Khi khởi nghiệp, doanh nhân nào cũng luôn mong muốn tạo những dấu ấn riêng, thể hiện được hình ảnh thương hiệu của mình; nhiều người tin rằng các sắp đặt phong thủy nơi làm việc sẽ giúp công việc kinh doanh thuận lợi, suôn sẻ.
Ngoài các định vị phong thủy mang tính cơ bản như tọa – hướng thì việc sắp xếp vị trí cửa cũng như các không gian, xác định màu sắc nội ngoại thất ở nơi kinh doanh cần tuân thủ nguyên tắc vừa đối ngoại tốt (giao dịch với đối tác) vừa hài hòa về đối nội; sinh – khắc hài hòa với ngành nghề kinh doanh.
Kinh doanh tạo ra màu sắc
Hay nói chính xác hơn là đặc tính kinh doanh với chủng loại mặt hàng, bảng hiệu, hình thức dịch vụ (xem phần ngũ hành bên dưới) sẽ quyết định về diện mạo (trong đó có màu sắc) của ngôi nhà nói chung và phần sử dụng vào mục đích kinh doanh nói riêng. Nếu xây nhà trong khu phố có tính thương mại cao, dự liệu được trong tương lai sẽ sử dụng nhà (hoặc một phần của nhà) vào mục đích kinh doanh thì nên tính toán ngay từ ban đầu để chọn màu sắc và vật liệu phù hợp. Dù đặc tính kinh doanh có thể biến đổi sau một thời gian, nhưng các cơ sở căn bản của phần kinh doanh đều cần xác định rõ và tạo được ổn định để tránh tình trạng sửa chữa quá nhiều.
Nguyên tắc “hài hòa từ viễn cảnh đến cận cảnh” của phong thủy trong bố cục tổng thể mọi cuộc đất xưa nay luôn có ứng dụng tốt. Ví dụ: hệ thống nhà có mặt bằng kinh doanh trong khu Phú Mỹ Hưng, hoặc các dãy nhà phố trung tâm Singapore về cơ bản luôn có màu sắc đồng bộ, những vị trí kinh doanh được khống chế bởi các tiêu chuẩn chung về kích thước và vị trí bảng hiệu, tránh được tình trạng “trăm hoa đua nở” nhà này lấn áp nhà kia. Kinh nghiệm dân gian “buôn có bạn – bán có phường” cũng là điều nên lưu ý khi bố trí màu sắc mặt tiền của căn nhà trong bối cảnh chung để lợi mình mà không lấn át, ảnh hưởng đến người khác.
Chọn màu theo ngũ hành
Để vận dụng đặc tính về màu sắc của ngũ hành nhằm tăng khả năng sinh lợi và yếu tố vượng cho khu vực kinh doanh, cần tìm hiểu đặc tính kinh doanh tương ứng với hành nào, từ đó tìm thêm màu sắc sinh vượng, cụ thể như sau:
- Hành Mộc: những ngành kinh doanh liên quan đến sự nuôi dưỡng, thực phẩm, dược phẩm, cây cối, đồ gỗ, tranh ảnh, văn phòng phẩm, vật dụng mềm mại như thảm, quần áo… Màu chủ đạo là xanh lá cây và các sắc độ khác nhau của màu này mang lại đặc trưng của hành Mộc, ngoài ra cần có thêm màu đen và xanh dương (Thủy), màu đỏ (Hỏa) tùy theo tính chất và mức độ để gia giảm.
