Thời gian đại dịch Covid-19 vừa qua, tôi chứng kiến có những người chủ doanh nghiệp phải bán đến miếng đất sở hữu cuối cùng để có kinh phí giữ những nhân viên thân tín, đã gắn bó với mình hàng chục năm trời. Trong thời điểm cách ly, toàn thành phố chẳng có mấy nhà hàng sáng đèn. Ở những nơi đó, vài người đầu bếp quần quật mỗi ngày 15-16 tiếng với mức lương chỉ bằng 1/3 ngày thường. Nhưng họ vẫn nhất định ở lại, bởi “muốn cùng mọi người vượt qua mùa khó”. Giữa những ngày xám xịt ấy, tôi nhìn thấy ánh sáng của tình người ở vùng đất này.
Sau “cơn bão”, những người chủ các doanh nghiệp ẩm thực đi góp nhặt các mảnh vỡ, gầy dựng lại nơi chốn mới. Khi họ đến tìm nhờ thiết kế những không gian kinh doanh mới, tôi gần như gật đầu ngay lập tức. Nghĩ về họ và công cuộc “tái khởi nghiệp”, tôi liên tưởng tới những cuộc di cư xa xưa, tới hình ảnh những chiếc ghe, xuồng… to nhỏ khắp nơi, xuôi rồi tụ lại nơi một bến sông. Tựa như phù sa từ thượng nguồn sông Mê Kông, trôi theo thời gian, tụ lại lắng bồi phương Nam thành vùng đồng bằng mỡ màu, trù phú. Nơi ấy lớp lớp người Bắc, Trung… tụ về cùng những cô gái Hoa kiều bên nồi thịt kho; những chàng trai Chà Châu Giang với váy màu sặc sỡ; những cụ già người Miên bên xấp khăn Kama đen tuyền… làm rộn lên cả một góc sông.
Nguồn cảm xúc ấy theo tôi suốt quá trình thiết kế nội thất cho một nhà hàng mới ở khu Thảo Điền. Chủ căn biệt thự kiểu châu Âu trong hợp đồng cho thuê quy định không được thay đổi kiến trúc nên tất cả tâm huyết thiết kế của chúng tôi dồn vào cho không gian nội thất theo hướng tạo ra một không gian ẩm thực đậm chất Việt. Toàn bộ ngôi nhà đươc phủ lớp sơn mang màu phù sa; bao bọc lớp vỏ sắt và những viên ngói “bay lên”. Khoảng sân trước biến thành rừng tre và một thủy đình thu nhỏ. Tinh thần của hội hè đã sẵn sàng trực chờ những màn rối nước rộn ràng. Không gian tầng trệt biến thành bến sông. Ngang tầm mắt của những người đang lênh đênh trên mặt nước là hình ảnh những hàng cây cổ thụ và những bờ lau sậy. Ẩn hiện phía sau là những căn nhà, miếu thờ nhỏ với vách gỗ ấm, leo lét dưới ánh đèn dầu. Tầng hai là nơi hội tụ các góc không gian với chi tiết đặc tả nét văn hóa những vùng miền đất Việt. Đây là đình làng Bắc bộ thâm nghiêm với bức tranh “Cõi nhân gian” của họa sĩ Bùi Thanh Tâm. Kia những bức tường vàng nhuốm màu thời gian của Hội An. Đặc biệt, tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng “trăng soi bóng nước” đặt ngay trung tâm làm điểm nhấn thi vị. Mặt trăng treo lơ lửng dưới mặt kiếng vỡ, bóng dáng phản chiếu của “mái đình, làng biển” và rồi tất cả biến tan như ảo ảnh.
Quá trình hoàn thành dự án có nhiều điều đáng ghi nhớ. Gần như tất cả các vật liệu sử dụng có nguồn gốc từ các địa phương được mang về đây. Những cột gỗ cũ được tái sử dụng. Cách làm mộc, mây cũng quay về cách làm truyền thống xưa. Bác thợ mộc người Bắc đem cả ghế bào đến ngay công trình, đục tay, lắp mộng. Gia đình anh thợ đá mài miền Tây là truyền nhân đời thứ hai. Đồ mây, gạch gốm, gạch bông được đặt sản xuất từ miền Trung. Công trình lúc nào cũng rộn rã đủ tiếng nói các vùng miền.
Nhà hàng mới hoàn tất đúng vào những ngày se lạnh cuối năm. Anh chủ quán tất tả đi mua phong bao lì xì đỏ treo rợp hàng trúc dẫn lối vào quán để thêm sắc màu cho Tết. Anh nói sẽ đặt thêm cái phản gỗ, cùng rủ mọi người tụ về gói bánh tét. Mong muốn của anh là mùa Tết này, bất cứ ai đến đây cũng được gặp lại chút hơi ấm của hồn quê và gặp lại dòng sông vắng xa của riêng mình.
Công trình: Nhà hàng SH Garden
Địa chỉ: 26 Ngô Quang Huy, Thảo Điền, TP. Thủ Đức
Thiết kê + Thi Công: Qbi. Corp
Hình ảnh: Quang Trần
- Xem thêm: Chuyện Tre