Chinh phục thành công liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm năm nay với vở rối cạn Thân phận nàng Kiều, đạo diễn – NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, một lần nữa làm bạn nghề xôn xao.
Nguyễn Tiến Dũng đã có những sáng tạo tuyệt vời dành cho nghệ thuật rối cạn. Đương nhiên rồi, chỉ những người nghệ sĩ tâm huyết, không an phận thì mới có thể làm được điều đó.
Cố NSƯT Phương Nhi
Xôn xao vì trước một câu chuyện “trăm mối tơ vò” như Truyện Kiều, thế mà một loại hình nghệ thuật vốn chỉ dành cho những trò diễn ngắn của thiếu nhi như múa rối vẫn xuất sắc chuyển tải thành công, không chỉ vậy, còn rất thời sự.
Còn NSND Nguyễn Tiến Dũng thật thà bảo rằng anh… “hoang mang” trước sự “lên đồng” của mình mỗi khi sáng tạo cùng múa rối.
Thăng hoa cùng nàng Kiều
Phải nói ngay rằng tạo hình các con rối cho Thân phận nàng Kiều (giải vàng vở diễn; 1 giải vàng, 5 giải bạc diễn viên; giải đạo diễn xuất sắc) không quá phức tạp.
Nàng Kiều, thằng bán tơ, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Thúc Sinh, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến… được tạo hình chỉ từ mảnh lụa mắc trên cái mắc áo khi rộng, khi hẹp ghép với những vẻ mặt ngắn – dài…
Thêm nữa, kỹ thuật biểu diễn rối đen cũng không quá gây khó dễ cho nghệ sĩ. Vậy nhưng vì sao những điều đơn giản ấy vẫn đủ sức làm khán giả thổn thức theo những câu Kiều?
Nguyễn Tiến Dũng tiết lộ rằng không phải đến hôm nay mà hơn 10 năm qua anh đã luôn ấp ủ có một nàng Kiều của sân khấu rối cạn. Thế là bốn năm trước, anh “đặt hàng” NSƯT Lê Chức để rồi đến dịp liên hoan thử nghiệm này thì “bung” ra.
“Quả là tôi đã hoang mang vì sức nặng của tác phẩm kinh điển, cả vì chút lòng hiếu thắng trước câu nói vu vơ “múa rối cũng đòi làm Kiều”…
Nhưng thực ra, trong nỗi “hoang mang” ấy tôi đã sắp sẵn cái tứ của riêng mình – cái tứ dải lụa trắng luôn xuất hiện trong đầu mỗi khi nghĩ đến nàng Kiều.
Và việc của tôi là cùng với họa sĩ tạo hình, diễn viên hiện thực hóa hình tượng ấy trên sàn diễn” – anh “bật mí”.
Ngày ba ca, kéo dài liền cả tháng, Nguyễn Tiến Dũng cứ thế “lên đồng” trên sân khấu cùng những đồng nghiệp của mình. Mặc bảng phân vai ban đầu, anh vẫn yêu cầu cả sáu diễn viên nữ vào vai nàng Kiều.
Các diễn viên nam cũng thử đủ vai: Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến, Từ Hải, Thúc Sinh… Đến tận ngày sơ duyệt mới được anh chốt lại. “Mỗi khi dựng vở, anh ấy cứ như “lên đồng”. Hôm nay có thể là thế này nhưng ngày mai lại là thế khác.
Tất nhiên, sự thay đổi của anh ấy luôn đem lại sự mới mẻ, bứt phá nên dù bị quay như chong chóng nhưng chúng tôi vẫn hò nhau làm cho kỳ được.
Có như thế vở diễn mới hay và chúng tôi mới trưởng thành”, diễn viên Lan Hương – người xuất sắc giành huy chương vàng với vai nàng Kiều – nói.
Nói thêm về điều này, Nguyễn Tiến Dũng bảo lúc ở sàn diễn anh chỉ còn mục tiêu duy nhất là làm thế nào vở diễn phải hấp dẫn và chạm đến trái tim khán giả.
Thế nên, anh “tuân thủ” những luồng sáng nghệ thuật ngay trên sàn diễn – cũng có thể gọi là “lên đồng” – dẫu có vất vả hơn, nhọc nhằn hơn. “May mà anh em hiểu, đồng cảm chứ không tôi đã bị… bỏ rơi từ lâu rồi” – Dũng cười khà nói.
Những sáng tạo độc đáo
Nguyễn Tiến Dũng vốn là con nhà nòi của nghệ thuật múa rối – con trai NSƯT Hoàng Luận – một trong bảy nghệ sĩ đầu tiên được Bác Hồ giao trọng trách đặt những viên gạch đầu tiên cho nghệ thuật múa rối nước nhà.
Tuổi thơ của anh gắn liền với những chú Tễu, cô tiên, lân, rồng, phượng… Thế nhưng khi lớn lên anh lại trở thành… diễn viên kịch nói của Đoàn kịch nói Quân đội chỉ vì bạn rủ rê.
Bảy năm gắn bó với sân khấu kịch và đã nhận huy chương vàng của sân khấu kịch nói (vai Sơn trong Người trong bóng tối) khi mang hàm trung úy, thế mà khi gặp cơ hội anh liền trở về với niềm đam mê thơ bé – múa rối. Nhắc lại chuyện này, Tiến Dũng tủm tỉm bảo mối duyên với múa rối của anh đi lòng vòng như thế.
