Ánh sáng được xem là một yếu tố quan trọng trong kiến trúc và nội thất. Nhiều người cũng đồng ý rằng ánh sáng là hồn của không gian, là phần quan trọng tạo nên cảm xúc và tinh thần của mỗi ngôi nhà. Với chuyên đề về ánh sáng kỳ này, Nội Thất mời độc giả cùng trò chuyện với NTK Lại Chính Trực – người sáng lập Red5 studio – xoay quanh vấn đề thiết kế ánh sáng và các dự án mà anh vừa thực hiện.
__Như vừa đề cập, ánh sáng là hồn của không gian và được xem là một trong những “ngôn ngữ” để kể chuyện trong nghề thiết kế kiến trúc và nội thất. Nhưng mỗi nhà thiết kế sẽ có lựa chọn riêng của mình. Vậy quan điểm của anh về ánh sáng như thế nào?
Với tôi, vai trò của ánh sáng là dẫn truyền và làm thay đổi cảm xúc trong không gian. Cụ thể hơn thì ánh sáng có thể dẫn dắt ý tưởng và truyền đạt điều mà nhà thiết kế hoặc chủ đầu tư mong muốn ở công trình. Thường thì người ta chia ra hai loại chính là ánh sáng tự nhiên và ánh sáng đèn. Quan điểm cá nhân tôi thì ánh sáng tự nhiên vào nhà nó mang một năng lượng tươi sáng cho căn nhà. Còn ánh sáng buổi tối, ánh sáng đèn thì thể hiện tính nội tâm hay phong cách sống của người chủ không gian đó. Tôi sẽ nói nhiều về ánh sáng đèn hơn, vì theo quan sát của tôi thì hiện nay nhiều người, kể cả những người làm nghề thiết kế vẫn chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của nó. Trong khi đó, việc dẫn sáng tự nhiên vào nhà, các kiến trúc sư đã và đang làm rất tốt.
__Trong thực tế thì nhiều chủ đầu tư vẫn thích kiểu ánh sáng buổi tối giống như ban ngày, tức là sáng trưng, sáng đều, họ chưa quen với loại ánh sáng vàng hoặc loại chiếu sáng điểm theo khu vực. Theo anh thì việc lựa chọn ánh sáng của chủ đầu tư là do thói quen hay là thiếu sự tư vấn từ các nhà chuyên môn?
Cả hai lý do, thiếu sự tư vấn từ các nhà chuyên môn và cả thói quen vốn có của chủ đầu tư. Vì thực sự không phải kiến trúc sư và nhà thiết kế nào cũng có sự hiểu biết rõ về ánh sáng đèn, nên việc giới thiệu với khách sẽ trở nên khó khăn hoặc họ bỏ qua.
__Với anh thì việc tư vấn được giải quyết theo cách nào?
Tùy theo nhu cầu và cá tính của khách. Ví dụ người có cá tính bình thường, quen với ánh sáng thông thường 6.000k (màu trắng) thì tôi sẽ chọn giải pháp dung hòa, gợi ý cho họ loại đèn có ánh sáng 4.000k, nhưng tách ra hai line đèn khác nhau. Tức là vẫn làm đủ cho họ không gian sáng trưng, tuy nhiên sẽ hướng dẫn họ thử giảm đèn để quen dần với cảm xúc không gian có mảng sáng và tối. Với những gia đình có con nhỏ thì các nguồn sáng 4.000k sẽ vừa phải với mắt trẻ em hơn là các loại nguồn sáng 3.000k màu vàng. Tuy nhiên, với nhóm khách có nhu cầu “chill” hơn vào buổi tối thì hệ đèn trang trí với ánh sáng vàng 3.000k là thích hợp, có thể lai rai trò chuyện, đọc sách, uống rượu hay thư giãn với âm nhạc.
__Đó là giải pháp chiếu sáng trong các không gian ở. Nếu mở rộng ra các loại hình công trình khác chẳng hạn như công trình phục vụ lĩnh vực nhà hàng, ăn uống (F & B) sẽ thế nào?
Càng quan trọng hơn nữa, vì tính cảm xúc và nhu cầu có sự riêng tư trong một không gian công cộng.
__Có sự khác biệt nào trong thiết kế ánh sáng giữa một ngôi nhà, một căn hộ và một nhà hàng, quán bar?
Tôi nghĩ sự khác nhau nó đến từ gu của khách hàng. Bây giờ nhiều khi tôi vẫn làm nhà như một cái bar và ngược lại. Nên chung quy thì ánh sáng phụ thuộc vào cá tính người ở trong mỗi công trình.
__Nếu nói về “đặc trưng” trong yếu tố ánh sáng ở các dự án của anh như thế nào?
Có ba thứ: Phân rõ vùng sáng và tối; tính tăng giảm ánh sáng, có thể tùy chỉnh trong từng hoạt động của mỗi không gian theo nhu cầu; Tính chuyển biến màu sắc ánh sáng.