- Hành Hỏa: năng lượng, xăng dầu, đèn điện, đồ dùng nhà bếp, ngành quảng cáo, sản phẩm truyền thống thủ công…
- Hành Thủy: các ngành liên quan đến nước, vật dụng có nước, gương soi và kính các loại, cơ điện lạnh (có thêm yếu tố Kim)…
- Hành Thổ: vật liệu xây dựng, khoáng sản, sản phẩm có nguồn gốc từ đất, đá, đồ gốm và mỹ nghệ, các dịch vụ môi giới, kinh doanh bất động sản…
- Hành Kim: vật dụng kim khí điện máy, kim hoàn nữ trang, thiết bị gia dụng, đồng hồ, máy tính, sản phẩm công nghệ thông tin…
Ngoài ra cần lưu ý là có khá nhiều ngành kinh doanh hàm chứa thêm nhiều hành một lúc, như kinh doanh ăn uống vừa thuộc Mộc vừa Thủy + Hỏa nên phần lớn các tiệm ăn của người Hoa rất chuộng dùng màu hành Hỏa. Kinh doanh bất động sản thuộc Thổ và thêm yếu tố Kim (xây dựng) và Mộc (sự bền bỉ, tích lũy). Văn phòng luật sư thì ngoài yếu tố Kim (tư duy, nguyên tắc) còn có yếu tố Thủy (linh hoạt, sâu sắc) và Hỏa (quyết đoán, mạnh mẽ, niềm tin)… Đặc biệt đối với kinh doanh du lịch lữ hành, đồ chơi và vật dụng trẻ em… thì yếu tố đa sắc thái là cần thiết hơn cả, màu sắc có thể tập hợp theo dải cầu vồng hoặc đủ ngũ sắc.
Tóm lại, cũng như cơ thể con người, ngũ hành luôn hiện diện với nhiều mức độ và tỷ lệ giữa các hành có thể khác nhau, nhưng khi áp dụng cần đầy đủ và đảm bảo yếu tố chính phụ, hài hòa trên cơ sở bổ sung và tương hỗ cho nhau. Riêng về màu sắc cho khu vực kinh doanh thì còn cần tính mỹ thuật và liên quan chặt chẽ đến tổng thể cũng như nội thất, được phối màu bởi bàn tay chuyên nghiệp, tránh tình trạng đơn màu hay quá nhiều màu gây phản cảm, cho dù màu ấy có đúng theo tính chất Ngũ hành đi chăng nữa.
Chú ý bảng hiệu, logo
Bảng hiệu, logo của nơi kinh doanh là thành phần quan hệ hữu cơ với trường khí chung, do đó các bài trí cũng tuân theo các thủ pháp phong thủy. Cơ bản, cần quan tâm đến ba nhóm giải pháp trong sử dụng màu sắc gắn liền với trường khí như sau:
Liên kết khí theo hình thế: bảng hiệu cần được làm và đặt sao cho nội – ngoại thất của không gian kinh doanh liên kết khí chặt chẽ với nhau. Ví dụ shop đồng hồ thì logo – bảng hiệu từ to đến nhỏ tương ứng với sản phẩm. Nên xử lý hình ảnh thương hiệu thống nhất cả trong và ngoài địa điểm kinh doanh, có thể “len lỏi” đến từng chỗ làm việc của nhân viên; cho dù hình ảnh rất nhỏ nhưng đó là niềm tự hào, là “màu cờ sắc áo” riêng và sự nhắc gợi liên tục.
Cân bằng khí theo âm dương: không gian lớn hay nhỏ thì bảng hiệu cũng cần tương ứng về tỷ lệ. Trong phong thủy có một số tỷ lệ tốt (gọi là tường minh) mà các nghiên cứu về kiến trúc cho thấy có sự tương đồng giữa tỷ lệ vàng trong thiết kế hiện đại và tỷ lệ trong công trình nhà cửa truyền thống, cụ thể: tỷ lệ 1/4 hay 1/6 thường được sử dụng, ví dụ một tấm bảng hiệu chiều ngang 4m cao 1m là đạt tỷ lệ tường minh (chủ về danh tiếng, may mắn). Còn một bảng quảng cáo dạng đứng hoặc ngang, một chiều gần 1m và chiều kia 6m là gần tỷ lệ tài tinh (được giới làm ăn cho là thuận lợi, may mắn). Mặt khác, bảng hiệu muốn cân bằng với ngoại cảnh cũng phải chú ý đến âm – dương, tĩnh – động; ví dụ trước nhà có nhiều bóng râm và vật cản như trụ điện, cây cối thì bảng hiệu cần dùng màu nhạt, sáng sủa. Ngược lại, chỗ rộng và thoáng, bên đường xe chạy nhanh thì nên làm bảng hiệu đơn giản và đậm màu để không bị “lướt qua”.
