Lâu nay du khách nước ngoài đến với Na Uy thường chọn những cung đường ở miền Đông, bởi vì dọc theo đó là các thắng cảnh hùng vĩ, đặc trưng của thiên nhiên đất nước này. Thế rồi trong một chuyến công tác tại khu vực miền Trung Na Uy, chúng tôi mới biết mình đã may mắn được đặt chân lên vùng đất giàu lịch sử văn hóa bậc nhất xứ sở của người Viking thời cổ.
Trondheim, kinh đô của triều đại Viking
Trondheim, cố đô của Na Uy thời đại Viking khiến du khách bất ngờ trước số lượng trường đại học lớn tọa lạc tại đây. Trong tổng số 170.000 dân của thành phố này có lẽ có đến 1/5 là sinh viên. Là thành phố lớn thứ ba ở Na Uy nhưng Trondheim hầu như chẳng có tòa cao ốc hiện đại nào. Các con phố hướng về cảng biển trông thật cổ kính với những dãy nhà được xây từ mấy thế kỷ trước. Trondheim được vua Olav Tryggvason thành lập từ năm 997 và trở thành kinh đô của Na Uy cho tới năm 1227.
Nằm ở bờ phía nam của vịnh hẹp (fjord) Trondheimsfjord ngay miệng cửa sông Nidelva, cảng biển Trondheim nhanh chóng phát triển vì có được địa thế an toàn trước gió bão từ đại dương. Các vị vua trong thời hoàng kim của cướp biển Viking cũng xây cho thành phố những kiến trúc để đời. Điển hình là nhà thờ Nidaros nổi tiếng, nơi chôn cất vua Olav. Được xây dựng năm 1070 và hoàn tất năm 1300, thánh đường Nidaros từng chứng kiến lễ lên ngôi của nhiều vị vua Na Uy cũng không kém lừng lẫy như Olav Tryggvason.
Những kiến trúc tuyệt mỹ khác ở Trondheim đều quây quần bên sông Nidelva, chẳng hạn cầu Phố Cổ (Old Town bridge) bắc ngang sông – với một cổng ra vào mang tên cổng Hạnh Phúc (gate of Happiness) – một trong những biểu tượng của Trondheim. Tất cả đều còn nguyên vẻ lộng lẫy của kiến trúc Bắc Âu thế kỷ 17. Ngay cả những nhà kho cũ được xây cùng thời nằm dọc trên sông Nidelva cũng còn rất đẹp.
- Xem thêm: Krasnoyarsk, phố thị giữa vùng Siberia
Nằm ngoài cửa vịnh, ngay trên đường các du thuyền đi vào Trondheim là đảo Thầy Tu (Monks’ island), một điểm tham quan khá đặc sắc, có nguồn gốc là nơi hành quyết tử tù. Từ ngàn năm trước, người xưa đã xây tu viện trên đảo, sau đó xây thêm pháo đài và nhà tù. Hiện nay đảo thành nơi du khách đến ngắm sông ngắm vịnh và thư giãn với các nhà hàng, quán cà phê sang trọng, hoặc vào nhà hát để thưởng thức những buổi hòa nhạc lớn.
Sau một ngày ở Trondheim, chúng tôi lên xe lửa đến di sản văn hóa thế giới Roros cách đó khoảng 150km. Đường xe lửa Na Uy được cho là thuộc loại đẹp nhất thế giới nên du khách được khuyến khích trải nghiệm. Đã hoạt động hơn một thế kỷ nhưng đường sắt vẫn tốt, còn tàu thì được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại nhất, tạo cho du khách cảm giác rất thoải mái. Đường sắt chạy qua núi đồi, bình nguyên, sông nước, mọi người tha hồ ngắm nhiều khung cảnh thanh bình khác nhau.
Từ những vách núi cao gần cả ngàn mét, dựng đứng như những bức tường đá vững chãi, dưới chân núi là những vịnh hẹp – kết quả của những biến đổi địa chất từ kỷ băng hà. Khi lớp trầm tích băng dày khổng lồ tan ra và trượt đi với tốc độ rất nhanh, các khe hở giữa các sườn núi được hình thành và sau đó bị nước biển lấp đầy, trở thành những vịnh hẹp ăn sâu vào đất liền mà người Na Uy gọi là fjord. Chuyến tàu của chúng tôi kéo dài 2 tiếng rưỡi đồng hồ, giá vé là 400 krone/người/chiều (khoảng hơn 1 triệu đồng VN), khá đắt nhưng mà xứng đáng!
Thị trấn mỏ đồng Roros – Di sản văn hóa thế giới tại Na Uy
Roros là một vùng khai thác mỏ rộng lớn có đông dân cư sinh sống. Thị trấn được hình thành năm 1633, khi người dân địa phương phát hiện các mỏ đồng lớn tại đây và ngay sau đó nghề đúc đồng bắt đầu phát triển nhanh chóng. Sau giai đoạn hưng thịnh kéo dài 343 năm, hoạt động khai thác mỏ dừng hẳn vào năm 1977.
Nằm trên một cao nguyên có độ cao khoảng 630m so với mặt nước biển, Roros được bao bọc bởi rừng bạch dương và rừng thông bạt ngàn. Mặc dù cảnh sắc rất đẹp nhưng vùng mỏ có khí hậu vô cùng khắc nghiệt, vì vậy trước khi những mỏ đồng được phát hiện, vùng này không hề có người sinh sống.
Trước khi bị quân Thụy Điển phá hủy vào giữa thế kỷ 17, Roros có khoảng 2.000 ngôi nhà. Giai đoạn phát triển nhất, Roros có hàng ngàn gia đình công nhân làm nghề khai thác và đúc đồng, nên ngoài nhà dân và nhà máy luyện kim, thị trấn còn có trạm xá và trường học. Còn các công trình kiến trúc hiện nay của thị trấn được xây dựng lại năm 1679, với 80 căn nhà gỗ và một lò luyện kim. Hầu hết các ngôi nhà ở đây có mặt tiền được trang trí bằng gỗ đen và mang phong cách kiến trúc thời Trung cổ.
- Xem thêm: Casablanca cổ kính và hiện đại
Do điều kiện đi lại khó khăn, từ nhà dân cho đến công trình công cộng tại đây đều sử dụng gỗ rừng khai thác tại chỗ. Trong số 80 ngôi nhà gỗ có nhiều nhà đã được sửa chữa, cải tạo nhưng trên cơ sở kiến trúc cũ. Nhờ đó cảnh quan chung của Roros vẫn giữ được vẻ hài hòa với các kiến trúc cổ điển.
Hơn 300 năm hoạt động liên tục với sản lượng khai thác lớn, thị trấn khai thác mỏ Roros đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế khu vực và của cả Na Uy. Việc người dân sinh sống và khai thác trong môi trường khí hậu khắc nghiệt như ở Roros còn cho thấy sự thích nghi với môi trường của con người là vô hạn.
Ngoài yếu tố vị trí địa lý vô cùng hiểm trở, khí hậu ở đây còn khiến người ta hầu như không thể trồng trọt, chăn nuôi. Nhưng điều đó không ngăn cản được nhiều thế hệ dân cư ở Roros đã xây nên một thị trấn vùng mỏ với những công trình kiến trúc đặc sắc cùng với nét văn hóa riêng biệt, độc đáo.