Phòng ngủ luôn là “đơn vị tính” cơ bản của không gian nhà ở. Từ căn hộ nhỏ đến biệt thự cao cấp, thậm chí cả khách sạn, resort… đều xây dựng phong cách và thiết kế nội ngoại thất từ cốt lõi hệ thống phòng ngủ. Chốn riêng tư này luôn hàm chứa những đối lập: giữa sự thống nhất chung và khả năng bộc lộ phong cách riêng, giữa chất âm (nhu cầu yên tĩnh) với chất dương (nhu cầu tiện ích tối đa)…, đòi hỏi các nhà thiết kế nó vừa phải biết cập nhật các sản phẩm mới nhất vừa phải có khả năng giữ được giá trị truyền thống, trong đó không thể bỏ qua yếu tố hài hòa phong thủy. Dung hòa được những đối lập sẽ giúp phòng ngủ trong ngôi nhà hiện đại đạt đến tính cân bằng và gia tăng chất lượng sống ở nơi mà mỗi người chúng ta phải dành đến 1/3 đời mình trong đó.
Ngoại trừ nhà trệt hoặc căn hộ chung cư, đa phần nhà phố hay biệt thự đều bố trí phòng ngủ trên lầu. Nhìn vào hình khối ngôi nhà thường thấy các phòng ngủ, nhưng không phải thiết kế nào cũng chú trọng chuyện cân bằng về hình thức với nội dung sử dụng bên trong.
Cân bằng hình khối mặt ngoài với phòng bên trong
Trong tương quan đặc – rỗng của ngôi nhà cần phải hài hòa về tỷ lệ, đồng thời phải thể hiện đặc thù sinh hoạt bên trong. Nếu thiếu quan tâm đến điều này, ngôi nhà có thể có các phần đặc – rỗng khá đẹp theo kiểu một khối tạo hình có vẻ hấp dẫn, nhưng bên trong không gian thì thiếu hợp lý, khó sử dụng, rơi vào tình trạng làm “đồ giả” chỉ nhằm trang trí cho mặt ngoài mà thôi. Khi đó trường khí trong ngôi nhà về lâu dài sẽ bị ảnh hưởng xấu, vì chỗ cần kín đáo yên tĩnh thì lại bị mở toang thông thống, hoặc nơi muốn đón gió mát nắng đẹp thì lại vướng hình khối rườm rà bên ngoài che chắn. Do đó, phong thủy hiện đại khuyến cáo cách mở cửa mặt ngoài cần linh hoạt tùy theo chiều cao và chiều rộng nhà, cũng như tuân thủ đúng chức năng sử dụng và đặc trưng trường khí bên trong. Ví dụ lầu 1 nếu đặt phòng sinh hoạt gia đình thì nên mở cửa rộng, có ban công mở ra bên ngoài, nhưng lầu 2 là phòng ngủ thì cần giảm nắng chiếu, mưa tạt do vậy phải giảm số lượng và kích cỡ cửa, thậm chí không cần làm ban công dài rộng quá vì ít khi bước ra, thiếu chăm sóc chu đáo.
Ở mặt trước nhà phố, các tầng lầu có cửa mở cùng một kích cỡ, kiểu dáng, càng lên cao càng thiếu cây xanh, ít bị nhà lân cận che chắn, nên nắng gió ra vào khung cửa đó sẽ càng nhiều hơn so với các tầng dưới thấp. Việc phân bố mảng đặc – rỗng cần căn cứ thực tế ngoại cảnh và bản thân ngôi nhà theo nguyên lý cân bằng âm – dương. Những phòng ở trên cao, tính dương nhiều thì cửa phải mở hạn chế, có che chắn để ánh sáng không quá chói chang. Ngược lại, phòng ở dưới thấp hoặc phòng bị che chắn kín vốn ẩm thấp tối tăm, cửa nên mở sao cho tăng cường nhiều ánh sáng hơn.
Gia giảm âm – dương cho phòng ngủ
Như vậy, nguyên tắc “Tạo thế chứ không tạo hình”, cân bằng giữa công năng và hình thức sẽ mở ra nhiều cách thức gia giảm âm dương cho phòng ngủ, với tiêu chí cơ bản là linh hoạt và đồng nhất, cụ thể là một số biện pháp sau:
Dùng cây xanh: Phòng ngủ vốn thiên về âm, nên dùng cây xanh ở các hướng có nắng gió nhiều sẽ là cách vừa giảm bức xạ dương Hỏa, vừa tăng tính dương Mộc mà không làm âm Thủy thịnh quá (tránh ẩm thấp tối tăm). Nếu nhà đã có thiết kế ban công ngoài hoặc mặt đứng có giàn lam bao bọc tùy theo hướng khí hậu cụ thể, thì cây xanh chính là bước tiếp theo giúp tạo nên bộ lọc mặt ngoài nhà một cách tự nhiên nhất. Tất nhiên, đặt vài chậu cây xanh thì chưa thể thấy hiệu quả gì rõ rệt, nhưng nếu biết chọn đúng loại cây (chịu nắng hay chịu bóng râm, có bông hoa hay chỉ tạo dáng…), cách bố trí (tường xanh hoặc dây rủ…) và cách kết hợp tận hưởng (làm khoảng thư giãn cạnh phòng ngủ) thì hoàn toàn có thể thay đổi quan niệm cố hữu lâu nay về những phòng ngủ mà ban công chỉ dùng để… đặt cục nóng máy lạnh, hay thậm chí là những phòng ngủ bít bùng, chỉ có khung cửa kính khi mở, đi ngược với các nhu cầu gần gũi thiên nhiên. Các thiết kế greenwall hiện đại (mảng xanh theo chiều đứng) là giải pháp nhanh chóng, hiệu quả giúp các phòng ngủ dù tiếp xúc mặt ngoài hay nhìn vào giếng trời bên trong vẫn có thể trông ra được những mảng xanh.
