Một cô bạn là “fan” của loạt phim Indiana Jones tuyên bố chắc nịch “đã đi Ethiopia thì phải đến Aksum, trái tim của Ethiopia cổ đại”. Theo truyền thuyết, Aksum, vương quốc của nữ hoàng Sheba (thế kỷ IX trước công nguyên), người nổi tiếng vì có con với nhà thông thái Solomon. Và con trai Menelik của họ là người chiếm được chiếc hòm Tiên tri (*), bên trong chứa hai phiến đá khắc Mười điều răn của Solomon đã mang về cất giấu tại đây. Nhiều người tin rằng kho báu có giá trị nhất về mặt tinh thần của mọi tín đồ Công giáo vẫn còn ở Aksum đến ngày nay.
Từ thành phố Lalibela, sau gần một giờ bay chúng tôi đến Aksum trên cao nguyên Tigray, gần núi lửa Adwa ở biên giới phía bắc giáp Eritrea. Khác với khí hậu ẩm ướt ở Lalibela, Aksum khá khô ráo, có vẻ hơi nhiều bụi bặm.
- Xem thêm: Thăm thành phố cổ Bukhara vùng Trung Á
Thành phố cổ Aksum
Vương quốc Aksum (còn gọi là Axum) từng là một cường quốc về hải chiến và buôn bán ở khu vực này từ năm 400 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ X, do nằm trên tuyến đường giao thương giữa sông Nil và biển Đỏ với các sản phẩm đồi mồi, sừng tê giác, ngà voi, đá màu… Sức mạnh và sự thịnh vượng của Aksum mở rộng sang Ả Rập mà theo một nhà triết học Ba Tư ở thế kỷ thứ II, Aksum là một trong bốn vương quốc lớn nhất thế giới bên cạnh Roma, Ba Tư và Trung Hoa.
Thành phố cổ Aksum còn giữ được khá nhiều kiến trúc của quá khứ huy hoàng: những tấm bia khổng lồ, đài cột bằng đá nguyên khối lớn nhất cao đến 33m được chạm trổ và dựng lên, những cột đá chạm khắc văn tự Ethiopia cổ và các lăng mộ. Vào năm 1980, UNESCO đã công nhận thành phố cổ Aksum là Di sản văn hóa thế giới. Aksum hiện nay có khoảng 100.000 dân, đường phố bằng phẳng được trải nhựa nhưng hơi dốc về phía bắc, khá rộng rãi so với lưu lượng xe cộ. Sẽ khó tưởng tượng vương quốc này từng ngự trị một khu vực trải dài từ Biển Đỏ, bao quanh phần lớn bán đảo Ả Rập kéo dài tới thung lũng sông Nil.
- Xem thêm: Thăm miền đất cổ tích ở Nam Aragon
Chúng tôi bắt đầu chuyến tham quan tại Bảo tàng Khảo cổ học để tìm hiểu sơ lược về lịch sử Aksum. Khá nhiều hiện vật được trưng bày trong bốn gian phòng rộng: hàng kg vàng trên các vương miện đính đá quý; những chiếc ly bằng vàng, bạc; những chiếc thánh giá cổ; trang phục, áo choàng lễ được thêu chỉ vàng. Điều thú vị là các báu vật này được bảo quản trong tủ kính với những ổ khóa bé xíu, lỏng lẻo và được một phụ nữ canh giữ mà không cần đến camera, cửa chống đạn, hay hệ thống an ninh tinh vi nào khác.
Phiên bản chiếc hòm Tiên tri được trưng bày ở gian nhà nguyện bên cạnh. Ở đó, người ta còn bán cả giấy chứng nhận “Đã hành hương đến hòm Tiên tri”! Nhà thờ Đức Mẹ Maria Zion (St. Mary of Zion), nơi được truyền tụng đang cất giấu chiếc hòm Tiên tri bọc gấm thực sự, cũng nằm ngay gần đó. Được xây dựng dưới triều đại vua Ezana thế kỷ thứ IV, công trình bị phá hủy vào thế kỷ thứ X, được phục dựng, sau đó lại bị phá hủy vào thế kỷ XVI.
Dưới thời hoàng đế Fasilides (1632-1667) nhà thờ Đức Mẹ Maria Zion lại được xây dựng và mở rộng thêm nhà nguyện, trở thành địa điểm tổ chức trao vương miện cho các hoàng đế Ethiopia. Năm 1955, hoàng đế Haile Selassie đã cho xây một nhà thờ mới hiện đại với kiến trúc vòng tròn, mở cửa cho cả nam và nữ bên cạnh nhà thờ Đức Mẹ Maria Zion cũ.
