Kunsthaus Graz (hay Grazer Kunsthaus hoặc Graz Art Museum) là một trong vài công trình kiến trúc với công năng bảo tàng vào loại lạ lùng nhất trên thế giới. Bảo tàng được xây dựng tại thành phố Graz của nước Áo và khánh thành năm 2003 nhân sự kiện Graz được chọn làm thủ đô văn hóa châu Âu vào năm đó.
Về mặt hình khối kiến trúc, Kunsthaus Graz khác hoàn toàn với những hình mẫu bảo tàng đã từng được xây dựng từ trước tới nay, theo đó các không gian trưng bày trong bảo tàng thường được khoanh trong những bức tường trắng. Còn với Kunsthaus Graz, hai kiến trúc sư người Anh là Colin Fournier và Peter Cook cùng các cộng sự đã có một cách diễn đạt mới, sáng tạo, mang tính nghệ thuật trong thiết kế kiến trúc, và theo trào lưu kiến trúc có tên gọi là Blob architecture hay Blobitecture (*) ấy thì các công trình có hình dạng của sự sống đơn bào.
Ý tưởng thiết kế công trình ngoạn mục này được lấy cảm hứng từ chính môi trường lịch sử của vùng đất dọc hai bên sông Mur, nơi thành phố Graz tọa lạc. Hình dáng kỳ dị của công trình khiến nó trông như một sinh vật khổng lồ ngoài hành tinh với những cái vòi hình khối kếch xù mọc trên lớp da màu xanh; và sinh vật vũ trụ ấy đã đáp xuống trung tâm thành phố Graz có bề dày lịch sử hàng ngàn năm, chung quanh nó là những kiến trúc phong cách baroque với mái ngói đỏ cổ kính, lâu đời. Dù vậy, hình khối kiến trúc của Kunsthaus Graz không vì thế mà làm hỏng cảnh quan của toàn khu vực, chính vì thế nó còn được gọi là “Sinh vật ngoài hành tinh thân thiện” (Friendly Alien).
Ngoài hình dạng đặc biệt, Kunsthaus Graz còn thu hút thị giác bởi lớp “da” được làm bằng những tấm panel acrylic màu xanh lấp lánh, như thể “sinh vật ngoài hành tinh” ấy đang cử động, đang thở. Chưa cần bước vào trong bảo tàng, chỉ ngắm nhìn công trình từ bên ngoài, khách tham quan đã không khỏi choáng ngợp. Chính vì thế, từ ngày khánh thành cách đây hơn một thập niên, Kunsthaus Graz luôn là một điểm đến với những người yêu nghệ thuật và kiến trúc khắp thế giới.
Về đêm, Kunsthaus Graz bừng sáng nhờ một hệ thống đèn được lắp đặt dưới lớp “da” trong suốt của khối kiến trúc. Lớp vỏ ngoài ấy của Kunsthaus Graz được gọi là BIX Façade (bix được ghép từ hai từ big – khổng lồ và pixels – điểm ảnh): 930 bóng đèn huỳnh quang 40 Watt được lắp ở lớp vỏ rộng 900m² của công trình và chúng cứ tuần tự chiếu sáng với cường độ khác nhau, từ thấp nhất tới cao nhất nhờ được điều khiển bằng vi tính.
Bên trong Kunsthaus Graz là một tổ hợp đa chức năng: với diện tích lên đến 11.100m² nó gồm các không gian triển lãm, tổ chức sự kiện, trình diễn các loại hình nghệ thuật đương đại… Nếu lớp vỏ ngoài của bảo tàng có thể thay đổi ánh sáng thì nội thất của nó lại là một chiếc hộp đen ẩn giấu nhiều trò ma mãnh, gây bất ngờ cho khách tham quan. Ngoài ra, bảo tàng còn một tầng hầm có thể chứa gần 150 chiếc xe ôtô.
(*) Thuật ngữ “blob architecture” đã được dùng từ giữa thập niên 1990, trong khi từ “blobitecture” mới xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng từ năm 2002.
- D.V tổng hợp