Tư duy lại Tương lai – Rethinking Future là một giải thưởng quốc tế đang ở kỳ thứ 11 với hơn 180 giải thưởng và hơn 200 quốc gia tham dự. Ban giám khảo gồm hơn 60 thành viên. Khả năng tiếp cận toàn cầu cao với hơn hàng triệu lượt truy cập mỗi tháng, RTF hiện là một trong những nền tảng được đọc nhiều nhất trên Thế giới.
Giải thưởng nhằm nâng cao nhận thức về các chiến lược mà các kiến trúc sư, các nhà thiết kế đang áp dụng để đối phó với những vấn đề toàn cầu hiện nay. Họ giới thiệu những giải pháp tốt nhất trong các dự án của mình để truyền cảm hứng cho các thế hệ tiếp theo.
Năm 2022, A+ Architects hân hạnh nhận được hai giải của giải thưởng thiết kế danh giá này cho dự án Q Gallery (Giải 3) và Roof Of Knowledge (Giải 2).
Dự án Q Gallery
Thiết kế: A+ Architects
Địa điểm: Đại lộ Võ Văn Kiệt, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
Chủ trì thiết kế: KTS.Vũ Hoàng Kha
Thiết kế kỹ thuật: Từ Phan Nguyên Trường
Nhóm thiết kế: Trần Văn An, Nguyễn Trọng Huân, Nguyễn Long Ẩn, Trần Thị Ly Na, Lương Văn Tàu, Nguyễn Thị Lan Anh, Lê Anh Huy, Lâm Hoàng Minh Trí, Lê Quốc Kiệt, Hồ Ngọc Bảo Vy
Diện tích: 832m2
Năm thiết kế: 2020
Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất Việt Nam về kinh tế, thương mại và dịch vụ. Đi cùng với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế khiến nơi đây phải đối mặt với những vấn nạn về đô thị hóa như bê tông hóa, hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm không khí, ô nhiễm âm thanh… và đặc biệt nghiêm trọng là thiếu cây xanh. Hiện tỷ lệ cây xanh / người ở các đô thị hiện đại trên thế giới phổ biến từ 20 – 25 m2 / người. Nhiều đô thị đạt mức cao hơn nhiều như Singapore, Seoul, Berlin… Thực tế khảo sát cho thấy tỷ lệ cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5 đến 1/10 so với bình quân của thế giới. Vì vậy, nhiệm vụ của các kiến trúc sư Việt Nam, khi thiết kế công trình, không chỉ hoàn thành các yêu cầu của chủ đầu tư mà còn phải góp phần tăng tỉ lệ cây xanh đô thị.
Q Gallery tọa lạc tại một con đường nhánh đi ra đại lộ Võ Văn Kiệt, quận 1, Tp. HCM. Bao quanh khu đất là khu nhà ở và trường học, nên giải pháp thiết kế là làm sao để tạo cho công trình sự riêng tư, cách ly tiếng ồn, giảm bức xạ nhiệt cho người sử dụng…
Yêu cầu của chủ đầu tư là kiến trúc phải có bản sắc nhưng vẫn đạt được sự hợp lý về công năng.
Những người thiết kế đã đưa ra ý tưởng “chậu cây lớn giữa lòng thành phố”. Khối văn phòng ở bên dưới là chậu, khối căn hộ dịch vụ bên trên là cây. Sự tương phản về đường nét thiết kế của khối đế và khối trên khiến công trình càng thêm nổi bật. Các ban công của khối căn hộ dịch vụ bên trên là những nhành cây xanh làm nổi bật mặt đứng công trình. Ngoài ra, việc kết hợp các mảng đặc và kính (chia tỷ lệ theo hướng mặt trời) từ tầng 2 đến tầng 6 cũng giúp hạn chế bức xạ theo góc mặt trời.
Dự án gồm 19 tầng với 15 tầng nổi và 4 tầng hầm. Tầng trệt là không gian sảnh kết hợp văn phòng, tầng 2 đến tầng 5 là văn phòng, tầng 6 là không gian văn phòng chia sẻ (coworking), tầng 7 là khu vực nhà hàng, cafe và khu kỹ thuật, tầng 8-14 là khu căn hộ dịch vụ. Đặc biệt, một bể bơi được đặt tại tầng 15.
Dự án Roof of Knowledge
Thiết kế: A+ Architects
Địa điểm: Đại học Tôn Đức Thắng, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, Việt Nam
Chủ trì thiết kế: Vũ Hoàng Kha
Thiết kế kỹ thuật: Từ Phan Nguyên Trường
Nhóm thiết kế: Nguyễn Trọng Huân, Nguyễn Long Ẩn, Kinga Tomalak, Nguyễn Thị Lan Anh, Lê Anh Huy
Diện tích: 59164m2
Năm thiết kế: 2020
Dự án tọa lạc tại tỉnh An Giang thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cách trung tâm thành phố Long Xuyên khoảng 8km.
Đây là một cơ sở trong năm cơ sở của trường đại học. Khuôn viên trường bao gồm các chức năng: thư viện, văn phòng, phòng học, ký túc xá, trung tâm thể thao. Trong giai đoạn đầu, chúng tôi thiết kế hai khối nhà thư viện và văn phòng cũng như quy hoạch lại tổng mặt bằng và định hướng các chức năng khác trong tương lai theo định hướng của trường.
Trên khu đất rộng 5 ha, chúng tôi đề xuất một mái nhà tri thức giữa hai mặt của các tòa nhà. Đó không chỉ là biểu tượng của ngôi nhà vô hình trên mặt nước với ruộng lúa phía sau mà còn là tấm lòng rộng mở đón nhận hình ảnh tri thức, mọi hoạt động được diễn ra dưới “mái nhà tri thức” này. Sự liên hoàn của bối cảnh, cảnh quan, mặt nước tạo nên dòng chảy cho công trình. Cảm hứng từ bản sắc của An Giang không chỉ thể hiện trên mặt bằng mà còn thể hiện trên mặt đứng. Cảnh quan cũng đóng một vai trò quan trọng trong quy hoạch và kiến trúc, nó tạo sự cảm xúc, đồng thời bảo vệ toàn bộ khuôn viên nhờ lớp cây xanh
Thay vì sử dụng mảng phẳng thông thường, hình thức mặt đứng được xử lí dưới dạng giật bậc. Ngoài tạo hiệu ứng mảng xéo, nó còn tạo bóng đổ cho khối bên dưới theo nguyên tắc: khối trên che khối dưới. Mặt đứng công trình được trồng cây lúa, vừa tạo được lớp cách nhiệt cho công trình, vừa tạo tính nhận diện cho cả ngoại thất lẫn nội thất. Công trình tạo nhiều mảng xanh và cây địa phương, giữ lại những cây hiện trạng thay vì phá bỏ. Hạn chế mật độ bê tông hóa, góp phần cải thiện vi khí hậu cho công trình. Công trình sử dụng cây địa phương như: me nước, cây thủy sinh, cây họ lúa,… để tạo cảnh quan.