Gia đình là tế bào của xã hội, tế bào ấy hình thành, ổn định, phát triển, nhập và tách… từ đơn vị nhỏ nhất là cá nhân và ngôi nhà. Không gian luôn thay đổi cùng thời gian cụ thể, không có gì là bất biến. Chính vì thấu suốt quy luật kết hợp và phân chia theo Dịch lý Đông phương mà ông cha ta xem các việc lớn trong đời người (tậu trâu – cưới vợ – làm nhà) gắn liền với tiến trình hình thành và phân chia không gian cư trú.
Ngôi nhà truyền thống có các gian và chái, nối với sân vườn và nhà phụ, rồi từ đó chia tách tiếp khi con cái lớn lên cần nhu cầu ra riêng… theo một cấu trúc liên hoàn. Trong không gian cư trú hiện đại, văn hóa Tây phương từ lâu cũng đã khuyến khích thanh niên ra riêng khi đủ 18 tuổi, biết tự lập từ nhỏ và dựng cơ nghiệp từ những không gian phụ, garage xe hay nhà kho mà thành.
Khởi nghiệp và chuyện ra riêng
Với nhà xưa, nhà vườn ở nông thôn thuận lợi về diện tích thì việc phân chia tất yếu, tự nhiên. Nhưng trong điều kiện thành thị đất chật người đông, vấn đề phân chia không gian sống cho các gia đình, cá thể “riêng mà chung” cần được hiểu và bố trí thế nào để đảm bảo hài hòa phong thủy và môi trường sống?
Xu hướng khởi nghiệp của giới trẻ và nhu cầu cần có góc sống độc lập hiện nay khiến cơ cấu gia đình “phân chia” ngày càng sớm. Đa phần các bạn trẻ muốn ra riêng vào thời điểm điều kiện kinh tế chưa dư dả, phải xoay xở trong không gian sống nhỏ hẹp, hoặc “bắt buộc” ra riêng trong một ngôi nhà chung với nhiều va chạm, khác biệt về thế hệ, nếp nghĩ và nếp sống. Xét theo phong thủy, mỗi một chỗ ở mang tính khép kín độc lập dù rộng hay hẹp vẫn phải là một Trường khí thống nhất, đạt tiện ích và an lành.
Theo cấp độ phong thủy thì bố trí chỗ ở dù nhỏ cũng như bố trí cho một ngôi nhà, nên sắp xếp phong thủy vẫn phải từ cơ cấu chung đến chi tiết riêng, từ ngoài vào trong, căn cứ theo thứ tự Môn – Táo – Chủ. Có thể cửa chính của ngôi nhà chung không đổi, như chung cư vậy, nhưng phần cửa mở vào không gian riêng (một lầu hoặc một phòng, một căn hộ) thì nên chủ động tính toán hợp hướng, hợp sử dụng với chủ nhân của căn hộ riêng. Phần cửa này xem như cửa chính của cấu trúc riêng, cần đảm bảo mở ra khoảng trống vừa phải (Tiểu Minh Đường) và có hướng trùng với hướng tốt của người ở theo Mệnh Trạch tương phối, như người nhóm Tây tứ mệnh (Càn, Khôn, Đoài, Cấn) nên chọn căn hộ, căn phòng có cửa chính mở ra các hướng hợp phối mệnh Tây, tương tự với nhóm người thuộc nhóm Đông tứ mệnh (Khảm, Tốn, Ly, Chấn).
Cấp độ thứ hai là bố trí bếp. Gia đình nhỏ tách ra riêng có thể dùng chung bếp với đại gia đình, nhưng cũng có khi phải làm bếp riêng. Phần bếp riêng này cũng cần xếp đặt đúng theo hướng và vị trí hợp mệnh tuổi chủ nhân, xem xét các vấn đề tốt xấu như một bếp độc lập. Tránh suy nghĩ làm bếp sơ sài, vì chỗ ở dù nhỏ hẹp khi có bếp vẫn luôn là cơ cấu Nội Khí hoàn chỉnh, nếu không thì phần ra riêng ấy chỉ là căn phòng, không phải căn hộ.