Nổi bật khí theo ngũ hành: bảng hiệu nên có hình dáng và màu sắc theo ngũ hành tương sinh của công việc và sản phẩm để tạo ấn tượng và thuận chiều sinh trưởng, như Kim sinh Thủy, Mộc sinh Hỏa… Ví dụ, cửa hàng điện tử – viễn thông thuộc hai hành Kim và Thủy, bảng hiệu dùng các nhóm màu trắng, đen và xanh biển là tương sinh. Công ty quảng cáo liên quan đến Mộc và Hỏa, dùng màu đỏ, cam, xanh lá cây… tạo tính thu hút, tăng trưởng. Ngành xây dựng chủ yếu thuộc Thổ và Kim, những màu như trắng, xám bạc, vàng… sẽ ưu tiên xem xét.
Có rất nhiều dạng và cách thể hiện bảng hiệu – biểu tượng tùy thuộc vào địa phương, văn hóa và thẩm mỹ riêng, tựu trung nên tuân thủ vài nguyên tắc cơ bản của phong thủy lâu nay:
- Đúng và đủ: biểu tượng không được làm sai các nội dung và ý nghĩa của cơ sở kinh doanh, đồng thời phải chuyển tải đầy đủ tính chất của công ty, của sản phẩm. Ví dụ, bảng hiệu công ty làm đồ gỗ được đặt trên nền màu gỗ, có các khung giằng chung quanh là đầy đủ ý nghĩa.
- Đơn giản và đa nghĩa: không nhất thiết thứ gì cũng nhồi nhét vào trong biểu tượng – tính ước lệ và đặc trưng luôn là yêu cầu phong thủy cơ bản. Ngoài logo và tên gọi, có thể dùng một màu đặc thù của công ty nhắc lại ở chi tiết nội thất, hoặc xếp đặt một góc biểu tượng mang tính trang trí.
- Đẹp: yêu cầu tất nhiên, dựa trên sự hài hòa về màu sắc, tỷ lệ và sự cân bằng. Về mặt phong thủy hình thế, nên tránh các biểu tượng bị lệch hoặc có chiều hướng đi xuống, tránh dùng các hình rối mắt hoặc hình này đè nén lên hình kia. Có thể phối hợp cả chữ và hình để diễn tả nội dung, ví dụ biểu tượng của một hãng dầu ăn có hai màu vàng và đỏ (hành Hỏa, công nghệ thực phẩm) và chữ viết, hình ảnh theo lối nghiêm túc cổ điển.
- Đại chúng: bảng hiệu có thể đẹp nhưng nếu xa lạ với văn hóa của người dân địa phương thì cũng khó được chấp nhận, thậm chí gây phản cảm. Ví dụ dùng toàn các màu đen và trắng, với người phương Đông là màu của tang tóc. Bảng hiệu thiết kế phức tạp khó nhìn, khó hiểu cũng gây tác dụng ngược.
- Độc đáo: bảng hiệu phải có được nét riêng, không sao chép hay cóp nhặt từ các bảng hiệu khác, tạo một ấn tượng khó quên. Điều này rất khó và trên thực tế nhiều cơ sở làm ăn đã phải “nhại” lại các biểu tượng nổi tiếng để được “ăn theo” về mặt hình ảnh và danh tiếng.
Tóm lại, việc thiết kế biểu tượng – bảng hiệu không nên tùy hứng mà cần có chuyên môn trên cơ sở thống nhất được các tiêu chí chung về nội dung, hình thức và đặc thù của địa điểm đặt biểu tượng – bảng hiệu. Tiêu chí cơ bản của phong thủy trong xử lý hình ảnh biểu tượng tại nơi kinh doanh là hướng đến sự hòa hợp, tương thích với nội dung kinh doanh, chính là đạt nguyên tắc hình nào thì thế ấy, thế nào thì khí ấy.
- Ảnh Xuân Trang