Tiếp nối nhiều thành phố lớn trên thế giới, thời gian gần đây các đô thị hàng đầu Việt Nam đang lọt vào tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy nếu chính quyền không có sự chuẩn bị tốt và một hệ thống pháp lý minh bạch, hiệu quả, ngành bất động sản sẽ có nguy cơ bị xáo trộn và người dân có thu nhập trung bình thấp sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất khi số lượng người nước ngoài tìm đến mua nhà tăng nhanh.
Hiện nay, khả năng sinh lợi của nhà ở tại Trung Quốc chỉ đạt mức khoảng 2%/năm. Đây là lý do khiến căn hộ tại Việt Nam, Campuchia, Philippines với khả năng sinh lợi khoảng 5%/năm đang hấp dẫn nhà đầu tư Trung Quốc. Hơn nữa, triển vọng tăng giá bất động sản tại các nước Đông Nam Á thời gian tới được cho là sẽ tốt hơn ở đất nước 1,3 tỉ dân. Sunwah Pearl – khu căn hộ 1.342 căn được ví như một “Hongkong thu nhỏ” của quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh ước tính có 20% chủ hộ từ người Trung Quốc. Ba năm trở lại đây, các địa phương như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang cũng xuất hiện làn sóng mua nhà mà người mua thuộc đối tượng khách trên. Nhiều người trong ngành e ngại rằng Việt Nam sẽ chứng kiến một đợt đổ bộ của người mua Trung Quốc.
Kể từ cột mốc tháng 4-2017 đến nay, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Long An ghi nhận sự xuất hiện khá dày của những thương vụ chuyển nhượng hoặc đánh tiếng mua dự án liên quan đến nhà đầu tư Trung Quốc. Giữa tháng 4-2017, quỹ đầu tư VinaLand Limited và VinaCapital Vietnam Opportunity Fund Limited – VOF (thuộc VinaCapital) công bố đã thoái toàn bộ vốn nắm giữ tại dự án Đại Phước Lotus (tại Đồng Nai). Đơn vị nhận chuyển nhượng dự án là một công ty thuộc Tập đoàn China Fortune Land Development (CFLD). Ngay sau đó, P.H Group (Đài Loan) cũng đã tiến hành mua khu công nghiệp Bàu Bàng từ Becamex tại Bến Cát (Bình Dương), mua dự án Khách sạn Future Otis tại Nha Trang. Hongkong Land đã thâu tóm 64% cổ phần dự án nhà ở nằm trong khu đô thị mới Thủ Thiêm của CII…
Với đối tượng đầu tư nhỏ lẻ, chính sách hạn chế lượng tiền đầu tư ra nước ngoài của Bắc Kinh sẽ khiến Việt Nam càng trở thành một trong những thị trường phù hợp. Tại cổng thông tin bất động sản Juwai.com, giá mua bất động sản trung bình mà các khách hàng Trung Quốc nhắm tới đã giảm xuống chỉ còn hơn 292.000 USD trong năm 2018 từ mức hơn 356.000 USD vào năm 2016. Khi thu hút được nhiều nhà đầu tư bất động sản nước ngoài, bên cạnh cái lợi là có thêm nguồn vốn, kinh nghiệm phát triển… thì một điểm bất lợi lớn là người dân có mức thu nhập trung bình sẽ càng khó mua nhà vì mặt bằng giá bất động sản bị đẩy lên cao.
Tại những nơi có bình quân thu nhập quá thấp so với giá nhà như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, vấn đề này càng phải được chú trọng bằng cách phát triển thêm nhiều dự án nhà ở xã hội, tạo quỹ cho vay ưu đãi… Trước làn sóng khách hàng Trung Quốc, tại Nhật Bản một số chủ đầu tư hiện đang phải sử dụng biện pháp giới hạn số lượng căn hộ được bán ra cho các nhà đầu tư nước ngoài, thường là không quá 20% số căn trong một dự án (tại Việt Nam con số này là 40%).