Đầu năm mới luôn là dịp để nhiều người, nhiều gia đình khởi động công việc thiết kế, xây dựng không gian sống của mình. Không ít bài toán được đặt ra dịp này, trong đó các yếu tố tiết kiệm và đảm bảo môi trường sống tốt là tiêu chí quan trọng để có được sự phát triển bền vững. Một ngôi nhà xanh, không gian sống xanh không đơn thuần đến từ những kiếm tìm kiểu dáng hay vật liệu, mà phải khởi đầu từ thái độ, quan niệm sống để đi đến các giải pháp giúp hài hòa được nhiều lợi ích khác nhau, chọn được cách ứng xử với thiên nhiên và con người sao cho phù hợp.
Đó cũng chính là ý nghĩa sinh thái và văn hóa của phong thủy mà cha ông ta đã giữ gìn trong nếp nhà truyền thống qua các quan niệm “Ngũ hư”, “Ngũ thực”, “Tứ đắc”.
Ngũ hư, Ngũ thực và sự hài hòa
Ngũ hư và Ngũ thực (Năm điều bất lợi và Năm điều thuận lợi) trong thuật phong thủy được đúc rút từ kinh nghiệm và văn hóa truyền thống, mang tính cơ bản để mỗi ngôi nhà dù rộng hẹp lớn bé cũng cần chú ý nhằm giảm các sai lệch cũng như tăng các thuận lợi cho không gian sống. Ngũ hư và Ngũ thực là hai mặt đối lập của một vấn đề, tránh được Ngũ hư cũng là tạo được Ngũ thực.
Cụ thể nội dung của Ngũ hư như sau:
- Nhà không tương xứng với nhân khẩu, nhà lớn mà người ít hoặc ngược lại.
- Nhà không tương xứng với hệ thống cửa (nhà nhỏ mà cửa lại lớn, hoặc ngược lại).
- Tường vây (hàng rào) và bao cảnh chung quanh không hoàn thiện, không bảo vệ che chở được cho nhà, hoặc ngược lại – quá bít bùng, ngăn cách với môi trường chung quanh.
- Bếp và giếng nước không đúng phương vị theo Trạch mệnh tương phối của gia chủ (liên quan đến yếu tố Thủy và Hỏa trong nhà).
- Nhà và đất không tương xứng nhau (nhà lọt thỏm trong khu đất quá rộng hoặc nhà làm hết sạch đất, không còn khoảng trống để thở và thoát hiểm).
Ngũ hư kể trên, xét về bản chất là tìm kiếm sự hài hòa chứ không phải hoành tráng, cũng không phải là tính toán chi li tận dụng quá mức. Nhìn vào Ngũ hư có thể thấy điều thứ nhất và thứ năm liên quan đến quan điểm đầu tư, bố trí tổng mặt bằng và không gian kiến trúc tương ứng với nhu cầu sử dụng. Điều thứ ba vừa là vấn đề bền vững vừa là thẩm mỹ, đồng thời nêu cao vai trò của kiến trúc cảnh quan (landscape) trong quan hệ với kiến trúc công trình và đô thị. Điều thứ hai là chuyện thẩm mỹ, tỷ lệ giữa các phần đặc rỗng của không gian, đồng thời cũng là vật lý kiến trúc (mở cửa, che chắn, đón nắng gió ra sao). Riêng điều thứ tư thì vừa là kỹ thuật (cấp thoát nước, xử lý chi tiết, tính tiện dụng) vừa là yếu tố cá nhân trong không gian cư ngụ. Đây cũng là sự khác biệt giữa một công trình chỉ để tham quan, nghỉ ngơi ngắn ngày với một ngôi nhà cư ngụ dài lâu. Cha ông ta thường nói: nhà không có bếp thì dù to đến mấy cũng chỉ là phòng. Do vậy, ta có thể thấy tránh Ngũ hư chính là hướng tới sự hài hòa trong quan hệ giữa ngôi nhà với con người, ngôi nhà với môi trường cư ngụ.