Dùng bình phong: Trong ngôi nhà truyền thống Đông phương, bình phong thường không chỉ là một bức vách di động linh hoạt mà còn mang ý nghĩa che chắn, ngăn chia tạm thời không gian giữa trong và ngoài, giữa chung với riêng, giúp giảm tầm nhìn và cản phần nào gió thổi trực diện, nắng chiếu xuyên phòng. Trong dương ngoài âm, nếu biết đặt bình phong đúng chỗ thì sẽ hoán đổi, thêm bớt yếu tố âm dương hiệu quả cho không gian mà không phải “đụng chạm” vào cấu trúc cứng vốn có. Khi vào nội thất, những tấm bình phong bằng gỗ hay sắt uốn, sơn mài hay bọc vải lụa hôm qua đang dần được các thiết kế hiện đại biến tấu trên tinh thần vốn có, trở thành điểm nhấn mới mẻ, với nhiều cải biên về hình dáng, chất liệu và cách thức bố trí, đem lại những sắc thái mới cho không gian nhà ở trong điều kiện “đất chật người đông”. Bình phong đặt trong phòng ngủ có thể làm đặc hoặc rỗng tùy theo mẫu và chất liệu, chủ động trong che chắn và tạo gu nội thất riêng biệt.
Dùng cấu trúc “mềm”: Rèm cửa hiện nay đã phát triển nhiều dòng sản phẩm thông minh, có cảm biến đóng mở điều chỉnh theo cường độ ánh sáng bên ngoài và có thể cài đặt theo nhu cầu của người sử dụng bên trong. Nhờ vậy mà các thiết kế đã “lỡ tay” bọc kính nhiều ở không gian phòng ngủ có thể được gia giảm tính dương, vẫn đảm bảo được các góc nhìn thoáng đãng mà vẫn có thể che chắn kín đáo khi cần. Tương tự với hệ rèm là các thiết kế lam che bên ngoài hoặc bên trong khá hiện đại cũng có khả năng xoay trượt hay đóng mở linh hoạt, với chất liệu nhôm, gỗ hay nhựa rất phong phú. Vấn đề là gia chủ lẫn người thiết kế tính toán nên dự trù từ ban đầu để các chi tiết cấu tạo này không ảnh hưởng đến thẩm mỹ và cấu trúc của toàn nhà.
An hòa hơn nhờ bố trí đồ đạc hợp lý
Thử làm phép so sánh giữa hai phòng ngủ có kích cỡ thiết kế giống nhau, dễ thấy phòng nào dùng đồ vật đồng bộ, hài hòa hơn thì trường khí sẽ hưng vượng hơn, cho giấc ngủ an lành hơn. Hoặc cùng ngôi nhà cùng chủng loại đồ đạc, thiết bị nội thất, nhưng khi đưa vào phòng này thì thấy ổn còn vào phòng khác chỗ khác lại trông khó chấp nhận. Tất cả nằm ở tương quan giữa vật dụng và cách bài trí đồ nội thất hợp lý hay không. Theo phong thủy hiện đại có thể xem xét dựa trên một số tiêu chí sau:
Kích cỡ và tỷ lệ: Những đồ vật thiếu tỷ lệ so với không gian như bộ giường quá to trong phòng ngủ nhỏ, giường người lớn dùng cho phòng trẻ em hoặc ngược lại… đều gây cản trở trường khí và người sử dụng luôn thấy bất an hoặc bị đè nén.
Hình dạng và chi tiết: Những đồ vật có nhiều góc cạnh sắc nhọn gây nguy hiểm, đồ vật có hình thù kỳ lạ (ví dụ bàn ghế hình gốc cây vặn vẹo chỉ hợp kê ngoài sân vườn, không thể đặt trong phòng ngủ được), đồ vật hoặc thiết bị có khả năng gây nguy hiểm (quạt trần treo quá thấp, tấm bình phong mong manh dễ bị ngã đổ, chậu hoa kiểng có khả năng sinh sâu bọ, côn trùng…).
Chất liệu và màu sắc: Các tấm gương chiếu vào đầu giường nằm thường gây phản xạ ánh sáng, chói mắt, gây ảo giác. Đặt giường ngủ bên cạnh hoặc dưới gầm thang thường tạo tâm lý bị đè nặng, khó sử dụng và gây ẩm thấp. Hệ thống đèn trong phòng ngủ quá sáng hoặc dùng nhiều đèn màu tím, màu xanh gây cảm giác bất an và sai lệch về màu da. Tất cả cần được xem xét một cách toàn diện để khắc phục.
Cần lưu ý nhà ở gia đình và nhất là phòng ngủ không phải là nơi triển lãm hay cửa hàng để trưng bày đồ vật quá nhiều, cho dù là đồ vật đẹp, vì sẽ gây ra tình trạng nhiễu loạn trường khí, rối mắt, tạo cảm giác bất ổn cho một góc cần đến sự tĩnh lặng và giấc ngủ an lành, ổn định và lâu dài.
- Ảnh Xuân Trang