Mọi dân tộc trên thế giới dù phát triển văn minh và kinh tế hùng mạnh đến đâu vẫn luôn có những điều kiêng kỵ trong cuộc sống tùy theo đặc trưng văn hóa và phong tục sinh hoạt riêng.
Văn hóa dân gian Việt lưu truyền nhiều tục lệ vào dịp năm mới liên quan đến “có kiêng có lành”, thể hiện thái độ sống biết trân trọng bản thân và cộng đồng của cha ông ta.
Thời hiện đại dẫu có nhiều biến đổi xã hội sâu rộng về thói quen, tập quán, nhưng nếu biết chọn lọc đúng mức, vừa đủ, thì các kiêng kỵ và tục lệ vào dịp năm mới luôn là nếp ứng xử đáng tham khảo.
Những kiêng kỵ trong sinh hoạt như đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi, kiêng quét nhà, rơi vỡ đồ đạc, kiêng cho nước, cho lửa, hay cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói ngày năm mới… tuy không còn quá nghiêm ngặt trong tết thời hiện đại nhưng vẫn nên tham khảo để đón xuân được vui vẻ, trân trọng và an tâm.
Còn một số vấn đề liên quan đến phong thủy như xem xét ngày giờ, xuất hành, khai bút, khai trương thì cần hiểu và áp dụng cho hợp lý.
Khai xuân, khai bút tân niên
Về mặt không gian, con người luôn tương tác cùng bối cảnh, phương hướng và thời điểm cụ thể, do đó tục lệ khai trương, khai xuân, khai bút đầu năm cần hiểu trên phương diện lịch pháp và phương vị phong thủy để áp dụng cho phù hợp, tránh nhầm lẫn. Mỗi khi năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, mọi người có thói quen xem lịch Âm Dương để chọn ngày khai trương, xuất hành, hay khai bút, mở hàng làm ăn…
Thời điểm Lập xuân hằng năm liên quan chặt chẽ đến toàn bộ chu kỳ thời tiết một năm(*), nên mọi hoạt động thời điểm này đều mang ý nghĩa khởi đầu chu kỳ thời gian mới của con người (Nhân) trong bối cảnh thời gian (Thiên) và không gian cụ thể (Địa). Khai xuân với các hoạt động đi kèm chính là xác lập chuỗi hoạt động Thiên – Địa – Nhân đó.
Tục lệ khai bút là một nét đẹp văn hóa truyền thống khởi nguồn từ những bậc thức giả, văn sĩ… duy trì truyền lại, mang ý nghĩa trân trọng tri thức. Ngày nay không chỉ giới viết lách khai bút, mà từ doanh nhân đến học sinh, nghệ sĩ… đều quan tâm đến thời điểm khai bút, và việc khai bút cũng không chỉ là “viết đôi ba dòng chữ” với giấy, bút, mực truyền thống, mà có thể khai máy móc, khai nhạc cụ, khai chuột (vi tính),… nói chung là khai mở, sử dụng những phương tiện, thiết bị, vật dụng liên quan đến nghề nghiệp của mình một cách trang trọng, tập trung và hứng khởi.
- Xem thêm: Năm mới, màu mới, không gian mới
Việc khai bút (và khai trương công việc nói chung) cũng không nhất thiết phải bắt đầu làm việc như một ngày làm việc bình thường, mà đơn giản là viết ra những dòng đầu tiên của năm mới. Khai bút luôn đi kèm với thể hiện mong ước tốt đẹp, may mắn, thành công, với tâm thế nghiêm túc, sửa soạn chu đáo, với không gian tương hợp bản mệnh của người thực hiện.
Cần chọn vị trí ngay ngắn, vững chãi, tầm nhìn thoáng mở, trang trí phù hợp. Năm nay Kỷ Hợi thuộc Bình Địa Mộc (cây đất bằng), nên chỗ khai bút có thể bố trí cây cảnh hay chọn khoảng nhìn ra cây cối bên ngoài, nếu có nước chảy róc rách (giúp Thủy sinh Mộc) càng tốt. Cần lưu ý có điểm tựa (tọa) sau lưng vững vàng, phía trước giữ khoảng trống (Nội Minh Đường) quang đãng, chuẩn bị vật dụng sẵn sàng, tâm thế an yên, thư thả nhẹ nhàng.
