Là động vật gần gũi với con người nhất theo thuyết Tiến hóa của Darwin, khỉ còn được nhân cách hóa, thậm chí trở thành thần thánh như nhân vật Tôn Ngộ Không trong truyện Tây Du Ký hay Thần khỉ Hanuman của Ấn Độ giáo, nhân vật trung tâm trong hai bộ sử thi vĩ đại và lừng danh của Ấn Độ là Ramayana và Mahabharata. Nên không lạ khi hình tượng khỉ xuất hiện nhiều ở các kiến trúc tôn giáo, tâm linh phương Đông.
Có những truyền thuyết sống động và thú vị chung quanh các hình tượng khỉ ở nhiều nơi, từ Đông sang Tây, như tượng khỉ chùa Cầu (Hội An), tượng khỉ bằng đồng ở cầu cổ Heildelberg (Đức)…
Ba chú khỉ “Tam Không” ở Sydney và Nikko
Một trong những điểm vui chơi, giải trí nổi tiếng nhất ở Sydney là quán rượu có tượng ba con khỉ thông thái (hay bộ ba khỉ “tam không”). Đó là một kiến trúc cổ kính, mặt ngoài màu gạch trần nâu đỏ, được xây dựng từ năm 1879 với thiết kế của Công ty Wardell and Vernon Architects theo phong cách kiến trúc Ý thịnh hành lúc bấy giờ, pha trộn phong cách kiến trúc Anh thời Nữ hoàng Victoria. Ban đầu, công trình này được thiết kế để làm trụ sở của chi nhánh phía Nam Ngân hàng Úc; sau đó – từ 1970 đến 1998 – trở thành trụ sở Ngân hàng ANZ tại Sydney và cuối cùng được sử dụng làm quán rượu từ năm 2000.
Ngay bên trên cửa ra vào quán là tượng ba con khỉ bằng đồng, kích thước lớn bằng người thật, con ngồi giữa lấy tay bịt mắt, hai con ngồi bên thì bịt tai và bịt miệng. Tại sao ba con khỉ có cử chỉ như thế? Hóa ra nguồn gốc của chúng là từ một triết lý phương Đông “Không nhìn điều xấu, không nghe điều xấu, không nói điều xấu”. Trong tác phẩm Luận Ngữ, khi Nhan Uyên hỏi về đức nhân và những điều gì cần phải làm, Khổng Tử đáp: “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn” (Không nhìn không thấy những điều trái lễ, không nghe những điều trái lễ, không nói những điều trái lễ). Có truyền thuyết cho rằng một vị đại sư Nhật khi sang Trung Hoa đã tiếp nhận được triết lý này và đưa về Nhật. Tên của ba chú khỉ theo ngôn ngữ xứ Phù tang lần lượt là Mizaru (Không Nhìn), Kikazaru (Không Nghe), Iwazaru (Không Nói). Song cũng có thể coi đây là một cách chơi chữ bởi trong tiếng Nhật, từ “saru” (khỉ) gần gũi với “zaru”.
Bức tượng bộ khỉ “tam không” lâu đời nhất hiện còn lưu giữ được là tại đền thờ Thần đạo Toshogu ở Nikko, thành phố du lịch nổi tiếng ở phía bắc tỉnh Kanto, cách Tokyo khoảng 180km về phía bắc. Đền Nikko Toshogu được xây dựng vào năm 1617, với năm thành phần kiến trúc được xếp vào hàng quốc bảo của Nhật, còn quần thể công trình tâm linh này (hai đền Thần đạo, một chùa Phật giáo) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa – kiến trúc của nhân loại.
Khỉ giữ cầu ở Heidelberg
Cầu cổ Heidelberg bắc qua con sông Neckar là một di sản kiến trúc, điểm tham quan của hầu hết du khách khi đến với thành phố Heidelberg (bang Baden-Württemberg), đô thị được coi là thơ mộng bậc nhất của nước Đức. Gọi là cầu cổ nhưng công trình bằng đá này còn “trẻ” hơn nhiều so với lịch sử thành phố đã có tuổi ngàn năm. Cây cầu như hiện nay đã có từ năm 1788, còn trước nó đã từng có chín cây cầu bắc qua khúc sông này. Riêng tượng con khỉ được cho là đã có từ rất sớm, nhưng sau khi cây cầu đá được xây dựng thì Karl Theodor, người cai trị Heidelberg thuở đó đã bỏ nó đi. Tượng con khỉ bằng đồng hiện hữu mà du khách rất ưa thích được tạc vào năm 1979, một tay cầm chiếc gương soi còn bộ mặt thì được tạo hình rỗng, trông như một chiếc mặt nạ và được đặt bên phải lối lên cầu. Có truyền thuyết cho rằng nếu du khách ước mong giàu có thì phải chạm tay vào chiếc gương soi, còn ai muốn được quay lại Heidelberg thì chạm vào những ngón tay của khỉ.
Khách thường chui đầu vào trong đầu khỉ (như chui vào nón bảo hộ) để chụp ảnh hài hước, cạnh đó là tấm biển đồng khắc mấy câu thơ tiếng Đức được nhà thơ Martin Zeiller viết từ năm 1632, đại ý: “Bạn nhòm thấy tôi như thế nào? Bạn đã nhìn thấy con khỉ già ở Heidelberg? Hãy nhìn quanh đây; có thể bạn sẽ tìm thấy nhiều hơn những gì gần giống với tôi”. Phải chăng đó là một cách triết lý khi người làm trò… khỉ!
