Có nhiều yếu tố góp phần đem lại thành công cho một không gian lưu trú, trong đó, tiện ích và dịch vụ thường được đặt lên hàng đầu. Nhưng có một điều cũng được du khách đánh giá cao, đó chính là yếu tố cảm xúc, là cái “tình” mà không gian đem lại. Nhà gió biển là một homestay có được cả hai yếu tố trên.
Cái tình trong dự án này đến từ tấm lòng của người thiết kế. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Chương chia sẻ: “Tôi sinh ra khi Hội An còn là một vùng quê nghèo. Con người nơi đây sống nhẹ nhàng, gần gũi với cây cỏ, với nắng gió miền Trung. Tuổi thơ tôi là cuộc sống yên bình. Những hình ảnh như chùa Cầu, cổng cổ, hàng rào chè tàu, ao cá, cây cau trước ngõ, bụi tre sau hè, cái rương, cái phản, cái mâm ăn bằng gỗ, sofa thùng… đều rất quen với mỗi đứa con nít Hội An xưa như tôi. Những hình ảnh đó được cách điệu đưa vào công trình chính là những kỷ niệm tuổi thơ mà tôi muốn gởi gắm”.
Về phía chủ đầu tư, họ rất am hiểu lĩnh vực mà mình đang hướng tới. Với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp du lịch tại Hội An, những khách sạn, villa và homestay được xây dựng cao tầng với mật độ phòng được khai thác tối đa đang dần tàn phá cảnh quan kiến trúc tại Hội An cũng như tác động tiêu cực đến vẻ yên bình vốn có của phố Hội xưa. Ngoài ra, sự cạnh tranh khốc liệt trong phân khúc khách sạn, villa và homestay giá rẻ cũng buộc họ phải suy nghĩ.
Vậy nên với khu đất rộng 485m², chủ đầu tư đã yêu cầu KTS thiết kế một biệt thự phải đạt được những yếu tố sau: mật độ xây dựng thấp nhằm tạo ra sự khác biệt về không gian ở, tăng mật độ cây xanh bên trong cũng như ngoài công trình để tạo những không gian yên tĩnh. Mở rộng những không gian kết nối (sinh hoạt chung, phòng ăn, bếp, hồ bơi, phòng đọc sách) nhằm tạo ra sự tương tác, giao lưu nhiều hơn giữa các nhóm khách cũng như giữa chủ và khách; nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua việc đầu tư vào thiết kế, sử dụng những vật liệu địa phương.
Bên cạnh đó, một yếu tố được đặt lên hàng đầu là giải quyết thông thoáng cho công trình nhằm mục đích giảm nhiệt độ vào mùa hè, nhất là vào mùa gió Lào tháng 6, tháng 7 hằng năm, cũng là cao điểm của mùa du lịch.
Từ đề bài đặt ra, nhóm thiết kế đã xử lý để biến khu đất thành một villa đậm tính nghỉ dưỡng với quy mô năm phòng ngủ, một penthouse và các không gian khác như phòng đọc sách, phòng ăn, sân vườn và hồ bơi. Hệ cửa lá sách lớn tám cánh xoay quanh trục có thể đóng mở dễ dàng bằng tay, kết hợp với mặt tiền bằng gạch hoa gió nhằm lấy gió biển từ hướng đông nam vào công trình. Toàn bộ không gian tầng 1 bao che bằng vật liệu mành sáo tre được làm bởi thợ thủ công địa phương.
Công trình có hai hệ thống “điều hòa tự nhiên” kết hợp bởi hồ cá koi có mái che phía trước với hồ bơi và hàng tre ở sân vườn rộng rãi phía sau tạo ra lượng không khí mát giải nhiệt cho công trình ở mọi thời điểm trong ngày. Vật liệu sử dụng chủ yếu được khai thác từ địa phương: gỗ, đá mài, tre…, tất cả được chăm chút bởi đội ngũ thợ lành nghề địa phương. Đa phần các vật dụng và đồ trang trí là đồ cũ và được sưu tầm: cửa gỗ, rương, bàn ghế, mâm gỗ…
Có lẽ với những người thiết kế, điều vui nhất chính là nhìn thấy đời sống diễn ra trong công trình khi đi vào hoạt động. Nguyễn Văn Chương gọi dự án của mình là nhà gió biển, bởi vì với những giải pháp được đề xuất và vận dụng, ngôi nhà chan hòa gió biển và là một khu lưu trú được rất nhiều du khách lựa chọn.
Trở lại thăm công trình và tiếp xúc với những du khách đang nghỉ ngơi ở đây cũng là một niềm vui. Và vui nhất là khi một du khách đến từ Nhật bảo anh rằng “Đây là nơi tôi thấy Hội An nhất!”. Tất nhiên, đó là một cảm nhận riêng và mang tính cá nhân, nhưng dù sao cũng là một sự động viên bởi những tình cảm và ký ức tuổi thơ được gửi gắm vào công trình đã tìm được một tâm hồn đồng điệu.
Vị trí công trình: Bãi tắm An Bàng (Hội An)
Đơn vị thực hiện: Pixarch Studio
Nhóm thiết kế: Nguyễn Văn Chương, Quốc Việt
Đơn vị thi công: Space house
Địa chỉ: 11 Nguyễn Phan Vinh, Cẩm An, Hội An, Quảng Nam
Ảnh Tư liệu từ Pixarch Studio