Một cách cụ thể thì vùng sáng vùng tối là cái thể hiện vị trí nào nên có đèn và vị trí nào không có đèn, hoặc giảm bớt để gom lại cảm xúc trong từng không gian. Ví dụ đèn có thể tập trung vào bàn ăn, nhưng đèn lối đi thì ánh sáng dịu hơn, để mình thấy rõ vùng sinh hoạt và cảm thấy được bao bọc trong cụm không gian đó. Vùng không gian sáng tối cũng là một thủ pháp để tách không gian một cách vô hình mà không dùng vách ngăn ở các không gian mở.
Tính tăng giảm là sự linh hoạt của ánh sáng trong từng hoạt động và theo khung thời gian, ví dụ khi ăn và sinh hoạt mình cần sáng nhiều hơn, nhưng khi uống rượu thì cường độ sáng giảm lại, nhẹ hơn sẽ tạo nhiều cảm xúc hơn. Càng về tối ánh sáng sẽ được điều chỉnh để phù hợp với mắt và sinh hoạt ngay tại thời điểm đó.
Tính chuyển biến màu sắc ánh sáng: sẽ dùng nhiều ở công trình f&b vì nó thể hiện cảm hứng sáng tạo nhiều hơn.
__Hình như với nhiều chủ đầu tư hiện nay, ánh sáng chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức?
Đúng vậy, tại họ chưa được trải nghiệm nhiều nên hay thắc mắc kiểu như sao cái đèn trông có vẻ giống nhau mà giá lại khác nhau. Chính vì vậy cần sự tư vấn và dẫn họ đến trải nghiệm ở những công trình có thiết kế ánh sáng và được đầu tư tốt để họ hiểu giá trị của ánh sáng.
__Từ góc độ là nhà thiết kế, anh nghĩ có thể giải quyết vấn đề này như thế nào?
Tôi cương quyết đặt chuẩn của mình, dắt họ đến công trình có ánh sáng tốt và làm thực nghiệm so sánh đèn. Tất nhiên điều này cũng phụ thuộc vào phân khúc khách hàng của mình. Rất khó để bắt khách hàng xài đèn tốt với một gói chi phí thấp.
__Nếu có một đề xuất, tư vấn hay lời khuyên cho độc giả, liên quan tới vấn đề chiếu sáng, theo anh cần lưu ý những điều gì?
Khi bạn đầu tư cho không gian sống của mình, hãy chọn một cái đèn tốt để nâng cao cảm xúc trong không gian.
__Xin cảm ơn anh. Và cuối cùng, liên quan tới câu chuyện thiết kế ánh sáng, anh có thể đề cập tới một vài dự án của red5 studio mà anh tâm đắc không?
Tôi sẽ gửi đến độc giả Nội Thất bộ ảnh của hai công trình: quán cà phê Okkio bên quận 2 và Hybrid bar ở Nha Trang.
Thường thì trong các công trình của tôi sẽ có ba vùng ánh sáng: ánh sáng tỏa trần – ánh sáng vùng tường và ánh sáng chiếu vào vật thể (có thể là bàn hoặc tường).
Ở Hybrid, ánh sáng tỏa từ phần đèn instalation trên trần, ánh sáng tầng giữa là led trên tường và ánh sáng chiếu điểm là các đèn spotlight chiếu với góc 6 độ, chủ yếu tập trung vào bàn và ly cocktail.
Ở Okkio thì cảm hứng thiết kế của Red5 là từ bộ phim 2046 của Vương Gia Vệ – một bộ phim retro của Hồng Kông có hơi hướng future. Với Okkio, chúng tôi muốn kể câu chuyện của chuyến tàu từ năm 2046 trở về, do đó ánh sáng phải có tính timelap. Ánh sáng buổi tối của không gian được ám bằng hệ màu HUE RGB, thay đổi theo ngày hoặc giờ, các yếu tố ánh sáng chiếu điểm lên bàn cực nhỏ và ấm, vì đó là cách làm phim của Vương Gia Vệ, luôn là một ánh sáng ấm và nhỏ trong góc quay hẹp. Khi đứng bên ngoài công trình sẽ thấy tính timelap rất rõ về cách màu chuyển dần, ánh sáng điểm từng bàn, điều này làm cho khách cảm thấy sự riêng tư nhất định.
“Ở Hybrid, ánh sáng tỏa từ phần đèn instalation trên trần, ánh sáng tầng giữa là led trên tường và ánh sáng chiếu điểm là các đèn spotlight chiếu với góc 6 độ, chủ yếu tập trung vào bàn và ly cocktail”.
“Với Okkio, chúng tôi muốn kể câu chuyện của chuyến tàu từ năm 2046 trở về, do đó ánh sáng phải có tính timelap. Ánh sáng buổi tối của không gian được ám bằng hệ màu HUE RGB, thay đổi theo ngày hoặc giờ, các yếu tố ánh sáng chiếu điểm lên bàn cực nhỏ và ấm, vì đó là cách làm phim của Vương Gia Vệ, luôn là một ánh sáng ấm và nhỏ trong góc quay hẹp. Khi đứng bên ngoài công trình sẽ thấy tính timelap rất rõ về cách màu chuyển dần, ánh sáng điểm từng bàn, điều này làm cho khách cảm thấy sự riêng tư nhất định”.
– Ảnh Quang Trần, Đỗ Sỹ