Chính vì gắn bó với con người cụ thể (thuyết Trạch mệnh tương phối) mà phong thủy phương Đông có sức hấp dẫn đặc biệt với các nhà nghiên cứu phương Tây hiện nay. Họ nhận thấy trong ngôi nhà của người phương Đông, nhất là nhà dân gian Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản…, yếu tố con người (tuổi của gia chủ, của các thành viên trong gia đình quyết định cách bố trí, ngày tháng xây nhà, dọn nhà…) luôn được xem trọng và làm nên sự khác biệt, không có ngôi nhà tốt hay xấu chung chung, mà là ngôi nhà có phong thủy hợp hay chưa hợp với một số lượng đối tượng cư ngụ cụ thể.
Tứ đắc khi hoàn thiện nhà ở
Nếu chiếu theo các tiêu chí cần đạt đến mà kiến trúc phương Tây đã đề ra là thích dụng – bền vững – kinh tế – thẩm mỹ thì Đông – Tây đã hoàn toàn gặp nhau, bởi phong thủy phương Đông cũng có quan niệm tương ứng Tứ đắc khi hoàn thiện công trình, đó là đắc dụng – đắc kiên – đắc kiệm – đắc mỹ. Hoàn thiện đắc dụng tức là phải gắn với công năng sử dụng phù hợp như làm sân thì phải lưu ý có chỗ để xe, có trồng cây bóng mát, nơi ngồi nghỉ, lối đi dạo… chứ không chỉ láng xi măng hay lát gạch rồi để trống toàn bộ là xong, như thế sẽ vừa lãng phí không gian, vừa tích nhiệt trên mặt sân. Hay xây ban công rất dài chạy quanh nhà mà không tính đến hiệu suất sử dụng thì sẽ trở thành chỗ hứng bụi và mưa tạt, như vậy cũng không đắc dụng.
Đắc kiên là làm nhà phải đạt sự bền vững, kiên cố để tránh phải sửa chữa, gia cố, ảnh hưởng trường khí nơi cư ngụ. Ví dụ nhà ở vùng đất yếu thì tầng trệt nên đúc bê tông để tránh sụt lún sau này, hoặc nhà đã đúc mái bằng thì cần tính đến chống thấm đầy đủ hoặc có mái che bên trên để giảm nóng. Hoàn thiện đắc kiệm là chú ý đến chi phí bỏ ra ban đầu, chi phí bảo trì trong quá trình sử dụng và chi phí thay đổi khi có nhu cầu hoặc dự định khác. Không phải cứ tiết kiệm ban đầu là lợi vì nếu sau này phải thường xuyên bảo trì nâng cấp thì sẽ vừa không kinh tế vừa ảnh hưởng đến sinh hoạt trong nhà.
Cuối cùng là đắc mỹ, hoàn thiện cho đẹp và hài hòa phong thủy chính là để tạo nên hình thế phù hợp cho ngôi nhà. Đẹp thì có nhiều chuẩn mực tùy vào sự thụ cảm mỗi người, mỗi thời, nhưng phải là cái đẹp trong bối cảnh chung, không lấn át và đè nén lân cận, cũng không phô trương lộ liễu. Theo quẻ Khiêm trong Dịch học thì chỗ nào cần cao thì làm cao, đáng thấp thì làm thấp, giữ sự hài hòa để đạt được tổng thể. Chuẩn thẩm mỹ của ngôi nhà truyền thống Việt Nam chính là biết dựa vào thiên nhiên để được che chở, lấy vẻ đẹp bao cảnh (cây xanh, mặt nước) làm tôn lên vẻ đẹp công trình. Tránh Ngũ hư, đạt Tứ đắc chính là tuân thủ quan điểm kiến trúc sinh thái, kiến trúc vững bền trong lộ trình kế thừa truyền thống để hướng đến tương lai.
- Ảnh Xuân Trang