Cách đây khoảng 20 năm, tại một quán bar ở thành phố Kobe (Nhật Bản), có một nhạc công bị đổ bệnh đột ngột, không thể đến biểu diễn được. Chủ quán bar không tìm được người thay thế nên đã nghĩ ra cách cho các ca sĩ hát theo nhạc đệm của băng ghi âm. Ai ngờ buổi biểu diễn vẫn thành công và từ đó, ý tưởng hát theo nhạc đệm của băng ghi âm mà theo cách gọi của người Nhật là karaoke đã ra đời. Karaoke đã len lỏi đến mọi nơi trên thế giới. Người ta có thể hát karaoke ở quán hay tại nhà của mình nhờ loại thiết bị chuyên dụng.
Để xây dựng một dàn karaoke cần có nguồn phát, bộ phận khuếch đại tín hiệu (amplifier – amp), loa và microphone. Ở trình độ cao hơn, sẽ còn phải có thêm bộ phối trộn nhạc (mixer) và bộ cân bằng (equalizer – EQ).
Nguồn phát
Nguồn phát luôn được coi là linh hồn của bất kỳ dàn âm thanh nào. Hiện tại, karaoke có hai định dạng nguồn phát chính là Beat – nhạc nền chơi bằng nhạc cụ thông thường và MIDI – nhạc nền chơi bằng nhạc cụ điện tử. Nhạc Beat phổ biến hơn nhờ âm thanh thực và gần như giống hoàn toàn nhạc nền của bài hát gốc.
Hiện có ba nhà sản xuất đầu phát karaoke đáng chú ý nhất là Viet KTV, Hanet và Arirang, trong đó Viet KTV đứng đầu về nguồn nhạc gốc có bản quyền, Hanet nổi trội ở các tính năng của đầu phát, còn Arirang có thế mạnh là cập nhật bài hát nhanh.
Bộ phận khuếch đại tín hiệu
Bộ phận khuếch đại tín hiệu là bộ não của một dàn âm thanh, cụ thể là làm nhiệm vụ lọc tín hiệu đầu vào, tinh chỉnh đầu ra theo một chuẩn mực thống nhất, cân bằng âm sắc rồi khuếch đại tín hiệu để loa có thể phát được âm lượng đủ lớn.
Thông thường, một dàn karaoke bình thường thì chỉ cần trang bị Power Amp, nhưng đối với các dàn cao cấp thì hệ thống khuếch đại còn có thêm Pre Amp. Pre Amp có nhiệm vụ lọc tín hiệu đầu vào, cân bằng âm sắc và khuếch đại một phần tín hiệu này. Phần khuếch đại chủ yếu sẽ thuộc về Power Amp. Tại đó tín hiệu sẽ được nâng lên nhiều lần để đủ công suất phát tiếng cho loa.
Các thương hiệu chuyên về bộ phận khuếch đại tín hiệu cho karaoke có tiếng tăm là Jarguar, Boston, JBL hay Crown. Và tùy vào nhu cầu cụ thể mà nhà sản xuất có những lựa chọn và phối ghép khác nhau. Nếu đòi hỏi về chất lượng càng cao thì càng phải bổ sung nhiều thành phần cho hệ thống khuếch đại tín hiệu.
Loa
Khác với các dạng loa dùng để nghe nhạc hay xem phim, loa để hát karaoke có những đặc điểm riêng, chẳng hạn có màng loa rất dày để đáp ứng công suất từ bộ phận khuếch đại tín hiệu và âm sắc thiên về mid, bass để tạo độấm, cũng như phù hợp hơn với giọng người bình thường, dù hỗ trợ dải động lớn.
Tùy vào yêu cầu của người nghe, thông thường cần có hai loa. Nếu cần nâng cao chất lượng khi biểu diễn cho nhiều người thưởng thức thì sẽ có thêm loa subwoofer. Mỗi nhà sản xuất loa đều cố gắng tạo ra chất âm của riêng mình và tùy vào nhu cầu của người nghe để thiết kế các loại loa dành cho dàn karaoke thông thường hay cao cấp. Nếu thương hiệu BMB có chất âm thiên về bass trầm ấm thì JBL lại rất chi tiết, nhưng hơi gắt ở dải âm cao nếu không có sự tinh chỉnh phù hợp, còn Verity thì ngược lại. Kết hợp nhiều loại loa của nhiều nhà sản xuất với nhau luôn là giải pháp hợp lý khi muốn tạo được một dàn karaoke hoàn hảo.
