Làng Thượng Thanh (thuộc huyện Thanh Oai, Hà Nội) xưa có tên là Thượng Thanh Thần vốn là một vùng đất cổ nằm bên bờ Hát giang, con sông đánh dấu một sự kiện lịch sử bi hùng – đó là vào năm 43 sau Công nguyên, hai nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc, Trưng Nhị khởi binh chống quân xâm lược nhà Đông Hán nhưng sau bị quân địch dưới sự chỉ huy của Mã Viện đánh bại, tục truyền rằng vì không chịu khuất phục kẻ thù phương Bắc nên hai Bà Trưng đã nhảy xuống sông Hát tự vẫn.
Sông Hát xưa nay chỉ còn một chút dấu tích và đã trở thành đầm Thanh Đàm rộng lớn tự bao đời.
Miếu Thượng Thanh thờ thành hoàng làng là đức Cai Công, một bộ tướng của hai Bà Trưng. Theo truyền thuyết cũng như theo tư liệu từ cuốn ngọc phả được biên soạn từ năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và được sao chép qua nhiều thời kỳ (một bản sao hiện còn lưu giữ tại miếu) thì Đại nguyên soái Cai Công là một vị tướng tài trong cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng chống giặc Đông Hán. Sau khi hai Bà Trưng tuẫn tiết, đức Cai Công lui về quê nhà là Thượng Thanh Thần để mưu nghiệp về sau nhưng rồi ngài hóa tại đây, được dân làng tôn làm Cảnh đức thành hoàng, thờ ở miếu Thượng Thanh.
Tọa lạc bên bờ đầm Thanh Đàm rộng lớn, miếu Thượng Thanh đã được tôn tạo nhiều lần, theo ngọc phả ghi lại thì lần tu sửa đầu tiên vào thời thái thú Sĩ Nhiếp, gần đây nhất cũng đã trên 60 năm nhưng đến nay vẫn là một công trình kiến trúc đẹp, kết hợp với đình làng Thượng Thanh và chùa Diên Phúc làm thành một cụm di tích lịch sử quý giá của địa phương.
Miếu được xây dựng theo kiểu nhà chữ đinh (T) truyền thống của người Việt, mặt tiền trông ra hồ Thanh Đàm, giữa một khuôn viên nhiều cây cao bóng cả, nhờ vậy mà miếu luôn mát mẻ, ngay cả vào mùa hè oi bức. Bên trong miếu còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, trong đó có một đôi câu đối ca ngợi công đức của ngài Cai Công: “Giúp Nhị Trưng cơ nghiệp lớn, thu Bách Việt cõi bờ xưa, nguyên soái công cao, nước Việt non sông đà hết hận/ Lưu thước kiếm đất Thần Châu, cưỡi năm màu mây Thượng giới, đại vương khí mạnh, hồ Tây sóng gió vẫn lừng oai”.
Hằng năm, vào ngày mồng mười tháng Hai ta, lễ rước thành hoàng làng Thượng Thanh được tổ chức rất trọng thể, trở thành một ngày hội lớn trong vùng, không chỉ dân địa phương tham gia mà khách thập phương cũng đến dự rất đông vui.
- Hàn Thủy (Hà Nội)