Biến đổi khí hậu đã tác động rõ rệt vào môi trường sống. Giải nhiệt cho nhà trở nên cấp thiết và đòi hỏi không chỉ các biện pháp kỹ thuật thuần túy. Xét trên bình diện phong thủy và vật lý kiến trúc, các phương thức giúp ngôi nhà mát hơn được đúc kết xưa nay chủ yếu xoay quanh năm bước: đủ, đúng, đáng, đẹp và độc đáo, tạm gọi là “nguyên tắc 5 Đ”.
Mát đủ
Nhà nào cũng có không gian chính phụ, đi từ đại thể đến các chi tiết. Nếu không xem xét đầy đủ các yếu tố mang tính tổng quan mà chỉ xử lý cục bộ thì không gian sống sẽ không đạt được định vị phong thủy toàn diện. Cụ thể như câu “Sơn hoàn thủy bao tất hữu khí” cha ông ta đúc kết rằng cuộc đất dựng nhà mà thiếu chỗ dựa phía sau, thiếu mặt nước bao quanh thì vi khí hậu khó cải thiện tích cực, dẫu làm nhà cầu kỳ cũng khó mát mẻ vào mùa nóng, chẳng ấm áp vào mùa lạnh được. Cũng vì quan tâm đến sự đầy đủ một cách vừa phải mà đa phần nhà cửa trước kia đều không làm quá to lớn hoành tráng, chú trọng sự tương thích về tỷ lệ không gian với con người, nhà nào cũng cố gắng xoay về hướng gió mát, tránh nắng gắt, có cây cối hỗ trợ che chắn như một cách để làm mát tự nhiên đơn giản và tiết kiệm nhất.
Theo Huyền Không Phi Tinh, ngay cả khi thế đất được cách Vượng sơn vượng hướng về trạch vận (chọn nhà đất theo thời vận và phương hướng) thì cũng luôn phải đi kèm điều kiện là thế đất ấy cao ráo, có chỗ dựa tọa sơn, có mặt nước hướng thủy. Những tình huống này không dễ tìm được trong nhà đất thời hiện đại, nên phải xử lý bằng thủ pháp nhân tạo. Nhà đất rộng thì tạo cây xanh thảm cỏ mặt nước làm dịu bức xạ lên bề mặt chung quanh, có cây to che mát phía nắng gắt, cây cảnh tươi đẹp phía gió lành. Nhà phố nhỏ thì cũng phải biết lùi sân trước, chừa sân sau, mở sân giữa hay giếng trời nhằm có được minh đường quang đãng và các khoảng thoát khí nóng hữu hiệu, đầy đủ.
Mát đúng
Sau khi thiết lập được đủ các yếu tố cơ bản để giảm thiểu khắc nghiệt của khí hậu, cần tập trung tiếp vào việc đón gió thoát gió giảm nóng cho đúng. Đầu tiên là nhờ cách đặt cửa, mở cửa. Gió vào thì phải có gió ra, nên cửa lấy gió và thoát gió cần bố trí nghịch chiều nhau, tạo thông gió xuyên phòng chứ không tạo vùng gió quẩn, tránh gió lùa… theo vật lý kiến trúc lẫn phong thủy gọi là mát đúng.
Cha ông ta hay nói “Nhà cao cửa rộng” chính là cách mở cửa khôn khéo trong nếp nhà truyền thống, hệ cửa dàn ngang về phía gió nam và lân cận nam, tùy theo mùa, tùy giao tiếp mà mở cửa này đóng cửa kia. Hiếm khi mở cửa trực tiếp ra mưa nắng bên ngoài, mà luôn mở ra hiên, có tấm che nắng, ra thềm rồi mới đến sân, thời hiện đại còn gọi là mặt đứng hai lớp hay tạo không gian đệm, một cách làm mát khoa học, không gây sốc nhiệt đột ngột. Hệ tấm phên liếp, hay giàn lam còn giúp lọc nắng hữu hiệu mà vẫn đưa gió len lỏi vào nhà. Các ngôi nhà hiện nay nếu được thiết kế theo kiểu nhiệt đới (tropical house) thì đa phần cũng đều làm theo tinh thần mát đúng ấy. Dù tuổi gia chủ hợp hướng tây, không có nghĩa là cứ phải mở toang cửa về đó, mà nên tạo thêm khoảng đệm bên ngoài lớp cửa, hoặc dùng hệ lam xoay linh hoạt để chắn nắng.