Khai bút chính là khai mở tâm hồn trong ngày tân niên, nên có thể chuẩn bị và viết ra một số câu văn hay, ý đẹp, hoặc soạn thảo kế hoạch, dự định làm việc của mình. Đó cũng là thái độ biết trân trọng các giá trị tinh thần, biết tổ chức, hướng đến những điều chỉn chu trong công việc và cuộc sống.
Xuất hành nhìn vị, tính hướng
Tập tục xuất hành cũng hết sức phổ biến, bởi theo quan niệm Dịch lý Đông phương thì xuất hành đầu năm chính là di chuyển về phương vị cát lợi của năm đó (theo vận niên) và của tuổi mỗi người (mệnh trạch) để đón nhận những sinh khí, may mắn nhằm khởi đầu năm mới thuận lợi.
Phong thủy có câu “nhất vị nhị hướng” chính là nêu thứ tự xem xét trong không gian, trước hết phải định vị, rồi sau đó định hướng. Khi nói đến vị thì hay nghe kèm theo về hướng nào đó để chỉ hướng so với tâm gốc, từ gốc đó sẽ xét phương hướng và quan hệ chung quanh. Xuất hành đi đâu cũng phải lấy nơi khởi hành làm gốc.
Tục lệ xuất hành đầu năm cần hiểu đúng với ý nghĩa nguyên thủy là sự dịch chuyển chủ động để đón nhận sinh khí của thời khắc năm mới, tạo đà hứng khởi cho các hoạt động trong cả năm. Vì vậy người xuất hành cần chuẩn bị tâm thế và điểm đến phù hợp, chứ không phải cứ đi ra đường vài bước là xuất hành, nếu điểm đến không cụ thể, không có ý nghĩa, không hẹn trước (đi thăm viếng bạn bè, người thân)… thì sẽ không đạt ý nghĩa xuất hành đầu năm, dù có chọn hướng kỹ càng.
- Xem thêm: Năm mới, nhà mới, đóng – mở
Về phương hướng, cần lấy ngôi nhà của người xuất hành làm tâm xét, ra khỏi nhà thì đi về hướng nào (mà hợp với tuổi và vùng khí vượng của năm đó). Nếu cửa chính của nhà không mở về hướng cần đi thì có thể cứ đi ra khỏi nhà, sau đó chuyển hướng tùy theo đường sá, miễn sao điểm đến vẫn đúng hướng muốn đến xét từ tâm gốc (theo đường chim bay), còn phố xá thông thường dĩ nhiên phải có lối rẽ qua rẽ lại.
Điểm đến cũng cần rõ ràng, cụ thể, và là nơi chốn được chọn lựa xứng đáng để ghé thăm đầu tiên trong năm mới. Ví dụ như đi lễ chùa, đi thăm bà con bạn bè, du lịch… chứ không phải là “nghe nói hợp hướng nam thì chạy xe về phía nam” cho có!
Các tư liệu tham khảo về lịch Can Chi năm nay cũng chỉ ra ngày mùng 1 Tết năm Kỷ Hợi là ngày Quý Dậu, tháng Bính Dần. Ngày này Dậu thuộc Kim còn Quý thuộc Thủy, Chi sinh Can nên tuy là ngày hắc đạo (xấu theo lịch Âm Dương) nhưng vẫn có những giờ tốt có thể chọn lựa cho việc chúc tụng, lễ bái, cầu phúc, quây quần trong gia đình. Đó là các giờ Tý (23 giờ đêm Giao thừa – 1 giờ sáng), Dần (3g – 5g), Mão (5g – 7g), Ngọ (11g – 13g), Mùi (13g – 15g) và Dậu (17g – 19g). Các tuổi Đinh Mão, Tân Mão và Đinh Dậu nên lưu ý cẩn trọng vì đây là ngày bị xung khắc theo Can Chi.
Còn ngày mùng 2 Tết (ngày Giáp Tuất) theo lịch Can Chi sẽ khá tốt (hoàng đạo) bởi được vượng, tướng và lộc, có thể tham khảo chuẩn bị cho các công việc khai trương, khai xuân tùy theo tính toán của mỗi người. Dĩ nhiên vẫn có một số tuổi kỵ ngày này, đó là tuổi Nhâm Thìn, Canh Thìn và Nhâm Tuất. Tương tự các ngày kế tiếp cũng vậy, luôn có mặt tốt và xấu song hành theo quy luật tất yếu của vũ trụ, vấn đề là con người biết khéo chọn cái tốt (trạch cát) sao cho phù hợp với đặc tính và hoàn cảnh của bản thân, gia đình.