Đi tiếp về phía bắc, chúng tôi đến công viên Stelea bí ẩn ở cuối đường, nơi dựng hơn 120 bia đá từ thế kỷ thứ IV, được cho là để đánh dấu phần mộ của giới quý tộc. Một số bia còn đứng thẳng, một số khác ngã đổ, hư hỏng hoặc bị chôn vùi. Vừa bước vào cổng, chúng tôi rất có ấn tượng với bia của vua Ezana cao 24m: khối đá được chạm khắc theo phong cách Aksum này trông giống một tòa nhà chọc trời hiện đại hơn là một di tích cổ.
Ezana cai trị Aksum vào những năm 320-360 và là vị vua đầu tiên của vương quốc này theo Cơ đốc giáo (giáo phái Copte). Để kỷ niệm chiến thắng người Nubians (330-356), vua Enzana đã cho khắc trên bia đá những lời ca ngợi Thiên Chúa bằng ba thứ tiếng Ge’ez (chữ viết đầu tiên của Ethiopia), Sabaean (Nam Ả Rập) và Hy Lạp. Bia mộ của Enzana đứng trên một bệ thấp hơn có chiều cao khoảng 20m, cũng được trang trí phân thành các tầng và có cửa giả. Cao nhất là cột đá Aksum 25m, từng bị đổ và gãy làm nhiều đoạn, được chuyển đến Ý năm 1937 theo lệnh của Mussolini.
Sau đó nó được chính phủ Ý trao trả cho Ethiopia và được dựng lại tại Aksum vào năm 2008. Còn bia lớn nhất, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng có lẽ chưa bao giờ được dựng lên thì dài đến 33m, nặng 520 tấn, trông như một tòa nhà 13 tầng chạm trổ công phu.
Quê hương của nữ hoàng Sheba huyền thoại
Vào buổi chiều, chúng tôi ghé thăm cung điện đổ nát của vua Kaleb và con trai ông – Gebre Meskel (thế kỷ thứ VI). Bên dưới cung điện, các bậc đá dốc dẫn xuống một loạt phòng trưng bày ngầm, nơi từng đặt kho báu hoàng gia. Trong hầm mộ được ghép từ những phiến đá không cần đến vữa, một kiến trúc độc nhất vô nhị ở Aksum gồm một không gian trung tâm và năm phòng nhỏ. Bên trong hầm mộ có ba quan tài trong đó có một được trang trí cây thánh giá.
Nữ hoàng Sheba là nhân vật trung tâm của phần lớn truyền thuyết về lịch sử của Ethiopia nên không có gì ngạc nhiên khi có nhiều di tích gắn với bà. Cung điện của nữ hoàng Sheba chỉ còn vài bức tường trơ trọi, nhưng đây có phải là nơi bà từng ở không thì chưa ai dám đoan chắc. Dù sao đây cũng là một di tích lịch sử hấp dẫn đối với những du khách thích khám phá.
Hồ Mai Shum, theo truyền thuyết là nơi tắm gội của nữ hoàng Sheba trước khi bà khởi hành đến Jerusalem để gặp Solomon, nay chỉ là một hồ nước màu vàng đục nơi dân địa phương tắm giặt. Chúng tôi đến thăm hồ vào sáng sớm để tránh ánh nắng gắt và thật bất ngờ khi thấy những đoàn nông dân dẫn dê, bò, cừu… trên đường đến phiên chợ gia súc gần đó. Chỉ có hai người nước ngoài là chúng tôi lạc lõng giữa phiên chợ. Tôi rất ngạc nhiên về cách mua bán khá kỳ lạ ở đây: không mặc cả, không thương lượng, tất cả im lặng đứng giữa đàn gia súc, chờ đợi…
Dù chiếc hòm Tiên tri có tồn tại ở đây hay không thì với nhiều truyền thuyết được bảo tồn hàng ngàn năm, Aksum vẫn là một địa điểm thiêng liêng với nhiều du khách đến thăm đất nước Ethiopia.
(*) Chiếc hòm Tiên tri chứa những phiến đá khắc những lời di huấn của nhà hiền triết Solomon, là kho báu có giá trị nhất về mặt tinh thần của mọi tín đồ Công giáo ở Ethiopia, một trong những nước có tỷ lệ dân số theo Công giáo hàng đầu thế giới. Năm 1241, một nhà thám hiểm người Armenia kể lại rằng ông đã tận mắt nhìn thấy hòm Tiên tri bằng gỗ bọc gấm ở Axum, Ethiopia – vương quốc của Nữ hoàng Sheba huyền thoại.