Sau cửa là bếp, nơi cần có khả năng thoát nhiệt khi nấu nướng, nên vừa cần giải pháp tương sinh (như Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa) lại cần cả tương khắc (như Kim khắc Mộc, Hỏa khắc Kim) bằng hệ thống trang thiết bị phù hợp. Bếp xưa luôn đặt cuối hướng gió để tránh hỏa hoạn. Bếp nay hiện đại hơn, nhưng vẫn chớ quên việc gió lùa đưa mùi nấu nướng, dầu mỡ lan tỏa khắp nhà. Đó chính là tinh thần phong thủy: vừa cần giữ gìn Hỏa tại vị trí cần Hỏa (bếp lò, nồi nấu), lại vừa phải khắc chế, giảm bớt tính Hỏa cho các không gian lân cận (ăn, ngủ, sinh hoạt).
Mát đáng
Làm mát cho không gian sống còn phải lưu tâm đến yếu tố thiết thực khi sử dụng, nói nôm na là “hình nào thế ấy, thế nào thì khí ấy”, tạo ra hình dáng nhằm giải quyết công năng, tốn chi phí để đạt được gì, đề cao tính thực dụng hằng ngày. Mái tôn dĩ nhiên nóng hơn so với mái ngói, tường mỏng nóng hơn tường dày, nhà nhiều cửa kính nóng hơn nhà mở cửa vừa phải, cửa có lá sách, cửa có tấm che nắng bên trên.
Câu hỏi đặt ra: có đáng để chọn giải pháp này không? Ví dụ ngôi nhà cạnh đường nhiều bụi thì mở cửa đón gió sẽ kéo theo hứng bụi, ồn ào, xung sát vào nhà. Khi đó giải pháp “quay vào trong” sẽ hữu dụng hơn. Hoặc nhà gần sông rạch ao hồ nước đọng thì mở cửa lại phải lưu ý đến vấn đề chống muỗi. Ngay cả việc trồng cây kiểu “trước cau sau chuối” của cha ông ta cũng là biểu hiện của quan niệm chọn lọc thích đáng: cây cau vươn thẳng khỏe khoắn, thân mảnh lá nhẹ, che nắng sáng mà không cản gió, cây chuối lá to thân xốp, che nắng chiều và cản gió lạnh tốt hơn.
Mát đáng còn biểu hiện ở giải pháp mang tính kinh tế, biết tốn kém đúng chỗ, biết buông bỏ tùy nơi. Ví dụ như nhà có mặt hông bị phơi ra nắng gắt thì phía đó nên làm tường dày, khi bố trí mặt bằng ngay từ ban đầu cần đưa các không gian vệ sinh, cầu thang, hành lang… về phía nắng gắt. Trường hợp không thể đổi vị trí thì tính tiếp đến giải pháp cục bộ làm tường hai lớp, vách chống nóng, rồi làm mát bằng thiết bị cơ điện. Kiến trúc bền vững hiện nay cũng đã khẳng định: nhà mát không có nghĩa là từ bỏ máy điều hòa, mà là biết chọn dùng hệ thống làm mát nhân tạo sao cho hiệu quả, tạo ra tiện nghi thoải mái, bảo vệ sức khỏe lâu dài, tiêu tốn năng lượng hợp lý.