Bố cục, sắp xếp theo vận khí tân niên
Mọi ngôi nhà dĩ nhiên phải được tính toán, sắp xếp từ cấu trúc phần cứng đến bài trí phần mềm một cách khoa học và theo nhu cầu. Tuy vậy vẫn có thể lưu ý thêm một số đặc trưng về phong thủy trong năm Kỷ Hợi để giảm xấu tăng tốt, miễn sao không ảnh hưởng về công năng, kết cấu và thẩm mỹ.
Các phương tương hòa và tương sinh có lợi là Trung Cung (sao Bát Bạch Thổ), chính tây (sao Nhất Bạch thủy), chính bắc (sao Tứ Lục Mộc). Các cung tương khắc là chính đông, đông nam, tây nam, tây bắc. Còn đông bắc (sao Nhị Hắc Thổ) và chính nam (sao Tam Bích Mộc) tuy có tương vượng ngũ hành nhưng lại là sao xấu nên càng thêm xấu.
Cụ thể như sao Nhất bạch thủy tinh năm nay tọa vào phương chính tây, thuộc Kim sinh Thủy nên đắc lợi về danh tiếng, công danh và gia đạo. Các chuyên gia về Huyền không khuyến nghị nên có sự sắp xếp phương vị này nhằm gia tăng yếu tố hành Kim và hành Thủy thông qua các biểu hiện màu sắc (trắng, xám, màu kim loại, màu đen…) và chất liệu (kim loại, đồ trang trí bằng đồng, ánh kim) đường nét hình khối (tròn, uốn lượn…).
- Xem thêm: Làm mới, làm đẹp nhà cửa cuối năm
Một ví dụ khác là ở phương chính bắc, năm nay có sao Tứ lục mộc tinh nhập vào, thuộc Thủy sinh Mộc nên đắc lợi về khoa cử, thăng tiến và yếu tố đào hoa. Các trang trí, sắp đặt được khuyên dùng ở đây liên quan đến hành Mộc và Thủy, ví dụ như cây cối, hoa lá tươi tắn, vật trang trí màu đen hay xanh lá cây, hạn chế hành Kim ở phương vị này.
Có thể ai đó cho rằng các bố trí nêu trên phức tạp, không cần thiết hoặc không có ý nghĩa trong thời đại khoa học công nghệ tiên tiến. Nhưng thực ra ngay tại các nước tiên tiến nhất hiện nay người ta vẫn xem giải pháp phong thủy là một trong nhiều kênh thông tin tham khảo song hành với cách thức xử lý không gian. Đơn giản nhất, đây là một nhu cầu có thực của các nhóm cư dân theo văn hóa truyền thống Đông phương. Còn phức tạp hơn, đó là những cách giải khác nhau cho bài toán tìm kiếm nơi cư trú an lành, tùy thuộc tính chất văn hóa cụ thể.
Việc bố trí phong thủy dù theo trường phái Hình thế, Bát trạch hay Huyền không, cũng đều dựa trên phối hợp Âm Dương Ngũ hành, không mê tín và không đối nghịch với quan điểm thiết kế hiện đại. Mọi ngôi nhà đều cần chú ý đến sự thay đổi linh hoạt theo từng thời điểm, quan tâm đến nhu cầu và khả năng khác nhau của hoàn cảnh cư trú để có được không gian sống an hòa.
Năm mới lại tới, như mọi năm đã qua, sẽ có đủ tốt xấu hiện diện trong vòng xoay chuyển của vũ trụ rộng lớn. “Có kiêng có lành” là nếp ứng xử khôn khéo của văn hóa dân tộc Việt. Biết kiêng kỵ vừa đủ để không kìm hãm phát triển, cũng là để xác lập các mối quan hệ con người và môi trường tốt đẹp hơn, bền vững hơn.
(*) Theo thuật ngữ của lịch hiện đại ngày nay thì các tiết khí trong lịch Âm Dương được tính theo vị trí của Trái đất trong chu kỳ chuyển động trên quỹ đạo xung quanh Mặt trời. Ngày bắt đầu tiết Lập Xuân được tính theo Dương lịch hiện đại thông thường rơi vào ngày 4 hoặc 5 tháng 2 Dương lịch tùy theo năm.
– Ảnh Xuân Trang