Mà sự trở về này nào có dễ dàng khi anh phải học việc – học cách điều khiển những con rối, đầu tiên phải đúng sau đó là phải… ngọt – cái tiêu chí do chính bản thân anh đặt ra cho riêng mình.
Cặm cụi học thầy, học bạn; cặm cụi làm cho được một động tác khó thậm chí không quản trời lạnh căm căm mà vẫn đầm mình dưới nước, cuối cùng Tiến Dũng đã chinh phục được sân khấu múa rối với những vai diễn xuất sắc giành huy chương vàng các kỳ hội diễn như tráng sĩ trong vở Chuyện một tráng sĩ, cùng lúc đảm nhận ba vai (quan thanh tra, lâm tặc và thợ săn) trong vở Chuyện trái đất hoặc hai vai (chú lính chì, vịt con xấu xí) trong vở Truyện cổ Andersen… hay Múa phượng trong chương trình Hồn quê.
Rồi thì cùng với việc biểu diễn, anh mạnh dạn “nhón chân” sang lĩnh vực đạo diễn và các vở diễn của anh luôn xuất sắc giành giải cao trong các kỳ đua tài quốc tế như: Ngày hội buôn làng Đắk Lắk, Trăng trẻ thơ, Aladin, Nét Hồng Lam, Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Aladin và cây đèn thần, Tôn Ngộ Không đánh Bạch Cốt Tinh…
Đặc biệt với chương trình rối cạn Nhịp điệu quê hương (2013), anh đã khiến nhiều người phải ngạc nhiên: Có thật chất liệu mây tre đan cũng có thể hóa thành con rối?, để rồi phải nắc nỏm khen sự sáng tạo độc đáo của anh.
Tiếp sau thử nghiệm này, năm 2015 anh trình làng Vũ điệu hoa quỳnh – một tiết mục vẫn là những con rối được tạo hình từ mây tre nhưng đẹp lung linh khi được trình diễn bằng rối dây kết hợp với ánh sáng.
Sáng tạo mới mẻ này đã khiến bạn bè quốc tế tham dự liên hoan múa rối quốc tế tại Việt Nam năm 2015 phải nghiêng mình thán phục.
“Chỉ có một từ “tuyệt” dành cho Vũ điệu hoa quỳnh. Đạo diễn đã thật thông minh và sáng tạo khi kết nối và thổi hồn cho mây tre thành những con rối” – ông Nik Dasilva Palmer, Giám đốc Nhà hát Múa rối Nowich (Anh), đã thốt lên như thế.
Liên tiếp gặt hái thành công với những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, Nguyễn Tiến Dũng bảo đấy là áp lực rất lớn.
Cũng vì nghệ thuật múa rối rất đặc thù, thường bị bó hẹp từ quan niệm cho đến kỹ thuật biểu diễn. Nhiều khi hoàn thành mỗi vở diễn là anh tính… xả hơi ngay, thậm chí rất ngại bắt tay vào dự án mới.
Thêm nữa, anh còn bận bịu với công tác quản lý nhà hát từ phó giám đốc rồi mới đây là giám đốc.
Nói vậy thôi chứ ngay sau đó anh lại thanh minh: “Thế nhưng, nghề nó ăn vào máu rồi, hễ xem gì, nhìn thấy gì là trong đầu tôi lại xuất hiện những câu hỏi: nếu múa rối dàn dựng thì thế nào nhỉ, vật ấy, chất liệu ấy có thể trở thành con rối được không? Thế đấy, không thể xả hơi hay buông…”.
Món quà rối nước tặng cha
Không chỉ thành công ở rối cạn, Nguyễn Tiến Dũng còn thành công cả ở rối nước. Năm ngoái, vở rối nước Trê Cóc mà anh đạo diễn đã ẵm huy chương vàng duy nhất của đoàn Việt Nam ở Liên hoan múa rối quốc tế Việt Nam năm 2018.
Ngoài việc kể câu chuyện dân gian Trê Cóc bằng nghệ thuật rối nước cổ truyền một cách sinh động, nhuần nhuyễn, không gian của vở diễn này cũng được anh làm mới với chiếc quạt chèo lớn mở ra các tình huống kịch cùng ngọn đuốc lung linh khỏa lấp những điểm tối.
Nhưng với riêng anh, Trê Cóc còn có một lý do đặc biệt: “Trê Cóc là một kịch bản tâm đắc của bố tôi nhưng khi chuẩn bị dàn dựng thì ông mất.
Trong một lần soạn lại tài liệu, tôi đọc được kịch bản và thấy câu chuyện vẫn còn nguyên tính thời sự nên đã ấp ủ hoàn thành tâm nguyện của ông, tưởng nhớ tới ông sau 30 năm đi xa” – anh trầm giọng
Không phải ngẫu nhiên mà từ tác giả, nhà nghiên cứu cho đến đạo diễn sân khấu như Hoàng Thanh Du, Lê Quý Hiền, Nguyễn Thị Minh Thái, Trần Minh Ngọc… đều tấm tắc: vở diễn Thân phận nàng Kiều đã thuyết phục và quyến rũ được khán giả bởi cách xử lý sân khấu thông minh, sắc sảo của đạo diễn.
NSND Vương Duy Biên đánh giá: “Các nghệ sĩ đã cho ra mắt một tác phẩm nhiều sáng tạo cùng với nhiều tâm, chí, công, sức”.