Tượng khỉ khổng lồ ở Guayaquil
Nằm ven bờ Thái Bình Dương, Guayaquil, thủ phủ tỉnh Guayas, là thành phố lớn nhất và đông dân nhất của Ecuador. Ở đây, giữa lối vào hai đường hầm xuyên qua khu đồi Carmen với một khu dân cư đầy màu sắc được xây dựng trên sườn đồi là bức tượng khỉ cao 12m, được gọi là “Ông Khỉ”, đang leo lên một thân cây với nhiều cành và lá. Là tác phẩm của nhà điêu khắc Juan Sanchez, Ông Khỉ được ghép bằng 110.000 mảnh gốm nhiều màu trên bộ khung bằng xi măng và thép. Bức tượng được thực hiện nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cư dân thành phố Guayaquil, nơi vốn được ca ngợi nhờ cảnh quan tự nhiên và quần thể động thực vật phong phú, đa dạng được bảo vệ nghiêm ngặt.
Ông Tề và thần khỉ Hanuman
Tề Thiên đại thánh hay Hầu vương hoặc Tôn Ngộ Không (giản dị hơn là Ông Tề) của truyện Tây Du Ký mà hầu như người châu Á nào cũng biết ít nhiều qua tác phẩm văn học cũng như qua phim ảnh, truyền hình được dựng tượng ở nhiều nơi, tại Trung Quốc, Đài Loan cũng như tại những xứ sở có đông người Hoa sinh sống.
Ở khu du lịch sinh thái Broga cách thủ đô Kuala Lumpur 50km, nơi có chùa Sak Dato thờ Phật Quan Âm – một địa chỉ hành hương nổi tiếng của người Hoa ở Malaysia, người ta dựng tượng Tôn Ngộ Không trên đỉnh đồi. Ông Tề cầm thiết bảng, một chân co, tay che mắt nhìn về phía xa, cảnh giác lũ yêu quái đầy rẫy trên đường sang xứ Tây Trúc thỉnh kinh. Cao trên 16m, đây hẳn là bức tượng Tề Thiên lớn nhất, song chưa thấm bén gì so với những tượng thần khỉ Hanuman trong Ấn giáo: tượng Hanuman tại ngôi đền Parital Anjaneya Swami ở làng Paritala cách thành phố Vijayawada, bang Andhra Pradesh (Ấn Độ) 30km có chiều cao 41m, còn cao hơn tượng Chúa Cứu thế ở Rio de Janeiro (Brazil). Hai tượng Hanuman khác ở thủ đô New Dehli và thành phố Simla (bang Himachal Pradesh) đều có chiều cao đáng nể: xấp xỉ 33m. Còn ở khu du lịch Động Batu rất quen thuộc với du khách Việt Nam có bức tượng Hanuman màu xanh lá, cao 15m, gây ấn tượng mạnh mẽ với khách tham quan.
Tượng Hanuman còn được tạc rất nhiều trong các khu đền Ấn giáo trên đảo Bali (Indonesia), ở đền Banteay Srei (Campuchia)… Còn ở thành phố Lopburi (Thái Lan), cách thủ đô Bankok 150km, có một phế tích là đền San Phra Kan hay còn được gọi là đền Khỉ, nơi lũ khỉ “thống trị” vì chúng có mặt ở mọi nơi. Chưa hết, để tôn vinh chúng người ta còn làm rất nhiều tượng khỉ cỡ lớn, thếp vàng lộng lẫy, đặt tại nhiều nơi công cộng: trước mặt các công trình kiến trúc, khách sạn… và trên đường phố. Năm Khỉ, Lopburi xem ra sẽ còn dành nhiều ưu ái nữa cho con cháu Ông Tề!
Tượng Khỉ ở chùa Cầu
Chùa Cầu, một biểu tượng của phố cổ Hội An, còn được gọi là Cầu Nhật Bản hay Lai Viễn Kiều là ngôi chùa nằm trên chiếc cầu dài khoảng 18m, vắt qua một lạch nước nhỏ chảy ra sông Thu Bồn, nối liền đường Trần Phú với đường Nguyễn Thị Minh Khai. Mỗi đầu cầu có một bức tượng chạm bằng gỗ mít, một bên tượng khỉ, bên kia tượng chó. Có thuyết cho rằng: con thủy quái Mamazu đầu nằm ở Nhật Bản, đuôi ở Ấn Độ Dương và thân ở Việt Nam, mỗi khi cựa mình sẽ gây ra động đất, thiên tai, lũ lụt. Vì vậy người Nhật đã đến Hội An từ rất sớm, xây dựng chùa Cầu và đặt tượng thần khỉ, thần chó để trấn yểm con quái vật. Song cũng có thuyết cho rằng hai bức tượng này được đặt ở hai đầu cầu chỉ để tượng trưng cho công trình được khởi dựng vào năm Thân, hoàn thành vào năm Tuất.
- Bài Lê Bản