Có rất nhiều giải pháp cho một ngôi nhà phố, thậm chí, cả những giải pháp tưởng chừng có nhiều sự tương đồng về diện tích, quy mô xây dựng…, nhưng khi đặt nó trong bối cảnh cụ thể của địa phương, xét trên những nhu cầu cụ thể của từng gia đình lại đem đến nhiều điều bất ngờ, thú vị cho cả gia chủ lẫn những láng giềng có cơ hội ghé thăm cơ ngơi của gia chủ.
Hue house tọa lạc trên một khuôn viên đất 5mx30m tại một khu dân cư mới thuộc thành phố cao nguyên Bảo Lộc – một thành phố trẻ đang có tốc độ đô thị hóa nhanh với nhiều khu dân cư đông đúc đang hình thành. Chủ đầu tư là một gia đình gồm năm thành viên. Sau quá trình khảo sát thực tế mặt bằng cũng như tìm hiểu các nhu cầu của gia chủ, nhóm thiết kế nhận thấy rằng đây là một lô đất kích thước hẹp và dài, rất điển hình để xây dựng một căn nhà ống như rất nhiều khu quy hoạch dân cư tại Việt Nam đang làm.
Vấn đề của họ là tính toán để đề xuất một giải pháp nhằm đáp ứng các nhu cầu ở cho một gia đình lớn trên một khối tích dài và hẹp nhưng làm sao phá vỡ sự buồn tẻ cũng như khắc phục các nhược điểm thường gặp tại những căn nhà phố có diện tích giới hạn như: thiếu vắng không gian xanh, chia cắt con người với nhau và thiếu ánh nắng mặt trời. Họ chia sẻ: “mục tiêu của chúng tôi là làm sao để mang đến một công trình với những không gian sinh động, đưa được nhiều yếu tố thiên nhiên vào trong nhà, giúp con người trân quý thiên nhiên hơn, đồng thời góp phần gắn kết con người với nhau. Từ đó các giá trị thể chất và tinh thần của người sử dụng công trình sẽ được phát triển tốt hơn”.
Giải pháp cụ thể của họ là sử dụng hai khoảng thông tầng lớn giữa nhà để mở ra các không gian trống và thoáng, cho phép ánh sáng tự nhiên thâm nhập từ mái xuống tầng trệt. Vừa đảm bảo căn nhà luôn tràn ngập ánh sáng tự nhiên vừa tạo nhịp điệu cho bố cục không gian công trình, đồng thời giúp các thành viên tại từng vị trí trong công trình có thể nhìn thấy và giao tiếp với nhau dễ dàng.
Thứ hai và cũng là điểm nhấn chính của công trình nằm ở hệ lam thép xoay xuyên suốt chiều dài mái của căn nhà. Với đặc tính cơ học của hệ lam, người sử dụng có thể điều chỉnh lượng sáng vào nhà tùy theo mong muốn. Như vậy, hệ lam vừa điều tiết lượng sáng vừa giúp tăng tính thẩm mỹ và trải nghiệm của người sử dụng. Việc phân bổ không gian linh hoạt dọc theo các giếng trời đảm bảo các phòng đều thông thoáng, có view nhìn dễ chịu và còn tiết kiệm việc sử dụng các thiết bị điện.
Ngoài ra, sân thượng ngôi nhà nơi ánh sáng mặt trời sau khi đi qua dàn lam thép vừa tạo ra một hiệu ứng ánh sáng thú vị để gia chủ có thể ngồi sinh hoạt, đọc sách vừa là không gian tận dụng trồng thêm rau xanh giúp gia chủ có thêm nguồn cung cấp thực phẩm sạch.
Quan sát ngôi nhà này, dường như thiết kế chú trọng các giải pháp về không gian, nhưng qua hình ảnh ngôi nhà, có thể thấy các yếu tố nội thất, vật liệu cũng được cân nhắc rất kỹ dựa trên các nhu cầu, sở thích của chủ đầu tư cũng như các yếu tố khách quan cụ thể của từng địa phương. Nhưng xét trên phương diện chung của một khu đô thị mới ở một thành phố trẻ như Bảo Lộc, ngôi nhà góp thêm một ấn tượng tích cực và chắc chắn đã đem lại một nguồn cảm hứng mới cho những người đang tận hưởng không gian này.
Nhà ở Mrs. Huệ
Địa điểm: TP. Bảo Lộc, Việt Nam
Thiết kế: Công ty Kiến trúc SPNG
Nhóm thiết kế: Trần Ngọc Thạch, Ngô Đăng Nguyên, Trần Đức Thịnh
Chủ trì: KTS Trần Ngọc Thạch
Ảnh tư liệu của Công ty SPNG
- Xem thêm: Hướng đến những giá trị mới