Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử là một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao trong sự phát triển mỹ thuật thời Trần. Vừa qua, cùng với bình gốm Đầu Rằm và hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử là 2 hiện vật của Quảng Ninh được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Ngày 21 tháng 6 năm 2012, trong quá trình thi công mở rộng con đường “hành hương tâm linh” từ thôn Trại Lốc lên di tích chùa Ngọa Vân (TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), nơi vua Trần Nhân Tông hóa Phật, Đại đức Thích Quảng Hiển đã phát hiện một chiếc hộp bằng vàng do máy xúc đào lộ ra từ sườn đồi.
Việc phát hiện Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử trên con đường hành hương lên am Ngọa Vân, nơi vua Trần hóa Phật, góp tư liệu quan trọng vào nhận thức về di tích am Ngọa Vân – “thánh địa” của Thiền phái Trúc Lâm. Căn cứ vào hình dáng và đặc biệt là các họa tiết trang trí, các nhà nghiên cứu đều thống nhất niên đại chiếc hộp vào thế kỷ 14.
Hộp vàng Ngọa Vân là một pháp khí của Phật giáo có tên gọi là Át già khí là một thuật ngữ dùng để chỉ cốc/bát đựng nước thơm trong nghi lễ cúng dường của Phật giáo. Hộp vàng Ngọa Vân mang dáng dấp của một bông sen đang độ mãn khai với hai phần: phần thân và phần nắp. Tổng thể chiều cao hộp là 42mm trong đó phần thân cao 28,4 – 32mm, đường kính thân 51mm. Thân hộp tạo nổi 11 múi, mỗi múi như một cánh sen cong tròn, lòng múi trang trí văn hoa chanh.
Tất cả hoa văn đều điển hình cho phong cách mỹ thuật thời Trần. Cánh sen lớn, to mập được tạo tác với đường nét tinh xảo. Giữa các lớp cánh có một vòng hạt cườm và hai đường chỉ nổi nhằm tăng độ hài hòa hình khối. Chính giữa tâm nắp hộp được tạo lõm xuống (mô phỏng gương sen) khiến chiếc hộp nhìn từ trên xuống trông giống hệt một đóa sen với nhiều lớp cánh đang nở. Tuy diện tích nhỏ, nhưng các hoa văn đều được tạo tác bằng các đường nét chắc khỏe, sắc nét, thể hiện trình độ điêu luyện của người thợ thủ công.
Theo nghiên cứu, hộp được chế tác bằng kỹ thuật gò trên khuôn và tạo hoa văn bằng kỹ thuật khắc, gò bằng tay – loại kỹ thuật luôn cho ra những sản phẩm độc bản, thể hiện cung bậc cảm xúc riêng của người thợ ở từng thời điểm nhất định. Các họa tiết hoa văn, nhất là nền gấm văn mây làm nền họa tiết hoa chanh là họa tiết chính, cho thấy trình độ và kỹ thuật hết sức điêu luyện của nghệ nhân.
Về chất liệu, theo kết quả từ Hội đồng Giám định cổ vật của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch thực hiện ngày 9-10-2012, thì chiếc hộp được chế tạo với 90% thành phần là vàng, còn lại là một ít kim loại màu để gia tăng độ cứng. Toàn bộ hình dáng hộp được gò trên khuôn, trong đó phần chân đế được gò tách biệt và được hàn vào thân. Hoa văn trang trí được tạo tác bằng kỹ thuật khắc và gò thủ công. Hộp vàng Ngọa Vân là di vật vô cùng quý giá không chỉ bởi được làm bằng vàng mà hình dáng, hoa văn cũng được tạo tác rất hoàn hảo, bố cục chặt chẽ, phản ánh tư tưởng và giá trị thẩm mỹ của triều đại quân chủ Phật giáo thân dân, lấy tư tưởng Phật giáo mà cốt lõi là triết lý từ bi, hỷ xả, hòa quang đồng trần làm động lực thúc đẩy việc xây dựng con người và xã hội. Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử là một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao trong sự phát triển mỹ thuật thời Trần.
Căn cứ vào chất liệu cũng như độ tinh xảo, có thể hộp vàng Ngọa Vân là một vật cao quý thuộc về hoàng gia, thậm chí là một vật dùng trong các nghi thức tôn nghiêm, liên quan đến đạo Phật. Vị trí phát hiện chiếc hộp nằm cạnh Am Mộc Cảo là thảo am của Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng Thái hậu, con gái trưởng của Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, con trai của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn nên rất có thể nó liên quan tới cuộc đời bà Hoàng Thái hậu nổi tiếng mộ đạo này.
Như trên đã nói, hộp vàng là hiện vật độc bản, chưa từng được phát hiện ở bất cứ đâu và có giá trị đặc biệt về khoa học, lịch sử, mỹ thuật thời Trần. Hiện hộp vàng đang được lưu trữ bảo quản tại Bảo tàng Quảng Ninh. Nghiên cứu thêm về hộp vàng sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tìm hiểu về cuộc đời vị vua-Phật Trần Nhân Tông nói riêng và thiền phái Trúc Lâm nói chung.