh và cũng là một chuyên gia thành thạo về tranh. Một hôm Weng Tonghe đi dạo ngang qua một cửa hàng cổ vật ở Bắc Kinh thì bắt gặp họa quyển Mười ngàn dặm dọc sông Dương Tử, ngay lập tức ông như bị sét đánh.
“Ông ấy hỏi giá tranh nhưng giá quá cao so với khả năng tài chính của ông. Thế nhưng người chủ cửa hàng đã thấy được ông Weng Tonghe xúc động như thế nào trước tác phẩm của Vương Huy. Nên vài hôm sau chính ông chủ cửa hàng đã mang bức tranh đến nhà Weng Tonghe cho ông ấy xem một lần nữa. Weng Tonghe cứ thương lượng đi, thương lượng lại với người chủ cửa hàng; lúc đó ông sắp sửa mua một ngôi nhà nhưng đã quyết định mua bức tranh thay vì mua nhà. Và đó là bức tranh được yêu quý nhất trong bộ sưu tập của ông”, giám tuyển Berliner cho biết những chi tiết thú vị về bức cổ họa.
Còn tác giả Vương Huy, theo bà Berliner, sau sáu năm làm họa sĩ cung đình dưới triều vua Khang Hy, đến năm 1699 ông lui về làm họa sĩ tự do để có thể vẽ bất kỳ những gì mình muốn. Và Vương Huy đã chọn sông Dương Tử, dòng sông dài nhất châu Á để vẽ trước tiên. Vương Huy đã bỏ ra bảy tháng để hoàn tất tác phẩm Mười ngàn dặm dọc sông Dương Tử.