Nhật Bản được biết như một trong những quốc gia sạch nhất thế giới. Thậm chí những nhà vệ sinh công cộng cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh cao hơn hẳn ở đa số quốc gia khác. Tuy vậy, việc sử dụng chúng vẫn bị hạn chế vì định kiến rằng các nhà vệ sinh cộng thưởng hơi tối, bốc mùi và gây cảm giác sợ hãi. Để giúp công chúng vượt lên định kiến ấy, tổ chức The Nippon Foundation trong những năm vừa qua cùng phối hợp với chính quyền đô thị Shibuya triển khai dự án THE TOKYO TOILET.
Dự án tiến hành cải tạo 17 nhà vệ sinh công cộng ở khu vực Shibuya, nhằm giúp mọi người dân bất kể giới tính, tuổi tác hay tình trạng khuyết tật đều có thể tiếp cận hạng mục công cộng này một cách thuận tiện. Điều thú vị là nhờ ý nghĩa thiết thực của dự án và uy tín của The Nippon Foundation mà 16 vị kiến trúc sư nổi tiếng thế giới, trong đó có những vị từng đoạt giải Pritzker, đã đồng ý tham gia thiết kế. Từ tháng 7/2020, nhà vệ sinh đầu tiên đã được đưa vào sử dụng.
Cho đến nay đã có thêm 11 công trình đã hoàn tất. Và những nhà vệ sinh cuối cùng dự kiến sẽ xong vào năm 2022. Phần thi công do DAIWA HOUSE INDUSTRY CO. LTD thực hiện. Còn công ty TOTO LTD. cố vấn về thiết bị và bố trí. Phần bảo trì bảo dưỡng được tiến hành theo thỏa thuận ba bên: The Nippon Foundation, Chính quyền Đô thị Shibuya và Hiệp hội Du lịch Shibuya.
Kỳ này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn sản phẩm thiết kế của các kiến trúc sư Kengo Kuma, Tadao Ando, Kazoo Sato và Kashiwa Sato.
KENGO KUMA
Một cuộc đi dạo trong rừng
Năm gian nhà được bao phủ bằng các tấm gỗ tuyết tùng lắp đặt một cách ngẫu hứng thể hiện thành năm ngôi nhà trong làng, tạo cảm giác cho người sử dụng như đi dạo trong rừng. Mỗi nhà được thiết kế với bố cục, nội thất và thiết bị riêng biệt để đáp ứng cho các nhu cầu khác nhau của mọi tầng lớp công chúng.
TADAO ANDO
Amayadori – Chốn trú mưa
Kiến trúc sư muốn khai triển công trình nhỏ này vượt qua ranh giới của một nhà vệ sinh công cộng, thành một “địa điểm” trong cảnh quan đô thị mang lại giá trị công cộng to lớn. Một cấu trúc đơn giản và ngôn ngữ rõ ràng với mặt bằng hình tròn, mái và hàng hiên mở rộng. Người sử dụng di chuyển bên trong bức tường hình trụ với những thanh lam thẳng đứng có thể cảm nhận được sự thoải mái mà gió và ánh sáng từ thiên nhiên mang lại. Ngoài ra họ cũng thấy cảm giác an toàn khi lưu thông dễ dàng quanh lõi trung tâm để đi đến hướng khác.
KAZOO SATO
Hi Toilet – nhà vệ sinh không cần tiếp chạm
Mất ba năm nghiên cứu kỹ lưỡng hành vi người sử dụng tại các nhà vệ sinh công cộng ở Mỹ và châu Âu rồi lập kế hoạch và lên phương án thiết kế, kiến trúc sư và các cộng sự đã đi đến ý tưởng thiết kế nhà vệ sinh kích hoạt hoàn toàn bằng giọng nói này. Ý tưởng được đưa ra trước khi COVID-19 xuất hiện nhưng chính COVID-19 đã giúp đẩy nhanh việc chấp nhận trải nghiệm sử dụng mô hình độc đáo này.
KASHIWA SATO
Trắng
Đi ngược lại những quan niệm mặc định về một nhà vệ sinh công cộng, kiến trúc sư đã tạo nên khối hộp màu trắng để chuyển tải một cảm hứng tươi mới và sáng sủa đến với công chúng. Với địa điểm nằm cạnh bốt cảnh sát và ngay trước ga Ebisu, nhà vệ sinh này như đứng tĩnh lặng giữa những chuyến tàu, cao ốc và dòng người trên phố.
___