Mát đẹp
Mọi hình thức giảm nóng tăng mát, dù hiệu quả đến đâu, vẫn cần kèm theo tính thẩm mỹ hợp với thời đại. Một bộ mái đẹp sẽ vừa giải quyết bài toán ngăn bức xạ trên cao, vừa tạo nên “chiếc nón kỳ diệu” cho ngôi nhà. Một mảng tường greenwall đặt đúng chỗ sẽ tăng cao giá trị sử dụng lẫn thẩm mỹ và phong thủy của công trình.
Thông qua giải pháp thiết kế, màu sắc, chất liệu, mỗi ngôi nhà hoàn toàn có thể được làm mát và làm đẹp mà không ngại sai về phong thủy. Quay về với truyền thống không đơn thuần sao chép nguyên bản kiểu cũ mà cần biết sáng tạo trên tinh thần chắt lọc, kế thừa tinh hoa. Ví dụ trong ngôi nhà truyền thống phương Đông, bình phong thường vừa là một bức vách di động linh hoạt, vừa mang ý nghĩa che chắn, ngăn chia nhẹ không gian trong ngoài, giúp giảm tầm nhìn và tránh nắng chiếu xuyên phòng. Nếu là thiết kế sân vườn, ngoại cảnh thì bình phong xây gạch, bình phong bằng cây cối… giúp trong ngoài thấp thoáng nghiêng che, lối vào nhà được dẫn dắt đầy ý nhị. Khi vào nội thất, bình phong bằng gỗ hay sắt, sơn mài hay bọc vải lụa được biến tấu trên tinh thần truyền thống vốn có, trở thành điểm nhấn mới mẻ và thẩm mỹ.
Đối với không gian nội thất, cảm giác mát mẻ hay nóng bức còn nằm ở cảm thụ màu sắc và các chi tiết liên quan, tỷ lệ giữa các màu nhiều hay ít. Nếu đã có quá nhiều một hành nào rồi thì phải dùng thủ pháp tương phản để tạo hành xung khắc bớt, ví dụ như phòng ngủ nhiều đồ gỗ thì dễ thừa Mộc sinh Hỏa, nên bổ sung màu trắng hay xám của tường, mảng nhấn uốn lượn màu xanh hay đen (Kim khắc Mộc và Thủy khắc Hỏa). Hoặc phòng làm việc đã có nhiều thiết bị, máy móc (Kim) thì nên bổ sung giấy dán tường, kệ gỗ, thảm… có tính mềm xốp (đều thuộc Mộc) làm giảm bớt độ cứng lạnh, tăng độ dịu nhẹ cho không gian.
Mát độc đáo
Nhà mát mẻ mà còn độc đáo, thủ pháp phong thủy gọi là nổi bật khí, ví dụ như chi tiết hồ nước trước nhà, điểm độc đáo trong kiến trúc truyền thống. Nhà dân gian Việt đa phần quay về hướng nam, thuộc quẻ Ly hành Hỏa, nên đặt hồ nước ở đó là lối dùng Thủy giảm Hỏa, mang hơi nước theo gió nam đưa vào nhà cho mát mẻ. Hồ nước khi đi với non bộ, bình phong, tạo nên hệ thức “non nước thu nhỏ” giúp chắn hỏa và che bớt sát khí từ ngoài “xộc thẳng” vào nhà. Ngay các công trình hiện đại, hoành tráng, nhà công cộng có kế thừa tính truyền thống đều khéo đặt hồ nước phía trước như Bệnh viện Thống Nhất, dinh Độc Lập, Thư viện Khoa học tổng hợp tại TP. Hồ Chí Minh…
Trong phạm vi nhỏ hơn của một căn nhà tư nhân, chi tiết làm mát độc đáo có thể sử dụng hiệu quả là hồ thủy sinh, là khoảng giếng trời có nước chảy, là thác nước phong thủy luân chuyển róc rách… vừa tạo chỗ thư giãn thú vị, vừa kích hoạt nội khí, mang thêm nhiều ý nghĩa về thu hút tài lộc, tạo hưng vượng cho nơi cư ngụ.
- Ảnh Xuân Trang