Bắt đầu từ những đợt gió se se lạnh, những buổi sáng trời khô và có sương giăng nhè nhẹ. Thời gian thì có lẽ vẫn với một tempo (nhịp) không đổi, nhưng ý niệm về giờ khắc trong mỗi người đã có chút nấn ná, trì hoãn,…
Mùa Vọng về!
Tôi lại lấy dây đèn màu trong tủ ra. Lần nào cũng vậy, tâm trạng gỡ chiếc hộp giấy và vuốt thẳng lại những dây đèn, thử xem bóng nào “điếc”, bóng nào còn sáng luôn hồi hộp đặc biệt. Nằm lặng lẽ trong chiếc hộp, mỗi năm chỉ được thắp sáng vào một mùa, có những bóng đèn nhỏ đã âm thầm gỉ sét từ bên trong, không còn sức tỏa sáng, cần phải thay thế.
Cái việc chăm chút cho sợi đèn màu cũng đơn giản thôi, mục đích là tạo ra một không gian lấp lánh khác biệt ngày thường, để đợi chờ (lạ không, ta sống trong thời gian mà chờ đợi thời gian!?).
Nôm na, bằng những dây đèn màu, ta kéo thứ ánh sáng giăng mắc từ muôn tinh tú về với căn phòng của mình, cửa ngõ nhà mình, khoảng vườn gia đình mình trong một tinh thần mà người theo đạo Chúa gọi là Phúc Âm (hay Tin Mừng).
Những dây đèn giăng mắc, quấn quanh cây thông, cây tùng bừng sáng lên từ một góc trong nhà. Những dây đèn nhiều màu chớp tắt trên những tàng cây quanh nhà nối với muôn màu nhấp nháy trong các con hẻm cho đến những đường phố lớn. Đó là những gì ta có thể thấy ở những xóm đạo nơi đô thị.
Sự tuôn chảy của ánh sáng lấp lánh ấy trải lên mặt địa cầu những dòng sông diễm tuyệt, xua đi tăm tối, mang về cảm giác hài hòa bình yên, khi nhân tâm quy hướng về sự hiệp thông.
Rồi cũng trong những con hẻm nhỏ đến phố xá, những máng cỏ được dựng lên. Kéo cái ấm cúng đơn sơ của Bethlehem trong kinh Tân ước về với từng góc nhà. Ngôi nhà hằng ngày ta sống với biết bao ưu tư, nay ôm lấy biểu tượng của hòa bình. Ngôi nhà hằng ngày ta sống với biết bao khúc mắc, bất cập, nay ôm lấy tinh thần hóa giải. Ngôi nhà hằng ngày ta vào ra, có thể xem là chật chội bức bối giữa đời sống nhân sinh khốc liệt, nay bỗng rộng mở hơn khi mang vào một chiều kích tinh thần khoáng đạt.
Màu xanh của thông, màu sáng lấp lánh của đèn bảy sắc, màu lá trạng nguyên rực đỏ và vòng nguyệt quế với những quả châu ngộ nghĩnh, một cặp chuông vàng buộc nơ đung đưa trước gió, bên một hang đá đơn sơ… Tất cả đâu có giản đơn là chuyện trang hoàng bày vẽ, mà hơn thế, là sự tu chỉnh cái không gian tinh thần mà ta dự phần, hiện thực hóa một giấc mơ yên bình trong thế giới ngổn ngang.
Sự ấm cúng từ bên trong những ngôi nhà đã theo ánh sao và sắc màu mà lan tỏa ra bên ngoài, như một sự nối kết, nhất quán trong tinh thần bình an.
Và tiếng nhạc Giáng sinh bắt đầu cất lên, không “vẳng trong tuyết sương” giá lạnh quá đỗi như lời một ca khúc quen thuộc thêu dệt, nhưng cũng đủ để kéo về trong gió se se lạnh những rung cảm nhẹ nhàng, những xao xuyến vi tế. Những bản nhạc Giáng sinh xưa đôi khi kể chuyện tình đẹp bên tháp chuông ly tan bởi chinh chiến, những cuộc hẹn hò đêm Giáng sinh đầy lãng mạn, hay có khi là ngợi ca niềm vui sôi động rộn ràng với Jingle Bells hay êm đềm như lời ru với Silent night… đủ sức phủ lên đời sống một màn sương say mơ. Ở đó, ta miên man với những hoài niệm đẹp, những thời gian đã mất trong đời, nhưng cũng rộng tay ôm lấy thực tại sống động muôn màu, như Jesus, đứa trẻ năm xưa trong hang Bethlehem bỏ lại sau lưng cõi thiên đường mênh mông để chấp nhận dạo bước vào cuộc đời biết trước là lắm gập ghềnh, chật chội.
Nhưng mùa Vọng sẽ không đủ nếu thiếu những cuộc sum họp. Ở đó, là những tiếng chạm khẽ của ly vang đỏ, tiếng cười chúc mừng của bạn bè, thân hữu và tiếng hỏi han chuyện trò của những người trong một nhà. Mọi khúc khuỷu tâm tư được hóa giải. Bởi hố sâu đã được lấp đầy, đường quanh co đã được uốn thành ngay thẳng.
Dưới màu đèn vàng, bữa tiệc réveillon de Noël với những món nướng truyền thống thơm lừng sẽ đi thẳng vào giác quan của ta. Tiếng đại phong cầm vẫn réo rắt du dương khúc thánh nhạc, đưa nhân gian đến với một bàn tiệc hướng thượng, thanh cao. Tiệc đêm Giáng sinh thường kéo dài, là không gian lý tưởng để con người thổ lộ, biểu hiện yêu thương.
Những chộn rộn của mùa Vọng nhắc ta đừng quên chuẩn bị, chăm chút cho không gian sống của mình. Vừa ở chiều kích vật chất lẫn tinh thần. Tất cả, ngoài ý nghĩa trang hoàng, còn là một sự kiến tạo lại cuộc đời trong một tâm thế bình an để thế giới được an bình.
- Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên