Giữa tháng Tư vừa qua tại quận 3, TP. Hồ Chí Minh, một căn nhà hai lầu, diện tích sàn 4 x 18m trong hẻm xe hơi đường Cách Mạng Tháng Tám được bán giá hơn 10 tỉ đồng. Người mua cho biết số tiền mua nhà là từ đầu tư chứng khoán thành công.
Dù giá trên bị cho là cao nhưng T – người mua không thương lượng nhiều, vì theo anh càng chần chừ sẽ càng phải mua nhà nội thành với giá cao hơn. Cách đây một năm, gia đình anh có ý định mua căn nhà mặt tiền trên đường Lê Thị Hồng Gấm, quận 1 nhưng mức giá 400 triệu đồng/m2 khiến anh suy nghĩ. Đến thời điểm này, đất mặt tiền Lê Thị Hồng Gấm đã ở mức 600-650 triệu đồng/m2.
“Nóng” từ nhu cầu thuê mặt bằng
Cũng trong tháng Tư, một căn nhà 3,5 tấm, diện tích sàn hơn 100 mét vuông ở hẻm xe hơi đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh đã được bán nhanh chóng với mức giá 12 tỉ đồng. Thông tin khu vực này sẽ sáp nhập vào quận 1 chưa có gì rõ ràng nhưng giá đất vẫn tăng ngoài mức dự đoán của nhiều người. Trên thực tế, định giá nhà phố nội thành khó hơn nhà ở quận ven, lý do là ít có sản phẩm tương tự để đối chiếu, không như đất – nhà dự án có mức giá chung. Những tháng giữa năm 2018, hầu hết người có nhu cầu bán nhà phố các quận trung tâm sợ bán hớ hơn là bán chậm.
Bên cạnh đất vùng ven đang sốt, nhu cầu săn tìm nhà phố nội thành của nhóm khách hàng tài chính khá trở lên cũng không hề trầm lắng. Đáp ứng nhu cầu bảo toàn tài sản của những người có tiền nhàn rỗi hàng chục tỉ đồng hiện nay có lẽ không gì qua được nhà phố. Sau khi chốt lời đáng kể từ gần chục lô đất nền quận 9, ông Huỳnh Văn Phú (ngụ quận Bình Thạnh) đang tìm nhà mặt tiền đường Phan Xích Long (Phú Nhuận) với mục đích cho thuê, tạo thu nhập ổn định cho con đi du học. Theo tìm hiểu của ông, nhà phố ba, bốn lầu, bề ngang 4 mét trên đường này có mức giá cho thuê nguyên căn khoảng 80 triệu/tháng và không bao giờ lo thiếu khách.
Từ cuối quý III-2017 đến nay, giá mặt bằng cho thuê ở các quận nội thành đã tăng từ 20 – 30%, ở khu vực mới như Tân Phú, Gò Vấp, quận 2, giá thuê còn tăng mạnh lên mức 30 – 50%. Chủ một căn nhà phố có diện tích đất 140m2, một trệt, đoạn đường Võ Văn Tần, Cách Mạng Tháng Tám, quận 3 cho biết giá cho thuê nguyên căn này cách đây năm năm chỉ hơn 60 triệu đồng/tháng. Cuối tháng 4, ngôi nhà vừa được một đơn vị bán lẻ thuê lại với giá 200 triệu đồng/tháng với cam kết sẽ giữ giá trong ba năm (sau đó sẽ điều chỉnh tăng theo thị trường).
Tiện ích vẫn quyết định nhu cầu
Tại khu vực trung tâm thành phố, mặt bằng cho thuê đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi cũng bị đẩy lên gấp nhiều lần. Nhà mặt tiền có diện tích trên dưới 80m2 trên tuyến phố này có mức giá thuê mỗi tháng luôn ở mức trên 12.000-18.000 USD/căn. Mặt bằng nhà phố tại đường Lý Tự Trọng, Nguyễn Trãi, Lê Lai, Cách Mạng Tháng Tám, Lê Thị Riêng… cùng nằm trong nhóm có mức giá leo thang nhanh chóng. Giá thuê nhà tại những tuyến đường này đang ở mức 10.000-5.000 USD tháng/căn tùy diện tích và luôn có khách xếp hàng. Theo khảo sát mới nhất của CBRE, giá thuê mặt bằng bán lẻ có vị trí đắc địa bậc nhất khu trung tâm Sài Gòn đạt 130-150 USD/m2/tháng. Mức giá này cao hơn gấp ba lần so với giá thuê bình quân mặt bằng bán lẻ toàn thị trường là 45-70 USD/m2/tháng. Các mặt bằng nhà kế hẻm xe hơi hay có vỉa hè lớn luôn có giá thuê cao hơn từ 20 – 30% so với các căn tương tự cùng khu vực.
Báo cáo vừa công bố của Ngân hàng Thế giới cho thấy tính từ năm 2014, trung bình mỗi năm có 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập vào tầng lớp trung lưu toàn cầu. Một tỷ lệ lớn trong 1,5 triệu người đó sống tại TP. Hồ Chí Minh kéo theo nhu cầu mua sắm, ăn uống, dịch vụ, tạo làn sóng tăng giá mặt bằng cho thuê. Một khi tốc độ phát triển hạ tầng, tiện ích của ngoại thành chậm hơn tốc độ tăng trưởng của tầng lớp trung lưu, nhà phố nội thành sẽ tiếp tục tăng giá nhanh.
Nhiều người trong ngành bất động sản đặt câu hỏi: “Phải chăng một lượng tiền lớn mà các nhà đầu tư nhỏ chốt lời sau các đợt sốt đất vùng ven đang chảy ngược vào trung tâm thành phố, nơi hạ tầng bị cho là cũ kỹ nhưng tiện nghi thì các quận ven phải chục năm nữa mới theo kịp?”. Sau khi cân nhắc giữa rút 1 tỉ đồng tiền tiết kiệm để xây nhà ở đất dự án gần Suối Tiên quận 9, hay rút tiền, bán đất để mua nhà hẻm quận Bình Thạnh, rốt cuộc, Lê Thanh Phong (kỹ sư, 39 tuổi) chọn phương án thứ 2. Anh chia sẻ: “Dù quận 9 được đầu tư mạnh về hạ tầng nhưng để các dự án đất nền được đông vui, quán xá, dịch vụ nhộn nhịp như nội thành hiện nay thật chẳng biết đến bao giờ. Ai cũng thích không khí trong lành, không gian thoáng đãng nhưng áp lực công việc, chuyện đưa đón con cái cuối cùng cũng kéo nhiều người về lại nội thành”.