Microphone
Microphone thường được gọi tắt là micro, là thành phần phụ nhưng vẫn có vai trò quan trọng vì chức năng thu lại giọng hát phải chuẩn xác, không bị sai lệch.
Có hai loại micro chính để đầu tư cho dàn karaoke là micro có dây và không dây. Micro có dây có ưu điểm là giá rẻ, nhưng nếu như phòng quá rộng lớn thì tín hiệu truyền tải trên khoảng cách xa dễ bị suy giảm. Điều này không phải là vấn đề với micro không dây, nhưng đổi lại, giá loại này lại cao và phải chú ý tới khả năng micro bị hết pin. Có ba thương hiệu nổi tiếng về micro karaoke là Việt KTV, Shure, BBS.
Mixer và EQ
Mixer có chức năng là nhận tất cả các tín hiệu đầu vào, trộn và tinh chỉnh giữa nhạc và giọng hát. EQ có nhiệm vụ nhận tín hiệu và thay đổi về âm sắc từ trầm đến cao để tạo ra hợp âm hài hòa. Ở những dàn karaoke bình thường, mixer và EQ đã được tích hợp sẵn trong bộ phận khuếch đại tín hiệu, nhưng cũng vì thế mà các dàn karaoke đó không thể trình diễn hay bằng dàn có mixer và EQ rời.
Yêu cầu về âm học của phòng karaoke
Phòng karaoke cũng quyết định rất nhiều đến chất lượng âm thanh. Dàn karaoke càng cao cấp thì đòi hỏi về khả năng xử lý âm của phòng karaoke càng cao. Vấn đề quan trọng là phòng phải có khả năng tiêu âm và tán âm để không bị tiếng vang và hiện tượng dội âm giữa các bức tường khi loa phát nhạc. Cách xử lý cũng như việc vận dụng các vật liệu tiêu tán âm khá phong phú.
Giải pháp xây dựng dàn karaoke cao cấp tại nhà
Có hai hướng để xây dựng một dàn karaoke cao cấp tại nhà tùy thuộc vào nhu cầu của người sử dụng. Hướng đi kết hợp với dàn loa âm thanh xem phim phù hợp với những ai không thích phức tạp, rườm rà và muốn tiết kiệm chi phí phối ghép, nhưng chất lượng trình diễn bị giới hạn, không thỏa mãn được những đôi tai khó tính. Hướng xây dựng dàn karaoke độc lập đòi hỏi chi phí cao hơn nhưng đảm bảo sự hài lòng cho bất kỳ ai.
Nếu đang lựa chọn thiết bị để xây dựng một dàn karaoke tại nhà, bạn có thể tham khảo bảng gợi ý dưới đây.
Thành phần | Dàn kết hợp loa xem phim | Dàn Karaoke rời | Dàn Karaoke rời |
Diện tích phòng | 20-35m2 | > 45m2 | |
Nguồn phát | Việt KTV – Hanet- Arirang 3600 | Việt KTV – Hanet- Arirang 3600 | Việt KTV – Hanet- Arirang 3600 |
Amplifier | Jarguar 203N – 203HI | Crown MA 3600 Crown XLi 2500 |
Crown PQM13 Crown XLi 2500 x 2 |
Loa | Dàn loa xem phim hiện có | BMB 450SE và Verity VN10 |
BMB CSD 2000 và Verity VN12 |
Subwoofer | Dàn loa xem phim hiện có | JBL ES250 Verity VNS12 |
Verity VNS12 x 2 Verity VNS 118 |
Micro | Không dây: Việt KTV 406B-BBS A168 Có dây: Shure PG58 – BBS B8 |
Không dây: Việt KTV 406B-BBS A168 Có dây: Shure PG58 – BBS B8 |
|
Mixer – EQ | JBL KX100 | JBL KX100 | JBL KX100 |
- Trần Đăng