Vì khoảng lùi của chỉ giới xây dựng ngay góc ngã ba nên phần đất xây dựng có hình dáng tương đối lạ, diện tích cũng không rộng, chủ đầu tư mong muốn ngôi nhà mới phải vừa cho một gia đình nhỏ ba thành viên, đồng thời có hai phòng cho thuê. Như vậy, cùng với việc tổ chức không gian đáp ứng các nhu cầu đề ra, người thiết kế kiến trúc còn phải giải quyết mối quan hệ “riêng” – “chung” trong khai thác sử dụng để cả chủ nhà và những người thuê ở đều thấy thoải mái, riêng tư.
KTS Vũ Tiến An (1-12-1987)
- Cựu sinh viên lớp K05A1, khóa 2005-2010; tốt nghiệp Kiến trúc sư công trình năm 2010 tại Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh
- 2011 cho đến nay: Giảng viên khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM
- 2010-2011: Làm việc tại Văn phòng thiết kế kiến trúc Lib.A
- 2012-2013: Làm việc tại Văn phòng thiết kế kiến trúc VACO
- 2014-2015: Theo học chương trình Thạc sĩ chuyên ngành Human Settlement tại Đại học KU Leuven, Vương quốc Bỉ; tốt nghiệp vào tháng 7-2015
- Từ năm 2015 đến nay: Giảng viên tại Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, đồng thời xây dựng một nhóm thiết kế kiến trúc có văn phòng tại Gò Vấp.
Quan điểm về thiết kế kiến trúc
Vẫn đang trong quá trình xây dựng, chưa thành hình rõ ràng, tuy nhiên, đối với tôi làm kiến trúc không chỉ là xây dựng nên những vật thể. Để giúp bản thân tránh khỏi những suy nghĩ chủ quan duy ý chí, tôi thường đặt kiến trúc trong bối cảnh những cuộc đối thoại: Tôi đối thoại với tôi; tôi đối thoại với chủ đầu tư; tôi đối thoại với thầu thợ; tôi đối thoại với công trình; công trình đối thoại với bao cảnh; ngoại cảnh và nội tâm bản thân công trình đối thoại với nhau… Như vậy, việc xây dựng công trình dường như là một quá trình chồng chéo phức tạp của rất nhiều mối liên hệ, tuy nhiên, khi có đối thoại thì những khúc mắc sẽ được tháo gỡ dần dần.
Tôi luôn nghĩ việc làm kiến trúc của bản thân sẽ chỉ nên nhẹ nhàng như việc trồng cái cây ngọn cỏ, khi đó người chủ đầu tư là hạt mầm, khu đất xây dựng là thổ nhưỡng. Thổ nhưỡng tốt cây sẽ phát triển tốt hơn, tuy nhiên loại hạt mầm nào thì sẽ chỉ có thể phát triển thành loài cây ấy. Nên đối với tôi, việc đối thoại với chủ đầu tư để hiểu rõ những mong muốn của họ là điều tối quan trọng.
Định hướng phát triển
Bên cạnh việc đi dạy, tôi đã và đang xây dựng một nhóm thiết kế. Tôi nghĩ mình thích hợp làm việc với một nhóm có quy mô nhỏ và vừa.
Đối với tôi, cả học thuật và thực hành đều có vai trò quan trọng như nhau. Nên tôi sẽ vẫn duy trì cả hai hoạt động nói trên. Việc thực hành giúp tôi tự tin hơn khi truyền đạt những kiến thức thực tế cho sinh viên; trong khi chúng tôi vẫn luôn dành thời gian nghiên cứu học thuật trong quá trình thực hành.
Công trình vừa hoàn thành
Phố nhà (Urban houses)
Trước hết, người thiết kế xác định là phải đặt vào khu đất vốn hơi “kỳ cục” ấy một hình dáng nào đó thích hợp nhất để mọi thứ trở nên gọn gàng, hợp lý. Đồng thời, khi nhấn mạnh vào việc giải quyết các mối quan hệ, giải pháp hướng đến không phải là tách rời mà chú trọng tính kết nối các hoạt động “riêng” và “chung”. Ý tưởng đưa ra là tạo nên một cộng đồng trong đó mỗi không gian chức năng có vai trò như một ngôi nhà.
Trong cộng đồng ấy, người ta vẫn gặp gỡ, giao tiếp với nhau ở các không gian chung như “nhà bếp”, “nhà ăn”, cùng chia sẻ mảng xanh công cộng… nhưng hoàn toàn riêng tư trong các “nhà ngủ” của mình. Như vậy, những không gian sinh hoạt hoạt động như những căn nhà riêng biệt, nối kết với nhau thông qua những góc sân, khoảng trời, con hẻm. Khi đó, phòng trở thành nhà, và nhà thì là phố.
Với việc chừa ra một mảnh sân để “nắn” lại khoảng xéo của mặt bằng, phần diện tích còn lại để xây dựng là 5m x 13,5m. Khá nhỏ, đó vừa là thách thức vừa là cơ hội thú vị để sắp xếp các “nhà” theo ý tưởng chủ đạo ban đầu. “Chúng tôi đề xuất mô hình ở mà thoạt nhìn trên tổng thể, ngôi nhà như được cấu thành bởi ba ngôi nhà nhỏ, được đặt kề nhau và chen giữa là ba khoảng mở, chứa đựng những không gian sinh hoạt của gia chủ và người thuê. Bài toán riêng – chung đã được giải quyết, những khối nhà đều đạt được sự riêng tư trong khi vẫn duy trì được mối liên hệ thông qua không gian sinh hoạt chung và những khoảng thông tầng”.
Trong khi bạn bè cùng khóa cùng lớp ra trường tập trung vào công việc thiết kế thì Vũ Tiến An chọn hướng tiếp tục học lên và làm công tác giảng dạy. Việc thiết kế có chậm hơn so với bạn bè nhưng luôn là mục tiêu mà anh đeo đuổi, duy trì. Cùng với một số dự án đang được thi công thì ngôi nhà này có thể xem như công trình đầu tay.
Thú vị là hai căn phòng dành cho khách thuê trong công trình này cũng chính là nơi làm việc cho nhóm thiết kế kiến trúc nhỏ của Vũ Tiến An. Việc này không có chủ đích từ trước nên nó giống như một cái “duyên”! Mà cái gì bắt đầu từ chữ “duyên” thì thường sẽ may mắn và tốt đẹp.
Địa điểm công trình: Đường Dương Quảng Hàm, Q. Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh
Nhóm thiết kế: Vũ Tiến An, Lê Uyên Minh, Nguyễn Thị Ái Huệ, Vũ Tấn Liêm, Trần Duy Phong
Điện thoại: 0983045653
Email: vutienan112@gmail.com
Thi công: Đinh Đức Anh Vũ
Hình ảnh: Vũ Tiến An – Lily
- Xem thêm: Tái hiện một chút hương ký ức