Cấp độ thứ ba là xem xét các yếu tố liên quan đến chủ nhân, bao gồm vị trí giường ngủ, bàn làm việc, nơi tiếp khách… có màu sắc sao cho tương hợp ngũ hành, bố trí nội thất theo gu thẩm mỹ gia chủ hay không. Cần lưu ý khi còn ở chung thì có thể con cái theo cha mẹ về mặt tính toán tuổi tác làm nhà, bố trí nội thất, nhưng khi ra riêng thì trở thành một gia đình mới hoàn toàn. Do vậy vai trò của người chủ gia đình mới sẽ được đặt lên hàng đầu, miễn sao không ảnh hưởng đến cơ cấu ngôi nhà chung.
Tăng tốt giảm xấu, tận dụng chiều cao
Ta để ý thấy ngôi nhà truyền thống của cha ông bản chất là một không gian lớn, dùng các vách lửng hay tủ kệ để chia ước lệ, tương đối, còn tính chất Trường khí vẫn liên tục, không bị đứt đoạn bởi cấu trúc cứng. Có thể áp dụng quan niệm bố trí này nhằm chủ động phân chia nội thất nhà ở hiện đại theo cung mệnh cá nhân từng thành viên trong gia đình, trên nguyên tắc “tăng tốt – giảm xấu”. Các khu vực cần Hướng Cát như tiếp khách, ngủ, làm việc… cần đầy đủ ánh sáng và thông thoáng tự nhiên, nằm về các vị trí tốt. Còn chỗ dành cho khu vệ sinh, bếp hoặc tủ để đồ… nên đặt ở các hướng xấu theo mệnh trạch cũng như khí hậu (Tọa Hung Hướng Cát). Nếu lối vào chính căn hộ gặp hướng xấu (nắng gắt, gần hành lang chung, tối tăm…) thì có thể đặt ngay tại đây các chức năng phụ như bếp, vệ sinh, còn nên dành phần tốt để trổ cửa sổ và góc nhìn ra ngoài (dạng căn hộ Studio của Hongkong, Singapore được xét phong thủy rất kỹ cũng thường bố trí vậy).
Sử dụng hệ thống đồ dùng liên hoàn và vách che di động sẽ giúp linh hoạt trong bố trí mà ít chiếm diện tích. Có thể làm các dạng ghế tiếp khách ban ngày, ban đêm kéo ra làm giường, hoặc tiếp khách kiểu Nhật, bàn nhỏ không ghế, dùng sàn nhà làm bệ chứa đồ, làm giường. Với phòng ngủ vợ chồng trẻ, nên lưu ý tăng Mộc giảm Kim để giữ gìn sự đầm ấm trong không gian riêng tư bằng cách chú ý đến sử dụng chất liệu gỗ làm tủ kệ liên hoàn sao cho không gian luôn đủ tiện ích mà ít bề bộn.
Nhà có diện tích không rộng thường thiếu không gian phụ trợ, do đó nếu chiều cao ngôi nhà cho phép thì nên tận dụng đưa một số phần lên cao để làm chỗ ngủ hoặc góc làm việc, kho, tủ thờ… Khi đó không gian chính sẽ không bị chia nhỏ mà vẫn tách bạch được chung – riêng, tĩnh – động. Giải pháp này được sử dụng trong nhà có gian áp mái, nhà có sân thượng hoặc căn hộ có lửng (duplex) và căn hộ tầng áp mái (loft) rất hiệu quả. Chỗ cầu thang và lan can gác nên tận dụng làm tủ kệ đựng đồ, trang trí. Một cách tận dụng chiều cao nữa là dùng giường tầng hoặc giường ngủ trên cao, bàn làm việc dưới thấp. Khi đó Trường khí toàn phòng vẫn là một, không bị ngăn cách nhiều.
