Thường thì những tay chơi có ngạch khi đã gom đủ đồ cổ thích chạy ra phố mua nhà, hoặc dựng cơ ngơi khuất nẻo men hồ Tây, xa xôi và thênh thang vùng ngoại ô để tận hưởng hương gió, hương quê; người đàn ông phong trần này lại có thú riêng: anh hài lòng với không gian nhỏ bé của mình khi chui tụt vào ngõ sâu hút, lẩn khuất thân phận và cũng lẩn khuất ngôi nhà của mình trên chính mảnh đất của gia đình để lại, cam chịu và có lẽ cũng là thích thú với môi trường của ngôi làng cổ đang bị đô thị hóa tới tận chân tơ kẽ tóc.
Chẳng còn mấy hình bóng của làng cổ Kim Liên xưa, ngoại trừ mái chùa và mái đình cổ kính vẫn nép dưới bóng đa, còn lại thì ngõ bêtông đã len vào tới từng góc xa nhất của làng. Bị o ép tứ bề, chật tới cả con ngõ chạy qua trước mặt, chủ nhân căn nhà khi muốn níu giữ hồn xưa cũ của ông bà đành tìm giải pháp cho căn nhà chật cứng đồ cổ để vừa có thể sống thoải mái, vừa có không gian trưng bày những di sản của tiền nhân để lại.
Và để làm được điều này, giải pháp khéo léo của chủ nhân đã khiến ngôi nhà có dáng dấp như một chiếc giếng thơi – vừa sâu, vừa có cảm giác rộng thênh thênh và cũng có thể gợi về sự nông choèn choèn. Cánh cửa gỗ nặng nề hệt như cổng làng cổ mở ra, ùa xuống giữa nhà một luồng ánh sáng soi thẳng từ trên xuống: giếng trời – biện pháp tạo không gian mở giản đơn nhất song cũng khá phức tạp về mặt kiến trúc khi áp dụng cho ngôi nhà vừa để sinh hoạt, vừa để trưng bày, lại hơi méo và không có chiều sâu như thế này.
Chính nguồn sáng giếng trời đã khiến căn nhà như mở ra từ phía trong, và cũng như đẩy những giá gỗ trắc lỉnh kỉnh bình, lọ, ấm, chóe… cổ sâu hơn một chút về phía sau, khiến con người khi đứng trong phòng khách – không gian chính của tầng trệt cảm thấy thoải mái hơn, không còn gò bó với cảm giác bị vây kín bởi cổ vật.
Một cánh cửa sổ nhỏ mở ra trong tận cùng, từ đó ánh sáng tự nhiên soi nghiêng chiếc bình gốm đời Hán. Dọc theo tường, bộ tràng kỷ được tiếp nối bởi giá trưng bày đóng từ gỗ cẩm thị – một loại gỗ dù mới hay cũ cũng màu đen bóng, trên đó tất nhiên cổ vật được sắp xếp theo ngẫu hứng để tầm mắt hết miên man trên lớp men tróc của khạp đời Trần lại trôi xuống dáng cong của bình tỳ bà đời Lê.
Ngăn chắn giữa không gian phòng khách và khu vực sân trời giữa nhà là cỗ ngai sơn son thếp vàng đã thấm đẫm thời gian, trên đó cuốn Hán thư mở trang như còn ấm hơi tay nho sĩ thuở xưa. Sự ngăn cách ở tầm thấp khiến nội thất căn phòng được liên thông với sân trời, từ đó dẫn bước chân hoặc lên thang gác hoặc vào buồng kho. Tiếng là buồng kho nhưng trong đó cũng là khu vực sắp đặt nghiêm cẩn với hốc tường đặt tượng Phật, câu đối, hoành phi và sập cổ.
Thang gác chạy gấp khúc men tường dẫn bước chân tới các khu vực sinh hoạt – trưng bày khác của gia chủ. Tranh sơn mài của Đinh Quân được bài trí riêng biệt giữa lưng chừng trời, cách biệt hẳn với không gian cổ vật bên dưới, để từ đó căn nhà được bài trí càng lên cao càng theo chiều hướng hiện đại, tuy vẫn phảng phất hơi hướng của người say mê đồ cổ.
Không sa vào sự chồng chất ngột ngạt như một số bộ sưu tầm khác, ở đây những cổ vật đều được chọn lựa cầu kỳ để được sắp đặt hài hòa với không gian sinh hoạt chung. Mái nhà trổ bêtông như lưới đan đã tạo nên nguồn sáng đồng đều cho tất cả các góc của căn nhà, để từ đó vừa tôn lên màu men, dáng cốt của những chiếc bình cổ, vừa khiến không gian chung thoát khỏi cảnh chật chội của ngôi nhà vốn dĩ chỉ 56m2 diện tích.
Đương nhiên các kiến trúc sư tài ba có thể vạch ra không ít khiếm khuyết của căn nhà, song với tay nghề của người chơi cổ vật, việc tự tạo cho mình không gian yêu thích như thế này có lẽ đã là một sự hài lòng với bản thân. Bởi xét cho cùng, với căn nhà này, cả chủ nhân và cổ vật đều tìm được vị trí của riêng mình.
Hình ảnh: Thái A
- Xem thêm: Nỗ lực cho hiệu quả đồng bộ