1. Gọt vỏ gừng hiệu quả
Củ gừng nhỏ lại xù xì, vỏ lại khá mỏng, nếu dùng dao gọt sẽ rất phí. Cách gọt vỏ gừng hiệu quả nhất là dùng đầu muỗng để cạo vỏ. Miếng gừng được gọt bằng muỗng trông đẹp hơn và muỗng cũng “thân thiện” với tay hơn dao.
2. Chữa cơm khê, canh mặn
Khi nồi cơm bị khê, hãy đặt một miếng bánh mì trắng vào nồi cơm trong vòng 5-10 phút để hấp thụ mùi. Nếu bạn quá tay khi nấu canh, chỉ cần thả vào nồi một miếng khoai tây để hấp thụ bớt lượng muối dư thừa.
3. Làm món ăn ít chất béo
Khi làm món xúp, nước xốt hay thịt hầm có quá nhiều dầu mỡ bạn hãy để món ăn nguội và cho vào nồi vài viên đá. Chất béo gặp lạnh sẽ đông lại và bám xung quanh viên đá. Giờ bạn chỉ cần loại bỏ chất béo bằng cách múc đá ra.
4. Mẹo rã đông thịt
Khi rã đông thịt trong tủ lạnh, đổ thêm một chút giấm lên trên, nó không chỉ làm mềm thịt mà còn giảm nhiệt độ đóng băng và giúp thịt mau rã đông hơn. Đối với thịt mới, nếu muốn xắt mỏng dễ dàng, bạn nên đặt miếng thịt vào ngăn đá từ 10-15 phút để thịt cứng một chút.
5. Thái hành, ớt an toàn
Thái ớt có thể khiến da tay bị bỏng. Bạn hãy bôi một chút dầu ăn lên tay để tạo lớp màng ngăn cách giữa ớt và da. Băm thái hành dễ khiến bạn cay mắt? Bạn có thể để hành vào ngăn đá trong vòng 10-15 phút (tùy vào kích thước củ hành), các tế bào hành bị làm lạnh sẽ phản ứng chậm hơn nên khi thái sẽ không khiến bạn “rơi lệ”.
6.Chọn trứng tươi
Muốn xác định trứng có tươi hay không, hãy đặt chúng vào chậu nước cao khoảng 10cm nước. Trứng chìm nghĩa là nó tươi, nếu nổi là đã qua giai đoạn tươi. Bây giờ việc của bạn là tiêu thụ những quả trứng cũ trước.
7. Loại bỏ nhựa mít hiệu quả
Nhựa mít dính vào tay thật khó chịu! Bạn hãy chà xát hai tay với vài giọt dầu ăn, sau đó rửa sạch bằng xà bông. Cách làm tương tự với dụng cụ dính nhựa mít. Nếu dính phải nhựa của các loại rau, củ bạn hãy chà một vài lát khoai tây đã gọt vỏ hoặc dùng giấm, chanh để tẩy màu đen trên tay.
8. Chữa muối bị ấm
Hũ muối trong bếp bị vón cục? Hãy cho vài hạt gạo vào hũ muối để hấp thụ độ ẩm quá mức trong đó.