Đôi dòng ghi chép chỉ ở một công trình, chắc chắn là chưa đủ với những gì Zaha Hadid đã đóng góp cho kiến trúc thế giới
Như tấm khăn quàng bất ly thân luôn cùng bà xuất hiện trong các sự kiện danh giá, các hình khối của Zaha Hadid thiết kế như “choàng và quấn” trong các không gian đô thị một cách duyên dáng và hữu cơ.
Như ánh mắt sắc sảo mà ấm nồng của một trong những ngôi sao sáng nhất kiến trúc đương đại đầu thế kỷ XXI, công trình của bà dù hoành tráng hay nhỏ xinh vẫn luôn sắc gọn và dứt khoát chứ không mông lung bất định, vẫn “ném” ánh nhìn đầy tự tin chiếu vào các nơi chốn mà bà đến và để lại dấu ấn. MAXXI ở Roma là một dấu son như vậy, mềm mại và mạnh mẽ, kiêu hãnh và dịu dàng, để kinh thành thuộc loại xưa cổ nhất cựu lục địa có thêm một điểm đến hiện đại không dễ tạo dựng giữa trùng trùng di sản cũ và cổ vây quanh.
Khi Zaha thuyết trình ý định sẽ biến MAXXI ở Roma thành chốn ai đến cũng thấy thoải mái, nhiều người có lẽ chưa tin, bởi nghệ thuật đương đại vốn chẳng “dễ ăn”, bởi không khí cổ điển đã in hằn dấu ấn thời gian trong tâm trí cư dân lẫn du khách tại đất nước hình chiếc ủng. Dạng kiến trúc giải tỏa kết cấu, ngọ nguậy mạnh mẽ với những cú rẽ bất ngờ đã làm nên thương hiệu của Zaha ở Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Rosenthal (Mỹ) hay tổ hợp sản xuất xe hơi BMW (Đức),… liệu có thành công?
Nhưng chỉ cần đặt chân đến cổng của MAXXI, từ cái nhìn đầu tiên, ta sẽ được gặp giai nhân mình đã quen mà chưa từng hội ngộ. Người ta hay coi bảo tàng, trung tâm nghệ thuật như những nơi tĩnh lặng, trang trọng. Thì đây, MAXXI vẫn an yên và sang cả chứ không hề nhốn nháo xô bồ. Nhưng hình khối theo cách Zaha “vắt và choàng” len lỏi qua các khối nhà cũ từ phố Guido Reni đến phố Massaio thì không hề tĩnh, chúng như dồn lại, kéo thị giác về một phía tương phản với kiến trúc cổ chung quanh, rồi đưa chân bạn bước về một phía khác.
Liên tục, liên hoàn, liên thông, liên kết… trong ngoài với nhau qua những ngã rẽ ngoặt bất ngờ, khó đoán, rồi trượt đi, rồi vặn mình, rồi như muốn tung bay. Hình thức và nội dung ở MAXXI lạ lẫm mà vẫn hòa quyện, không tồn tại kiểu “hình thức để phục vụ nội dung” gò bó nào đó. Các yếu tố quen thấy như cột, dầm, sàn, cửa, tường… được giấu biến, được thay thế thật tự nhiên bằng các yếu tố mảng, miếng, thanh chống, ống xiên… với diện mạo cấu trúc hữu cơ, trộn vào nhau, rồi nở bung ra. Hình thức như thế chính là nội dung đã được nén kỹ, khiến kiến trúc này thoát hẳn khỏi khái niệm “ngôi nhà” cố hữu.
Nhìn vào mặt bằng và hình khối của Zaha xử lý cho MAXXI, có thể thấy nữ nghệ sĩ đã khéo quàng một “dải lụa” chen giữa những dãy nhà đều tăm tắp trong khu phố Guido Reni, rồi đẩy tiếp những đường ray xe điện phía phố Massaio phải rẽ ngoặt vào khúc quanh của một nhà ga cũ mờ nhòa trong tâm thức người tham quan. Người ta chỉ thấy như chậm trôi theo những mảng bê tông trắng tinh khiết, trôi cùng ánh sáng, để rồi tự cảm nhận, thu nhận, tiếp nhận, đón nhận, ghi nhận… theo cách riêng của mỗi người.
Một khu vực thật cũ mà lại thật mới, qua xử lý của Zaha đã đưa giao thông và không gian của các thời kỳ khác nhau đi cùng nhau, không hỗn loạn. Giúp chúng biết tự phân chia và giữ phận mình. Giúp những ai hay đánh giá xấu đẹp của kiến trúc qua tỷ lệ, màu sắc, đường nét phải xem lại các tiêu chuẩn mỹ học quen thuộc. Kiến trúc của Zaha vì thế như những lời nhắc nhở nhẹ nhàng, rằng nếu cần thì các nữ kiến trúc sư sẽ không ngại làm “cành hồng có gai” để sẵn sàng “chen vai thích cánh” cùng quý ông trong thị trường thiết kế hiện đại đầy chọn lọc khắc nghiệt!
Chữ Z của cái tên Zaha nhắc nhở khái niệm làm điều gì cũng phải tới nơi tới chốn, từ A đến Z, làm thật chi tiết nhưng không rập khuôn, không lặp lại bất kỳ ai, kể cả chính mình.