Khai thác tốt cửa hậu – cửa phụ
Dù nhà ở đô thị hay nông thôn, nơi mặt phố hay khuất trong hẻm, thì lối vào phụ – cửa hậu thường là một chi tiết “không thấy cần nhưng khi cần thì không thấy”. Khi nhà cần có nhu cầu cho thuê kinh doanh, nhà có phân chia cho con cái, hay khi cần thoát hiểm, thì cách bố trí cửa hậu rất quan trọng, nên chú ý tính chất Phong Thủy.
Khác với cửa chính là chỗ nạp Sinh khí, cửa hậu – cửa phụ là lối thoát Nội khí, có Nhập mà không có Xuất thì Nội khí Dương trạch sẽ bị tù hãm. Nhưng cửa phụ luôn cần nhỏ hơn cửa chính để tránh Hao tán khí (vào thì ít mà ra thì nhiều). Nhà lớn mà cửa hậu nhỏ hoặc không có cửa hậu thì tù túng Nội khí và nguy hiểm khi có sự cố. Nhà nhỏ mà cửa hậu – lối vào phụ lớn quá thì lãng phí diện tích, phạm vào Ngũ Hư.
Đối với nhà cao rộng, bề thế, dạng biệt thự có khuôn viên chung quanh, cửa phụ hoặc cửa bên hông thậm chí có thể dùng thường xuyên hơn cửa lớn (vốn chỉ dùng khi có khách). Hoặc nhà gặp hướng bất lợi mà cửa chính do nhu cầu giao tiếp vẫn bám theo đường giao thông, nhưng có thêm hẻm hông hoặc đường nội bộ phía sau thì có thể dùng cửa hậu – cửa hông làm lối ra vào thường xuyên bên cạnh khu vào garage. Đây là cách đổi vị trí và đổi hướng cửa chính rất hữu hiệu trong trường hợp nhà bị không hợp hướng mệnh trạch gia chủ.
Cửa hậu – cửa phụ là giải pháp giúp giảm Xung sát bên ngoài tác động vào, ví dụ như gió lùa, tiếng ồn, có đường phố đâm thẳng Trực Xung tại ngã ba… trực tiếp tác động vào cửa chính. Đối với các khu mới quy hoạch, việc tạo lối thông hành địa dịch phía sau rất hữu ích, giúp cho các nhà đều có được cửa hậu để thoát hiểm, lối đi chợ vào bếp, chỗ thu gom rác, tránh ô uế cho mặt tiền như hiện nay đa số nhà cũ vẫn thường bị. Kích cỡ cửa phụ không nên quá rộng hay cao, mà chỉ cần có tỷ lệ tương ứng và che chắn kín đáo để đảm bảo nhu cầu sử dụng an toàn. Hình dáng, màu sắc của cửa hậu – cửa phụ cần làm sao cho dễ nhận thấy từ bên trong để tiện sử dụng chứ không cần nổi bật từ bên ngoài để tránh Phụ lấn áp Chính.
Thông thường cửa hậu hay đi vào phần bếp sau nhà, cần tránh để cửa mở gặp ngay vào miệng bếp (Lộ Khẩu Táo). Cửa phụ cũng tránh thẳng hàng với cửa chính vì sẽ gây ra lối bố trí Xuyên Sơn, tạo gió lùa. Nếu nhà có sẵn như vậy, cần khắc phục bằng cách dùng tường ngăn, bình phong hoặc đồ vật che chắn để lối đi trước – sau không bị tuôn thẳng. Về kỹ thuật, do nhu cầu thoát Hung khí và thoát hiểm nên cửa hậu cần làm cánh mở được ra bên ngoài để có thể bung từ trong ra khi cần thiết.
- Ảnh Xuân Trang