Chữ Z của Zaha ẩn dụ các thủ pháp xử lý không gian dứt khoát từ dọc, ngang đến đan chéo đầy bất ngờ. Chữ Z ấy cũng nhắc gợi về số không (zero) bởi những công trình của Zaha trông có mà như không, không xáo trộn môi trường sẵn có nhưng cũng không cố gò ép vào khuôn thức đã định nào cả.
Hỡi những ai yêu cái đẹp không khuôn mẫu, kiến trúc giải tỏa kết cấu của Zaha chính là vẻ đẹp kiến trúc không trang điểm mà vẫn kiêu sa quyến rũ! Khi nghe tin bà ra đi đột ngột ở độ tuổi đang chín của người làm nghề sáng tạo không gian (31-3-2016), có lẽ mọi tín đồ của kiến trúc hiện đại toàn thế giới đều nghiêng mình cầu chúc cho cuộc lãng du vào những cõi dáng hình phiêu bồng của bà luôn viên mãn, như đã từng viên mãn lâu nay.
Xin được nghiêng mình trước bà với tất cả niềm kính ngưỡng nghề nghiệp trân trọng nhất.
MAXXI là viết tắt của Museum of 21st Century Arts. Đây là bảo tàng đầu tiên tại Ý dành cho sự sáng tạo đương đại, nghệ thuật và kiến trúc.
Không chỉ là nơi để triển lãm nghệ thuật, MAXXI còn tổ chức các hội thảo nghiên cứu về thiết kế đương đại, thời trang và điện ảnh để thiết lập một cuộc đối thoại với nghệ thuật và kiến trúc – văn hóa. Sứ mệnh của nó lấy cảm hứng từ ba từ quan trọng: sự đổi mới, đa văn hóa và liên ngành.
Trong khi các nước khác ở Âu châu đã có nhiều công trình kiến trúc và nghệ thuật hiện đại, thì đất nước hình chiếc ủng này vẫn in đậm phong cách nghệ thuật của kỷ nguyên Phục hưng. Thế nên, năm 1998 Bộ trưởng Văn hóa Italia đã quyết định thay đổi thực tế đó và xúc tiến dự án xây dựng Bảo tàng MAXXI. “Ý tưởng đó cho thấy rõ rằng Italia cũng có nghệ thuật hiện đại và không phải luôn nhìn vào nghệ thuật của quá khứ”, Pio Baldi, chủ tịch của tổ chức điều hành MAXXI đã nói.
Đối với MAXXI, Zaha Hadid muốn tạo nên một cấu trúc không đơn thuần chỉ “chứa đựng” nghệ thuật, mà là một “trung tâm văn hóa đô thị”. Dự án này tốn kém tới 150 triệu euro và được bố trí về phía tây bắc thành phố, cách xa trung tâm lịch sử của Roma.
Tiểu sử Zaha Hadid
Sinh ngày 31-10-1950, tại Baghdad, vào năm 2004, nữ kiến trúc sư người Anh gốc Iraq – Zaha Hadid – đã trở thành người phụ nữ đầu tiên giành giải thưởng kiến trúc Pritzker và viết nên một trang mới trong lịch sử 26 năm của giải thưởng này. Đối với Zaha Hadid, có thể nói đây là một niềm khích lệ lớn lao, một sự khẳng định thành quả của hướng tiếp cận kiến trúc mới mẻ theo trường phái mà bà hằng theo đuổi – trường phái kiến trúc “Giải tỏa kết cấu”.
Năm 1977, sau khi tốt nghiệp và cộng tác một thời gian ngắn tại văn phòng của kiến trúc sư tài năng Koolhaas, bà quyết tâm phát triển thương hiệu riêng với phong cách thiết kế “tân hiện đại” (neo-modernism). Kiến trúc mang phong cách Zaha Hadid luôn xây dựng các hình khối có kết cấu zigzag đa dạng – dựa trên chất liệu của khoa học viễn tưởng – và tạo nên một cơ cấu chuyển động tựa như chất lỏng khiến ta cảm nhận không gian luôn dịch chuyển không ngừng.
Cũng từ năm 2004, bà đã khẳng định quan điểm “cần thiết cho mọi người hiểu rằng nghề kiến trúc không được phép đi theo lối mòn truyền thống và không hề dễ dàng chút nào”. Chính sự tự chủ nghề nghiệp, không tự hài lòng về các thành quả đạt được là những yếu tố làm nên thành công cho bà. Bên cạnh đó, cá tính mạnh còn giúp bà loại bỏ những vị khách hàng không am hiểu và những dự án yếu kém, để mỗi công trình mà bà thiết kế khi trở thành hiện thực đều thật rắn rỏi dứt khoát như chính người sáng tạo ra chúng.
Không chỉ là một kiến trúc sư nổi tiếng, Zaha Hadid còn được biết đến như là tác giả lừng danh trong lĩnh vực nghệ thuật sắp đặt, hội họa và thiết kế nội thất. Vì những nỗ lực không mệt mỏi cho ngành kiến trúc và nghệ thuật, vào năm 2002, Zaha Hadid đã được trao tặng Huân chương Vương quốc Anh, tước Sĩ quan (CBE).
- Ảnh Huyền Ân, Tư liệu